Nhiều dự án chậm tiến độ do năng lực nhà thầu yếu. ảnh: Cấn Dũng
CôngThương - Doanh nghiệp có năng lực vẫn thua trên sân nhà
Tại hội nghị góp ý Đề án tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp do Bộ Công Thương tổ chức sáng 26/7 tại Hà Nội, ông Trần Viết Ngãi - Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam (VEA) - một lần nữa lên tiếng cảnh báo về sự bất cập trong cơ chế và quy trình lựa chọn nhà thầu ở các dự án điện. Ông Lê Hồng Thăng - Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội - cũng khẳng định, nhiều doanh nghiệp trong nước có năng lực nhưng vẫn thua ngay trên sân nhà vì thực tế đấu thầu vừa qua chỉ là việc đấu giá mà chưa xem xét đầy đủ các yếu tố năng lực, kinh nghiệm thi công của nhà thầu, nguồn cung cấp và giá cả vật tư, vật liệu, nhân công…
Theo VEA, hầu hết các dự án nguồn điện trong Quy hoạch điện VI (trong đó rất nhiều dự án do các nhà thầu Trung Quốc đảm nhận) như: Hải Phòng 1, 2; Cẩm Phả 1, 2; Quảng Ninh 1, 2; Mạo Khê; Vĩnh Tân 2; Duyên Hải 1… đều bị chậm tiến độ từ 1-3 năm. Nguyên nhân chủ yếu là do năng lực nhà thầu yếu, thiếu kinh nghiệm và không thu xếp được tài chính.
Theo nhiều chuyên gia, Luật đấu thầu không có quy định khống chế nhà thầu bỏ giá dưới giá sàn đã khiến các nhà thầu Trung Quốc chọn cách bỏ giá rất thấp để được trúng thầu khi tham dự đấu thầu quốc tế tại nước ta. Tuy nhiên, khi thực hiện, rất nhiều nhà thầu Trung Quốc vi phạm hợp đồng về tiến độ, chất lượng thi công, bộc lộ sự yếu kém về năng lực tài chính, kỹ thuật, tổ chức thi công. Ở nhiều dự án, nhà thầu hứa cung cấp đủ vốn cho dự án, nhưng thực chất là thiếu công nghệ, thiết bị không đồng bộ hoặc kém chất lượng, dẫn đến việc triển khai các dự án bị chậm.
Nguyên nhân của tình trạng này là do một số quy định của Luật Đấu thầu hiện chưa phù hợp. Công tác đấu thầu chỉ mới dừng lại ở đánh giá, lựa chọn nhà thầu trên hồ sơ dự thầu mà bỏ qua việc xác định năng lực thực tế của nhà thầu.
Cần sớm sửa đổi Luật Đấu thầu
Theo ông Ngãi, cần bổ sung và sửa đổi một số quy định hiện hành về đấu thầu, coi trọng các yêu cầu về năng lực của nhà thầu dựa trên cơ sở khoa học công nghệ, năng lực sản xuất, năng lực tài chính, chất lượng thiết bị tốt chứ không nên vì giá thành thấp nhất để cho phép trúng thầu. Từ đó cho phép các chủ đầu tư (đặc biệt là các chủ dự án có sử dụng nguồn vốn nhà nước) lựa chọn các thiết bị chất lượng cao, các nhà thầu EPC có kinh nghiệm từ các nước công nghiệp phát triển như: G7, Nhật Bản, Hàn Quốc. Nói cách khác, giá dự thầu không nên được xem là tiêu chí quyết định trong việc trao hợp đồng EPC mà phải quan tâm tới các vấn đề như: chất lượng, tiến độ, tổng chi phí…
Ông Trần Ngọc Hùng- Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam - cho rằng: Hiệu quả kinh tế - xã hội khi dự án hoàn thành vượt tiến độ là rất lớn. Thuỷ điện Sơn La vượt tiến độ sớm 2 năm làm lợi hàng tỷ USD, góp phần quan trọng giải quyết nhu cầu về điện cho xã hội. Điều đó cho thấy, phải được xem xét toàn diện khi lựa chọn nhà thầu phù hợp với dự án. Thậm chí, dù giá chào thầu có cao hơn nhưng kết quả cuối cùng khi đưa dự án vào hoạt động sớm lại tốt hơn nhiều.
Ngoài ra, cần có cơ chế thẩm tra thực tế năng lực của các nhà thầu và chế tài, cơ chế xử lý nhà thầu năng lực thực tế không đúng với hồ sơ trúng thầu.
Kiên quyết loại bỏ các nhà thầu có công trình không đảm bảo tiến độ, chất lượng.
VEA kiến nghị Chính phủ có giải pháp động viên, khuyến khích các nhà thầu, các nhà đầu tư trong nước liên danh, liên kết với nước ngoài (các nước G7, châu Âu) để đầu tư phát triển mạnh các nguồn nhiệt điện chạy than. Trong trường hợp đặc biệt, có thể cho phép chủ đầu tư được chỉ định trực tiếp nhà thiết kế chế tạo thiết bị, nhà thầu EPC và các tư vấn mà chủ đầu tư đã biết rõ năng lực kinh nghiệm, khả năng tài chính.
Ngoài ra, nhà nước cần quy định rõ cơ chế xử lý “hậu đấu thầu”, trong đó chủ đầu tư, ban quản lý dự án được áp dụng biện pháp cấm tham gia hoạt động đấu thầu đối với nhà thầu đã vi phạm hợp đồng ở các gói thầu khác; cho phép xác minh, làm rõ những điểm bất hợp lý của hồ sơ dự thầu. Kiên quyết sử dụng các biện pháp chế tài được quy định cụ thể trong Luật Đấu thầu, Luật Xây dựng để xử lý nhà thầu vi phạm pháp luật, vi phạm hợp đồng đã ký. Điều tra làm rõ những điểm bất hợp lý trong giá dự thầu và dự toán xây lắp của nhà thầu chào giá thấp trước khi quyết định chọn nhà thầu. Trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XIII, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư - Võ Hồng Phúc đã khẳng định, việc chọn nhà thầu không hợp lý là do năng lực và trách nhiệm của chủ đầu tư. Như vậy, cần có quy định làm rõ trách nhiệm của những tập thể, cá nhân có trách nhiệm trong công tác chọn thầu để nâng cao hiệu quả hoạt động đấu thầu và quản lý thực hiện dự án.
Ông Lê Hồng Thăng - Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội: Nhiều doanh nghiệp trong nước có năng lực nhưng vẫn thua ngay trên sân nhà vì thực tế đấu thầu vừa qua chỉ là việc đấu giá mà chưa xem xét đầy đủ các yếu tố năng lực, kinh nghiệm thi công của nhà thầu, nguồn cung cấp và giá cả vật tư, vật liệu, nhân công… |