cac-truong-thuoc-bo-cong-thuong-chu-dong-hop-tac-voi-doanh-nghiep
Đào tạo gắn với nhu cầu doanh nghiệp đang là xu thế tất yếu, nhằm đáp ứng nhu cầu tuyển dụng lao động của xã hội. Trước bối cảnh này, các cơ sở đào tạo của Bộ Công Thương đang không ngừng đẩy mạnh hợp tác với doanh nghiệp.
Thời gian qua, tại Trường Cao đẳng Công nghiệp Huế, bên cạnh việc học lý thuyết, các sinh viên của trường được thực hành trên mô hình thực tế ảo. Nhờ đó, sinh viên có thể nắm bắt hoàn toàn các quy trình vận hành của một nhà máy, giúp các em có kiến thức đầy đủ nhất và bắt kịp với yêu cầu công việc khi đi làm. Còn tại Trường Đại học Sao Đỏ, từ năm 2017 đến nay, trên 95% sinh viên ngành cơ khí, may thời trang và nhất là ngành ôtô đã có việc làm ngay sau khi tốt nghiệp với mức thu nhập cao và ổn định.
Hợp tác với doanh nghiệp giúp sinh viên nắm được kỹ năng ngay trên ghế nhà trường |
Kết quả này được cho là một phần rất lớn đến từ chính sự hợp tác bền chặt giữa nhà trường và doanh nghiệp. Phó hiệu trưởng Trường Cao đẳng Công nghiệp Huế Trần Hữu Châu Giang cho biết, thời gian qua, nhà trường luôn chú trọng đến việc đào tạo thực tế, khoảng 30% tỷ trọng đào tạo là thời gian thực hành trực tiếp trên các thiết bị và dây chuyền tại doanh nghiệp. Trường rất chú trọng xây dựng mối quan hệ ngày càng bền chặt với các doanh nghiệp. “Hiện nay, trường đang hợp tác chặt chẽ với hơn 500 doanh nghiệp trong quá trình đào tạo và giới thiệu việc làm, trong đó có nhiều tập đoàn lớn như: Sam Sung, Daikin, Mitsubishi, LG, Hyundai, Yamaha, Honda, EVN, Lilama…”- Phó hiệu trưởng Trần Hữu Châu Giang thông tin.
TS. Nguyễn Thị Kim Nguyên - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Sao Đỏ - cho hay, trong nhiều năm qua, với phương châm đồng hành, cùng phát triển, mối quan hệ hợp tác trong đào tạo và sử dụng nguồn nhân lực sau đào tạo giữa nhà trường và doanh nghiệp ngày càng bền chặt, mang tầm chiến lược lâu dài. “Với sự cạnh tranh gay gắt và đòi hỏi nguồn nhân lực chất lượng cao của ngành công nghiệp, các khoa và nhà trường đã tiến hành ký kết hợp tác đào tạo và sử dụng nguồn nhân lực sau đào tạo với nhiều tập đoàn, doanh nghiệp trong và ngoài nước”- TS. Nguyễn Thị Kim Nguyên - cho biết.
Vụ Tổ chức cán bộ (Bộ Công Thương) cho biết, năm học 2020-2021, 100% các trường trực thuộc Bộ có báo cáo về hoạt động hợp tác doanh nghiệp trong những năm gần đây với tổng số doanh nghiệp đã kết nối lên tới trên 5 nghìn đơn vị trên cả nước. Thông qua sự gắn kết giữa nội dung chương trình đào tạo với yêu cầu công việc thực tế đã giúp nâng cao chất lượng đào tạo; mặt khác, chính sự năng động tìm kiếm và liên kết, hợp tác với doanh nghiệp ở nhiều khâu trong quá trình đào tạo là những lý do dẫn tới tỷ lệ sinh viên có việc làm sau ra trường ngày càng được cải thiện.
Tuy nhiên, việc gắn kết giữa nhà trường và doanh nghiệp vẫn chưa thực sự bền vững, chưa có chiều sâu, ảnh hưởng của dịch Covid-19 đã làm gián đoạn, cản trở hoạt động kết nối giữa nhà trường và doanh nghiệp. Theo đó, Vụ Tổ chức cán bộ đề nghị, thời gian tới, các trường cần tiếp tục kết nối chặt chẽ với doanh nghiệp để đào tạo và đào tạo lại nguồn nhân lực có tay nghề, có kỹ năng đáp ứng yêu cầu phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp nền tảng, thương mại điện tử và kinh tế số.
Sự năng động tìm kiếm và liên kết, hợp tác với doanh nghiệp ở nhiều khâu trong quá trình đào tạo là những lý do dẫn tới kết quả tỷ lệ sinh viên có việc làm sau ra trường ngày càng được cải thiện. |