Chia sẻ với báo chí, bà Nguyễn Thị Quỳnh Nga – Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương) - cho biết, cuộc họp giữa các đoàn đàm phán của RCEP lần này là để chuẩn bị cho cuộc họp các Quan chức cấp cao ASEAN sẽ diễn ra trong ngày 11/3/2020 để bàn về tiến trình đàm phán RCEP. Tại cuộc họp, các bên đã hoàn tất các báo cáo để gửi lên Trưởng đoàn các đoàn đàm phán RCEP của ASEAN, trong đó có đánh giá tình hình đàm phán mở cửa thị trường, rà soát pháp lý và giải quyết tất cả những vấn đề còn tồn đọng để hướng tới mục tiêu kết thúc đàm phán và ký kết Hiệp định trong năm nay.
“Mặc dù tình hình dịch bệnh Covid-19 đang diễn ra có hưởng đến tiến trình đàm phán, nhưng là nước Chủ tịch ASEAN 2020, Việt Nam sẵn sàng cùng với tất cả các nước tìm kiếm mọi giải pháp để có thể hoàn tất quá trình đàm phán này” - bà Nga nhấn mạnh.
Bà Nguyễn Thị Quỳnh Nga - Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên |
Được biết, các nước đều đang nỗ lực đưa Ấn Độ quay trở lại quá trình đàm phán để hướng tới mục tiêu ký kết Hiệp định có đầy đủ 16 nước tham gia, nhằm đem lại một Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, toàn diện và cân bằng lợi ích cho tất cả các bên. Tuy nhiên, từ hội nghị cấp cao RCEP vào tháng 11 năm ngoái ở Bangkok, Ấn Độ đột ngột tuyên bố không thể tham gia hiệp định này do những lợi ích của Ấn Độ chưa được xử lý thỏa đáng. Từ sau hội nghị cấp cao đó, các nước ASEAN cũng như các nước đối tác khác đã rất nỗ lực sẵn lòng để cùng tìm kiếm giải pháp để xử lý những vướng mắc của Ấn Độ, hướng tới mục tiêu ký kết Hiệp định vào cuối năm 2020. Nhưng từ đó cho đến nay, Ấn Độ không cử đại diện tham gia các cuộc đàm phán. Chính vì vậy, tại Hội nghị diễn ra vào ngày 11 tới, các Bộ trưởng ASEAN sẽ cùng tập trung xử lý vấn đề này.
Ông Pak Iman Pambagyo - Chủ tọa Ủy ban đàm phán về RCEP |
Ông Pak Iman Pambagyo - Chủ tọa Ủy ban đàm phán về RCEP - cho hay, quan điểm của ASEAN là quyết tâm cao, cùng đưa Ấn Độ quay trở lại đàm phán để tiến tới ký kết hiệp định này theo đúng dự kiến đề ra. Tôi tin rằng chúng ta sẽ thực hiện được mục tiêu này trong năm 2020, khi Việt Nam là Chủ tịch ASEAN. Chúng ta đã đạt được sự đồng thuận cao từ các nước Nhật Bản, Australia, New Zealand. Các nước đã rất tích cực trong việc đàm phán, tìm kiếm các giải pháp xử lý vướng mắc nhằm kết thúc đàm phán, mở cửa thị trường và hướng tới mục tiêu ký kết trong năm nay.
Được bắt đầu khởi động đàm phán từ tháng 11/2012, RCEP đặt mục tiêu tăng cường hợp tác kinh tế giữa 10 nước thành viên ASEAN và 6 quốc gia mà hiệp hội này đã ký Hiệp định thương mại tự do là Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, Ấn Độ và New Zealand.
Là một Hiệp định thương mại tự do quy mô lớn của khu vực châu Á - Thái Bình Dương, RCEP khi được ký kết sẽ hình thành một khối thương mại chiếm tới 1/3 GDP toàn cầu, với tổng dân số 3,56 tỷ người và tạo ra giá trị thương mại hơn 1.000 tỷ USD, tương đương 29% giá trị thương mại toàn cầu.
Việt Nam khẳng định sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các nước ASEAN trong việc duy trì vai trò dẫn dắt của ASEAN và hợp tác chặt chẽ với 6 nước đối tác để thúc đẩy sớm kết thúc hoàn toàn đàm phán RCEP và nhanh chóng hoàn tất việc rà soát pháp lý những nội dung đã thống nhất để chuẩn bị cho việc ký kết Hiệp định.