Đó là một phần của cuộc tranh cãi kéo dài, trong đó cả hai bên đều cáo buộc nhau trợ cấp không công bằng cho các công ty hàng không khổng lồ của nhau. EU đã tìm kiếm 8,6 triệu USD thuế quan, để đáp lại mức thuế mà Mỹ áp đặt gắn với các khoản trợ cấp của Airbus châu Âu vào năm ngoái.
Các biện pháp trừng phạt của EU ban đầu đã được một kiểm toán viên của WTO thông qua vào ngày 13/10, nhưng cần sự chấp thuận của 164 quốc gia thành viên của cơ quan thương mại toàn cầu. Ngày 26/10, các thành viên WTO đã chấp thuận yêu cầu của Liên minh châu Âu về việc cho phép áp dụng các biện pháp trả đũa đối với Mỹ vì đã không tuân thủ phán quyết của WTO liên quan đến các khoản trợ cấp của Chính phủ Mỹ đối với Boeing. EU hiện dự kiến sẽ áp thuế đối với thiết bị nông nghiệp và các sản phẩm nông nghiệp của Mỹ như khoai lang, đậu phộng và thuốc lá.
Phía Mỹ cho biết, họ "ủng hộ mạnh mẽ một giải pháp thương lượng về tranh chấp với EU về khoản trợ cấp dành cho Airbus. Mỹ gần đây đã đưa ra các đề xuất về một giải pháp hợp lý sẽ tạo ra một sân chơi bình đẳng. Brussels cũng cho biết đã sẵn sàng đàm phán với Mỹ và không có kế hoạch áp dụng thuế quan ngay lập tức, mà là tìm kiếm đòn bẩy để buộc một thỏa thuận đã đàm phán với Mỹ có thể khiến Washington giảm thuế quan trừng phạt từ năm 2019.
Tuy nhiên, Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer tuyên bố Mỹ đã cắt giảm trợ cấp cho Boeing từ lâu và đe dọa sẽ trả đũa thêm. Các đại diện của ngành công nghiệp châu Âu đã thúc đẩy Brussels thực hiện hành động nhanh hơn và tích cực hơn với hy vọng cuối cùng có thể chấm dứt các mức thuế quan mà Mỹ đã áp dụng.
Năm ngoái, WTO đã phê duyệt mức thuế 7,5 tỷ USD của Mỹ đối với EU vì sự viện trợ của EU dành cho Airbus. Thông báo ngày 26/10 là diễn biến mới nhất trong cuộc chiến thương mại giữa hai bên, trong đó EU và Mỹ đã cáo buộc nhau trợ cấp không công bằng cho các tập đoàn hàng không khổng lồ trong hơn 15 năm nay.