Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau vừa có công văn chỉ đạo Sở Y tế tỉnh triển khai thực hiện Thông báo số 684/TB-BYT kết luận của Thứ trưởng Bộ Y tế, Ủy viên Thường trực Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về an toàn thực phẩm Đỗ Xuân Tuyên tại hội nghị trực tuyến tăng cường công tác bảo đảm an toàn và phòng, chống ngộ độc thực phẩm của Bộ Y tế.
Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh giao Sở Y tế kiện toàn Ban Chỉ đạo liên ngành về an toàn thực phẩm các cấp; rà soát lại quy chế làm việc, phân cấp, phân công nhiệm vụ cho từng thành viên, cơ quan chức năng cụ thể, phân công phụ trách theo từng khu vực, địa phương.
Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau nhấn mạnh, người đứng đầu các cấp, đơn vị phải chịu trách nhiệm khi để xảy ra vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm trên địa bàn.
Quan tâm hơn nữa đến công tác quản lý an toàn thực phẩm; kiên quyết không để các cơ sở không có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm (đối với cơ sở thuộc đối tượng phải cấp), không đảm bảo điều kiện an toàn thực phẩm vẫn hoạt động.
UBND tỉnh Cà Mau yêu cầu không để lọt những thực phẩm trôi nổi, không rõ nguồn gốc xuất xứ vào các bếp ăn tập thể của công ty, khu công nghiệp (Ảnh minh họa). |
Đặc biệt, cần kiểm soát chặt chẽ các cơ sở kinh doanh, sản xuất nông, lâm sản, nhất là các cơ sở đã được cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm, tuyệt đối không để xảy ra tình trạng thu gom các nguyên liệu trôi nổi ngoài thị trường, không rõ nguồn gốc xuất xứ, không được kiểm soát an toàn thực phẩm để cung cấp cho bếp ăn tập thể các công ty, khu công nghiệp.
Khi xảy ra ngộ độc thực phẩm, phải đình chỉ ngay hoạt động của cơ sở gây ngộ độc, yêu cầu khắc phục đúng quy định trước khi hoạt động trở lại, tiến hành truy xuất nguồn gốc thực phẩm, nguyên liệu thực phẩm đến cùng, xác định rõ nguyên nhân.
Đồng thời, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau cũng yêu cần các đơn vị cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền thường xuyên, liên tục các biện pháp bảo đảm an toàn thực phẩm trong sản xuất, chế biến, kinh doanh và tiêu dùng thực phẩm. Tuyên truyền để chủ doanh nghiệp, chủ cơ sở thấy sức khỏe của người lao động là tài sản, đem lại lợi nhuận cho doanh nghiệp, cho cơ sở. Từ đó, nâng cao nhận thức, trách nhiệm trong việc đảm bảo tốt khẩu phần ăn của người lao động.
Ngoài ra, tuyên truyền để người tiêu dùng, người lao động thấy sức khỏe là vốn quý, tự chủ động tìm hiểu, nâng cao kiến thức về bảo đảm an toàn thực phẩm và biện pháp phòng chống ngộ độc thực phẩm, nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi, thói quen trong lựa chọn và sử dụng thực phẩm, tuyệt đối không sử dụng thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không đảm bảo an toàn.