Đảo bảo quyền lợi cho khách hàng
Sau nhiều năm lên phương án, thực hiện quy trình và qua các bước phê duyệt, Ngân hàng thương mại TNHH MTV Xây Dựng Việt Nam (CB) và Ngân hàng thương mại TNHH MTV Đại Dương (OceanBank) đã chính thức được chuyển giao lần lượt cho Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) và Ngân hàng TMCP Quân đội (MB).
Tại Lễ công bố quyết định chuyển giao ngày 17/10 vừa qua, Lãnh đạo Ngân hàng nhà nước Việt Nam cho hay, chuyển giao bắt buộc là một trong các phương án để cơ cấu lại các tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt, được quy định tại Luật Các tổ chức tín dụng. Đây là một trong những giải pháp cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu nhằm góp phần đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, an ninh tài chính tiền tệ quốc gia, ổn định chính trị và trật tự, an toàn xã hội.
Vấn đề này được các cấp có thẩm quyền quan tâm, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo quyết liệt; Ngân hàng Nhà nước đã phối hợp chặt chẽ các bộ, ngành và các cơ quan liên quan chỉ đạo các ngân hàng xây dựng Phương án chuyển giao bắt buộc trình cấp có thẩm quyền phê duyệt theo đúng các quy định của pháp luật.
“Mục tiêu của việc chuyển giao là từng bước khôi phục hoạt động bình thường, khắc phục các yếu kém, đưa 2 ngân hàng dần trở thành ngân hàng có tình hình tài chính lành mạnh, đảm bảo khả năng hoạt động liên tục” - Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cho hay.
Ngân hàng Nhà nước công bố quyết định chuyển giao bắt buộc CB cho Vietcombank và Oceanbank cho MB. Ảnh: Lê Na |
Nhà điều hành cũng khẳng định, Vietcombank và MB là những ngân hàng thương mại hàng đầu có đủ năng lực, kinh nghiệm và nền tảng vững chắc để tổ chức thực hiện thành công các phương án chuyển giao bắt buộc. Đồng thời, với cơ chế được áp dụng theo các quy định của pháp luật, việc nhận chuyển giao bắt buộc cũng là cơ hội để Vietcombank, MB mở rộng hoạt động, triển khai các mô hình kinh doanh mới.
Đại diện Ngân hàng Nhà nước cũng cho biết, sau chuyển giao bắt buộc, CB và OceanBank tiếp tục hoạt động dưới hình thức ngân hàng trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Vietcombank và MB sở hữu 100% vốn điều lệ; được thực hiện các hoạt động kinh doanh của ngân hàng thương mại theo quy định. “Mọi quyền lợi hợp pháp của người gửi tiền; quyền, nghĩa vụ của khách hàng tại CB và OceanBank tiếp tục được đảm bảo theo đúng thoả thuận và quy định pháp luật” - Ngân hàng Nhà nước khẳng định.
Có thể bán cho nhà đầu tư mới?
Sau khi nhận chuyển giao bắt buộc 2 “ông lớn” Vietcombank và MB cũng đã có những động thái đầu tiên với CB và OceanBank.
Ngân hàng thương mại TNHH MTV Xây Dựng Việt Nam (CB) được chuyển giao cho Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank). Ảnh: Lê Na |
Đại diện Vietcombank cho biết, sau khi nhận chuyển giao bắt buộc CB, Vietcombank sẽ có điều kiện mở rộng quy mô kinh doanh, cơ sở khách hàng, mạng lưới; có thể nhận sáp nhập, duy trì CB như một ngân hàng con hoặc bán/chuyển nhượng CB cho nhà đầu tư mới trong và sau khi kết thúc phương án chuyển giao bắt buộc.
Cũng theo Vietcombank, sau chuyển giao bắt buộc, CB tiếp tục hoạt động dưới hình thức ngân hàng trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Vietcombank sở hữu 100% vốn điều lệ; được thực hiện các hoạt động kinh doanh của ngân hàng thương mại theo quy định. Mọi quyền lợi hợp pháp của người gửi tiền; quyền, nghĩa vụ của khách hàng tại CB tiếp tục được đảm bảo theo đúng thoả thuận và quy định pháp luật.
Đáng chú ý, Vietcombank cho biết, CB là pháp nhân độc lập và không thực hiện hợp nhất báo cáo tài chính vào báo cáo tài chính hợp nhất của Vietcombank. Cùng với đó, Vietcombank thực hiện các quyền của chủ sở hữu đối với CB theo quy định và không góp vốn vào CB trong thời gian CB còn lỗ lũy kế. “Vietcombank tham gia quản trị, điều hành và triển khai các biện pháp hỗ trợ như phương án chuyểngiao bắt buộc được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt” - đại diện Vietcombank nói.
Bên cạnh đó, Vietcombank và CB được áp dụng các biện pháp hỗ trợ theo quy định tại Luật Các tổ chức tín dụng, các quy định của pháp luật có liên quan được các cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. “Vietcombank hướng đến mục tiêu từng bước khôi phục hoạt động bình thường, khắc phục các yếu kém, đưa CB dần trở thành ngân hàng có tình hình tài chính lành mạnh, đảm bảo khả năng hoạt động liên tục” - Vietcombank khẳng định.
Với MB, động thái đầu tiên của nhà băng này đối với OceanBank ngay sau khi nhận chuyển giao là cử ông Lê Xuân Vũ, Thành viên Ban điều hành MB (người đại diện MB) đảm nhiệm vị trí Phó Tổng giám đốc thường trực của OceanBank.
Ngân hàng thương mại TNHH MTV Đại Dương (OceanBank) được chuyển giao cho Ngân hàng TMCP Quân đội (MB). Ảnh: Lê Na |
Theo MB, ông Vũ có gần 30 năm kinh nghiệm và nhiều năm đảm nhiệm các vị trí quản lý cấp cao tại các tổ chức tín dụng uy tín, đặc biệt trong lĩnh vực chuyển đổi, hiện đại hoá ngân hàng. Với nhiệm vụ phụ trách điều hành tại OceanBank, ông Vũ được tin tưởng sẽ góp phần gia tăng năng lực quản trị, điều hành của OceanBank trong thời gian tới.
Đại diện MB cho biết thêm, thời gian qua, Ngân hàng và OceanBank đã phối hợp chặt chẽ để thực hiện các bước chuyển giao một cách thận trọng, đảm bảo chặt chẽ về điều kiện, trình tự và thủ tục, tuân thủ đầy đủ các quy định pháp luật. Sau khi chuyển giao, các quyền lợi hợp pháp của người gửi tiền và khách hàng tại OceanBank được đảm bảo theo đúng thỏa thuận và quy định của pháp luật; các hoạt động dịch vụ của OceanBank được đảm bảo thông suốt, liên tục.
“MB sẽ ưu tiên nguồn lực từ phát triển kinh doanh, nguồn vốn, công nghệ, nhân sự... để hỗ trợ thành viên mới” - đại diện MB nhấn mạnh; đồng thời cho biết thêm, OceanBank sẽ được tái cơ cấu với chiến lược phát triển dài hạn và được đầu tư bài bản, hướng đến một ngân hàng hiện đại, an toàn và bền vững.
Được biết, sau khi tiếp nhận OceanBank, MB Group sẽ có tổng cộng 3 ngân hàng (MB, MBCambodia, OceanBank) và 6 công ty thành viên (MBS, MBCapital, MIC, MB Ageas, MBAMC, Mcredit). Hiện hệ sinh thái của MB là tập đoàn tài chính có đầy đủ các dịch vụ tài chính từ chứng khoán, quản lý quỹ, ngân hàng, bảo hiểm và tài chính tiêu dùng.
Thông tin tại Họp báo Thông tin kết quả hoạt động ngân hàng quý III/2024 diễn ra ngày 17/10, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú - cho biết, Ngân hàng Nhà nước sẽ có những hỗ trợ cho các ngân hàng nhận chuyển giao Vietcombank và MB. Tuy nhiên, mức độ hỗ trợ phụ thuộc vào lộ trình tái cơ cấu của các ngân hàng, nhưng việc hỗ trợ là “không thể không có”.
Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cũng khẳng định, sau CB và OceanBank, một ngân hàng “0 đồng” nữa là GPBank cũng sẽ được chuyển giao bắt buộc trong thời gian tới. Còn một ngân hàng bị kiểm soát đặc biệt khác là Dong A Bank cũng đang được triển khai theo lộ trình. Trong khi đó, nhà điều hành vẫn quyết định duy trì ổn định SCB.