Hội nghị Bộ trưởng kinh tế ASEAN tại Lào năm 2016 |
AEM 49 với sự tham dự của các bộ trưởng phụ trách kinh tế, thương mại của các nước ASEAN và các nước đối tác. Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh sẽ dẫn đầu đoàn Việt Nam tham dự Hội nghị.
Ngay trước hội nghị AEM 49 sẽ có phiên họp trù bị của các Quan chức cao cấp kinh tế ASEAN (SEOM) và sau đó có Hội nghị Hội đồng Khu vực Thương mại tự do ASEAN (AFTA) lần thứ 31 và Hội nghị Hội đồng Khu vực Đầu tư ASEAN (AIA) lần thứ 20.
Tại Hội nghị AEM 49, các Bộ trưởng sẽ thảo luận về tình hình kinh tế khu vực và thế giới, trong đó ASEAN vẫn duy trì đà tăng trưởng GDP ở mức 4,8% năm 2017, tương đương với mức tăng trưởng của năm 2016 cùng với triển vọng tích cực từ các nước thành viên ASEAN. Nhu cầu trong nước được coi là động lực tăng trưởng kinh tế chính cho khu vực, chủ yếu là tiêu dùng và đầu tư tư nhân, chi tiêu công - nhất là các dự án cơ sở hạ tầng, kích thích tài khóa… Tổng thương mại hàng hóa của ASEAN vẫn ổn định ở mức 2,22 nghìn tỷ USD năm 2016, trong đó 23,5% là thương mại nội khối. Trong số các đối tác đối thoại của ASEAN, Trung Quốc, EU và Nhật Bản là ba đối tác thương mại hàng đầu. Tổng thương mại dịch vụ của ASEAN vẫn ổn định với 643,4 tỷ USD trong đó 16,6% là thương mại nội khối. Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào ASEAN đạt 96,72 tỷ USD năm 2016, trong đó 24,8% là đầu tư nội khối ASEAN. Ba nguồn FDI lớn trong khu vực là từ EU, Nhật Bản và Hoa Kỳ. Ngành dịch vụ vẫn là ngành thu hút nguồn FDI lớn nhất đối với ASEAN, chiếm 77,08 tỷ USD tương đương 79,7% tổng vốn năm 2016.
Trong bối cảnh kinh tế thế giới có nhiều chuyển biến, các nền kinh tế lớn đều có những điều chỉnh về chính sách. Các Bộ trưởng vẫn tin tưởng rằng với các nền tảng kinh tế vĩ mô của các nước thành viên sẽ giúp khu vực đứng vững trước những thách thức từ môi trường kinh tế toàn cầu. Ngoài ra, để làm sâu sắc hội nhập khu vực và hỗ trợ thu hẹp khoảng cách phát triển, các Bộ trưởng thống nhất đặt mục tiêu thúc đẩy tăng trưởng thương mại nội khối và đầu tư nội khối ASEAN trong thập kỷ tới.
Về thực thi Kế hoạch Tổng thể AEC 2025, ASEAN đã xây dựng và đang nỗ lực triển khai Khuôn khổ Giám sát và Đánh giá AEC 2025, bao gồm xây dựng cơ sở dữ liệu theo dõi quá trình thực thi và kết quả giám sát tại Ban Thư ký ASEAN. Khuôn khổ này bao gồm giám sát việc tuân thủ, giám sát kết quả, đánh giá tác động, phê chuẩn, báo cáo và rà soát thực thi. Kế hoạch Hành động Chiến lược AEC 2025 đã được thông qua vào tháng 02/2017 là tài liệu tham chiếu công khai về những dòng hành động chủ chốt, từ các kế hoạch làm việc chuyên ngành. Các Bộ trưởng cũng thông qua Kế hoạch làm việc ASEAN về thông lệ quản lý (2016-2025) và Kế hoạch hành động chiến lược 2016-2025 về hợp tác thuế quan ASEAN. Các Bộ trưởng ghi nhận tiến triển thực thi các kế hoạch chuyên ngành trong AEC đến năm 2025 như kế hoạch về thương mại hàng hóa, tiêu chuẩn chất lượng, đầu tư, cạnh tranh, bảo vệ người tiêu dùng, quyền sở hữu trí tuệ, hệ thống thống kê, nâng cao chuỗi giá trị toàn cầu…
Về các nhiệm vụ ưu tiên trong năm Chủ tịch ASEAN 2017 của Philippines, các Bộ trưởng hoan nghênh chủ đề ưu tiên “tăng trưởng dựa vào toàn diện, đổi mới” trong AEC. Các nội dung tập trung vào tầm quan trọng của các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSME) như một cấu phần không thể thiếu của hệ thống kinh tế khu vực, và ba biện pháp chiến lược: gia tăng thương mại và đầu tư, hội nhập MSME vào các chuỗi giá trị toàn cầu, phát triển nền kinh tế sáng tạo để đạt được mục tiêu ưu tiên.
Hội nghị AEM 49 cũng ghi nhận tiến triển đạt được trong đàm phán RCEP sau 19 phiên đàm phán, đồng thời ghi nhận nỗ lực của 16 nước tham gia trong việc hướng tới mục tiêu kết thúc cơ bản đàm phán để báo cáo lãnh đạo Cấp cao vào tháng 11 năm nay. Các Bộ trưởng khẳng định lại tiềm năng to lớn của RCEP trong việc tạo ra một hiệp định hiện đại, toàn diện, chất lượng cao và cùng có lợi sẽ giúp thúc đẩy khả năng cạnh tranh và năng suất, tạo việc làm và các cơ hội thị trường.
Trong lĩnh vực thương mại hàng hóa, các nước thành viên ASEAN đã tự do hóa thuế quan và nỗ lực giảm thiểu các rào cản phi thuế trong ASEAN theo kế hoạch AEC 2025. Cho đến nay, theo Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA), thuế nhập khẩu với 99,2% thuế quan của Brunei, Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore và Thái Lan (ASEAN 6) đã được xóa bỏ, trong khi 90,9% thuế quan của Campuchia, Lào, Myanmar và Việt Nam (CLMV) đã được xóa bỏ. Tính chung, 96,01% tất cả thuế quan trong ASEAN đã được xóa bỏ. Tình hình thảo luận các vấn đề quan trọng như tự chứng nhận xuất xứ ASEAN đã đạt được những tiến triển nhất định. Các Bộ trưởng kêu gọi các nước thành viên ASEAN đẩy nhanh tiến độ làm việc để thực thi tự chứng nhận xuất xứ vào năm 2018 nhằm mang lại lợi ích cho doanh nghiệp trong giảm thiểu chi phí và thời gian hoạt động kinh doanh trong khu vực.
Trong lĩnh vực thuận lợi hóa thương mại, Bộ Chỉ số về thuận lợi hóa thương mại ASEAN đã được xây dựng nhằm đo lường và giám sát mức độ thực thi thuận lợi hóa thương mại trong khu vực thông qua các hiệp định ASEAN như ATIGA, Hiệp định khung ASEAN về Tạo thuận lợi cho hàng hóa quá cảnh (AFAFGIT) và các kế hoạch làm việc khác liên quan đến thuận lợi hóa thương mại.
Trong lĩnh vực hội nhập hải quan ASEAN, ba nước thành viên là Malaysia, Singapore và Thái Lan đã hoàn thành việc vận hành dự án thử nghiệm hệ thống quá cảnh hải quan ASEAN (ACTS). ASEAN cũng đã có tiến triển trong ký kết Nghị định thư số 2 (Chỉ dẫn cửa khẩu biên giới) và phê chuẩn Nghị định thư số 7 (Hệ thống quá cảnh hải quan) trong khuôn khổ AFAFGIT. Các văn kiện này cùng với các Nghị định thư khác trong AFAFGIT sẽ tạo cơ sở pháp lý để vận hành ACTS trong ASEAN.
Trong lĩnh vực đầu tư, ASEAN đang nỗ lực hoàn tất các nội dung còn lại của chương trình nghị sự về Hiệp định Đầu tư toàn diện ASEAN. Các nước thành viên đã hoàn tất ký kết Nghị định thư thứ hai sửa đổi ACIA và chuẩn bị ký kết Nghị định thứ thứ ba. Những tiến triển này giúp các nước thành viên thực thi cải cách và từng bước cắt giảm, xóa bỏ các hạn chế đầu tư nhằm đạt được chế độ đầu tư tự do và cởi mở.
Trong lĩnh vực thương mại dịch vụ, ASEAN đang hoàn thiện Gói cam kết thứ 10 trong khuôn khổ Hiệp định khung ASEAN về dịch vụ (AFAS). Đây là gói cam kết cuối cùng hướng tới tự do hóa dịch vụ trong khu vực, khuyến khích ký kết Nghị định thư Thực thi Gói cam kết thứ 10 trong AFAS tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 31 vào tháng 11 năm nay. Các Bộ trưởng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đạt được mức độ hội nhập sâu sắc hơn trong lĩnh vực thương mại dịch vụ, cũng như tiến triển đàm phán thương mại Hiệp định Thương mại dịch vụ ASEAN (ATISA) để có thể kết thúc vào cuối năm 2017. Sau khi Hiệp định ASEAN về Di chuyển thể nhân có hiệu lực, ASEAN bắt đầu rà soát cam kết trong hiệp định nhằm tạo điều kiện cho sự di chuyển của người dân ASEAN trong hoạt động thương mại hàng hóa, dịch vụ và đầu tư trong khu vực. Báo cáo Dịch vụ ASEAN đưa ra đánh giá chung về sự phát triển của thương mại dịch vụ trong ASEAN và các nước thành viên, nỗ lực để cải thiện khả năng cạnh tranh và mức độ hấp dẫn của các nền kinh tế nói chung và ngành dịch vụ nói riêng.
Trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ, Brunei đã gia nhập Nghị định thư Madrid hồi tháng 10/2016 và hiện nay, Thái Lan đã nộp văn kiện gia nhập tới Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) và sẽ trở thành thành viên Nghị định thư vào ngày 07/11/2017. Các nước thành viên ASEAN còn lại đang thực hiện thủ tục để gia nhập Nghị định thư này vào cuối năm nay. ASEAN cũng đã ra mắt Cổng thông tin về Sở hữu trí tuệ ASEAN với nhiều cơ sở dữ liệu và các công cụ cho phép các bên liên quan tiếp cận thông tin thuận tiện.
Năm 2017 là năm bước ngoặt đối với doanh nghiệp MSME, với chủ đề “tăng trưởng dựa vào đổi mới và toàn diện”, MSME của ASEAN được coi là động lực của tăng trưởng toàn diện. Nhiều sáng kiến đã được đề xuất và thực thi, bao gồm cải thiện chính sách để khuyến khích doanh nghiệp quốc tế hóa, tận dụng cơ hội của Cộng đồng Kinh tế ASEAN, gia tăng khả năng tiếp cận tài chính cho doanh nghiệp. Nhiều dự án xây dựng năng lực hướng tới nâng cao năng lực xuất khẩu của MSME đã được triển khai bao gồm thúc đẩy thương mại điện tử giữa các doanh nghiệp nhằm khuyến khích tham gia vào nền kinh tế số.
Trong quan hệ kinh tế đối ngoại, các Bộ trưởng nhiều lần khẳng định lại tầm quan trọng của hội nhập ASEAN vào nền kinh tế khu vực và toàn cầu thông qua các FTA và các hiệp định đối tác kinh tế toàn diện (RCEP). ASEAN đang cải thiện các FTA hiện có với các đối tác đối thoại nhằm đảm bảo tạo thuận lợi thương mại và duy trì ổn định trong bối cảnh khu vực và quốc tế hiện nay. Các Bộ trưởng cũng ghi nhận kết quả hoàn tất đàm phán FTA ASEAN – Hồng Kong và Hiệp định đầu tư ASEAN- Hồng Kong để tiến tới ký kết tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 31 vào tháng 11 tới. Ngoài ra, các Bộ trưởng thảo luận việc khởi động đàm phán một hiệp định thương mại tự do tương lai giữa ASEAN và EU.
Nhân dịp Hội nghị AEM 49, các Bộ trưởng khẳng định tiếp tục ủng hộ hệ thống thương mại đa phương và nhấn mạnh nỗ lực hội nhập kinh tế ASEAN. Trong đó nhắc lại việc Hiệp định Thuận lợi hóa Thương mại WTO có hiệu lực từ ngày 22/02/2017 và đồng bộ giữa hiệp định này với Khuôn khổ Thuận lợi hóa thương mại ASEAN. Các Bộ trưởng kêu gọi các nước thành viên phối hợp và chuẩn bị tích cực cho thành công của Hội nghị Bộ trưởng WTO lần thứ 11 tại Buenos Aires, Argentina từ ngày 11 đến 14/12/2017.