Đặng Lê Nguyên Vũ tại trang trại ở Đăk Lăk
CôngThương - Triết lý cà phê của Vũ
Vũ đến với cà phê, ban đầu chỉ nhằm kiếm tiền, giải thoát bản thân và gia đình khỏi cái nghèo. Nhưng càng gắn bó, càng tìm hiểu cà phê, anh càng thấy nó chuyên chở một triết lý, một tư tưởng sống chứ không chỉ là thức uống cho dạ dày, là biểu hiện sinh động cho tri thức, sức sáng tạo. Cà phê đối với vị Chủ tịch Trung Nguyên mê đắm, thần tình và đáng ngưỡng vọng đến nỗi mà anh ra cả “tuyên ngôn cà phê” và “học thuyết cà phê”; trong đó có phát hiện lớn về sự bất công đối với các nước trồng cà phê. Thậm chí anh còn khởi xướng dự án không thể tin nổi: “Thánh địa cà phê toàn cầu”. Cùng với đó, anh thao thức với công thức thành công cho tất cả cá nhân và quốc gia. Nỗi thao thức đó càng mãnh liệt trong bối cảnh, điều kiện để Việt Nam hội nhập như hiện nay.
Anh là mẫu người đã nói là làm, không chấp nhận sống chung với sự manh mún hay hô khẩu hiệu suông. Anh luôn cổ động cho "một hoài bão, ba tinh thần". Trong đó, một hoài bão là: Việt Nam trở thành quốc gia đi đầu, chinh phục và ảnh hưởng; còn ba tinh thần là: Chiến binh, Doanh nhân và Sáng tạo. Song song với đó, Vũ xác định 3 mục tiêu phải làm cho bằng được: Toàn cầu hóa Trung Nguyên; đóng góp vào chiến lược quốc gia cho một Việt Nam hùng mạnh; theo đuổi Học thuyết cà phê trên phạm vi toàn cầu.
Mới nghe Vũ nói, có thể có nhiều người phát ngán, nhưng càng nghe càng thấy có lý. Theo anh, lịch sử loài người được chia làm 3 thời kỳ chính: Sáng tạo để thích nghi, Sáng tạo vì lòng tham và giờ đây phải là Sáng tạo có trách nhiệm. Muốn làm nên cần có cùng khát vọng, tầm nhìn, đồng tâm và quyết tâm cao độ. Chúng ta sẽ thành công nếu lựa chọn đúng chiến lược, có phương pháp đúng và thực thi thông minh.
Học thuyết cà phê của Vũ ra đời với hạt nhân là “Tinh thần cà phê - sáng tạo có trách nhiệm”. Theo đó, mọi người ai cũng có thể thành công; muốn thành công cần có sáng tạo; cà phê kích xúc sáng tạo; nhưng sáng tạo cần có một số điều kiện nền tảng về văn hóa và chính trị. Từ tinh thần nhân bản đó, có thể nói cà phê là năng lượng của nền kinh tế tri thức, kinh tế sáng tạo, kinh tế bền vững, giúp kiến tạo thế giới mới. Có gần 3 tỷ người yêu và đam mê cà phê trên toàn cầu, xuyên tôn giáo, văn hóa, địa lý, thể chế chính trị. Đây là một lực lượng sáng tạo hùng hậu và nếu họ hướng tới sáng tạo có trách nhiệm thì thế giới sẽ vô cùng tốt đẹp.
Vũ bảo, hiện nay đang là thời điểm giao thoa giữa nguy cơ ngàn năm và cơ hội ngàn năm. Chúng ta cần thay đổi để nắm lấy cơ hội hội nhập trong một mục tiêu rõ ràng và liên hoàn: “Đoàn kết dân tộc – Thống nhất ASEAN – Hội tụ thế giới”. Việt Nam có đầy đủ điều kiện để thực thi chiến lược định vị trung tâm.
Thánh địa cà phê tại TP.Buôn Ma Thuột
“Khi cùng nhau, không gì là không thể”!
Vũ khẳng định chắc nịch với tôi như vậy!
Có thời gian anh lui về trang trại, khóa chặt cửa cả năm ròng, đêm đêm làm bạn với cà phê, nghiền ngẫm một lối đi đặc sắc hơn và thông minh hơn cho đất nước- điều đã lấy đi khá nhiều năng lượng của anh. Anh yêu thích tư duy “dựa lưng vào núi, tiến ra biển cả”. Tư duy mở cửa giao thương với thế giới chính là biểu hiện cụ thể nhất của tinh thần chinh phục, khám phá và hướng ngoại cũng như tinh thần trọng thương- điều vắng bóng trong suốt lịch sử dựng nước và giữ nước. Tư duy biển là tư duy thượng tôn thương mại, thượng tôn giao lưu, buôn bán, trao đổi. Tinh thần doanh nhân là chìa khóa của chúng ta. Kinh tế phải là trung tâm của mọi chính sách.
Nhưng tôi cũng được biết, chính những ý tưởng đó dường như đã khiến Đặng Lê Nguyên Vũ trở nên cô độc. Lẽ giản đơn là nhiều người không “cảm” được cái “cá biệt” mà vị CEO của Trung Nguyên đã nghĩ và đang hướng tới thực hiện. Anh cô đơn bởi anh chọn cho mình một lối đi riêng cùng nỗi ưu tư và phương pháp luận không giống ai. Nhưng trong những cơn bão tố, búa rìu của truyền thông, anh vẫn bình thản như chính… “tinh thần cà phê” mà anh đã tư duy.
Dĩ nhiên, Vũ có những nhược điểm mang tính con người. Nếu người tiếp xúc quá nhạy cảm thì hẳn sẽ khó chịu khi tiếp xúc với anh, có ấn tượng dường như anh quá lạnh lùng. Thậm chí đôi khi cực đoan đến mức áp đặt cả quan điểm của mình, không tính đến phản ứng của người đối diện.
Tôi tiếp xúc với anh ở nhiều góc độ rất đời. Nếu tinh ý sẽ cảm nhận không phải anh là người khô khan mà thực ra rất giỏi che giấu cảm xúc. Anh bảo, nếu ai cũng lo cho mỗi bản thân, lo kiếm tiền theo kiểu “vinh thân phì gia”, thậm chí còn làm nghèo đất nước thì “khác gì loài cầm thú”? Hơi cực đoan đúng kiểu… Đặng Lê Nguyên Vũ, nhưng trong cuộc nói chuyện, đôi khi mắt anh quắc lên dữ dội. Ánh mắt ấy, cùng với hình tướng và thần thái bạo liệt của anh, khóa chặt và ám ảnh bất kỳ đối phương nào. Những lời nói của anh như toát thẳng từ cõi lòng bộc trực của một người khẳng khái, không quen nói lời hoa mỹ.
Và, có lẽ khó khăn lớn nhất khi gặp Vũ chính là phải chia tay anh. Trong chầu cà phê tiễn chân buổi chiều muộn, anh nhấp một ngụm đắng gắt, rít khói thuốc, đăm chiêu phóng tầm mắt về phía đường chân trời, nơi từ trong mù sương hiển lộ ra dãy núi cao nguyên M’Drăk hình yên ngựa hùng vĩ cùng một con đại bàng lẻ loi đang dang cánh dũng mãnh, nhìn ngắm thế gian từ trên đỉnh cao vời vợi.
Dường như Vũ không giấu được vẻ cô đơn buồn bã vì thiếu người sẻ chia...