Bức tranh toàn cảnh điện hạt nhân thế giới hiện nay ra sao? Pháp ráo riết tái vận hành 15 tổ máy điện hạt nhân đối phó với khủng hoảng năng lượng |
Các quốc gia Liên minh châu Âu cam kết hợp tác chặt chẽ trong toàn bộ chuỗi cung ứng hạt nhân và thúc đẩy các dự án công nghiệp chung về công suất phát điện mới cũng như các công nghệ mới như lò phản ứng nhỏ.
Theo đó, các nước đã ký một tuyên bố tại Stockholm, với mục tiêu cùng nhau tái khẳng định mong muốn tăng cường hợp tác châu Âu trong lĩnh vực năng lượng hạt nhân. Năng lượng hạt nhân là một trong nhiều công cụ để đạt được các mục tiêu về khí hậu, để tạo ra điện tải cơ bản và đảm bảo an ninh nguồn cung như khẳng định của các bộ trưởng năng lượng EU.
Bộ trưởng chuyển giao năng lượng Pháp Agnès-Pannier Runacher cho biết, mục tiêu của liên minh là cơ cấu sự hợp tác trên toàn bộ chuỗi giá trị hạt nhân và cung cấp cho châu Âu tất cả các công cụ để đạt được mức trung hòa carbon vào năm 2050.
Các nước EU tham gia ký kết bao gồm Bulgaria, Croatia, Cộng hòa Séc, Phần Lan, Pháp, Hungary, Hà Lan, Ba Lan, Romania, Slovakia và Slovenia. Tuyên bố chung cho biết, mục tiêu của sự hợp tác là thúc đẩy nghiên cứu và đổi mới cũng như giúp thiết lập các quy tắc an toàn thống nhất theo thông lệ quốc tế tốt nhất. Điều quan trọng là liên minh này cũng tìm cách tăng cường hợp tác công nghiệp trong việc phát triển năng lực hạt nhân châu Âu và khám phá các dự án công nghiệp chung cho các lò phản ứng mới.
Bộ trưởng năng lượng Ba Lan Anna Moskwa cho biết, đây sẽ không phải là bước cuối cùng và không loại trừ các cuộc họp bổ sung dành riêng cho vấn đề hạt nhân. Ý, nước ban đầu được cho là sẽ tham gia liên minh, cuối cùng đã không ký vào tuyên bố chung, mặc dù nhóm sẵn sàng tiếp nhận các thành viên mới. Thụy Điển bày tỏ mong muốn tham gia nhóm nhưng chọn giữ thái độ trung lập vì nước này hiện đang giữ chức chủ tịch luân phiên của EU.
Tuy nhiên, Stockholm và Paris dường như cam kết hợp tác hơn nữa về hạt nhân. Hợp tác Pháp - Thụy Điển về hạt nhân diễn ra sau chuyến thăm của Thủ tướng Ulf Kristersson tại Paris vào tháng 1, nơi hai bên vạch ra những hợp tác tiềm năng, bao gồm cả về “năng lượng gió, thủy điện và năng lượng hạt nhân ổn định, không hóa thạch”. Bộ năng lượng Pháp cho biết, công ty điện lực Pháp EDF đang được các nhà chức trách Thụy Điển xem xét để thảo luận về khả năng hợp tác.