Cà Mau: Hưởng ứng ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam năm 2025 Cà Mau: Nhiều kết quả ấn tượng trong hoạt động chuyển đổi số 9 tháng đầu năm, kinh tế Cà Mau ghi nhận nhiều chuyển biến tích cực |
Mới đây, UBND tỉnh Cà Mau đã chỉ đạo Trung tâm Xúc tiến đầu tư và hỗ trợ doanh nghiệp lên kế hoạch tổ chức cho các tổ chức, doanh nghiệp quốc tế đến khảo sát tại các nhà máy chế biến thủy sản, cơ sở sản xuất sản phẩm OCOP, đặc sản trên địa bàn tỉnh.
Qua đó, tạo điều kiện giúp các doanh nghiệp quốc tế trao đổi, hiểu rõ hơn về nhu cầu, tiềm năng, thế mạnh và các điều kiện cần thiết khi quyết định hợp tác với các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh trên địa bàn tỉnh Cà Mau. Hoạt động dự kiến sẽ diễn ra vào ngày 15/11 tới đây.
Cụ thể, Trung tâm Xúc tiến đầu tư và hỗ trợ doanh nghiệp sẽ bố trí, sắp xếp, hướng dẫn đoàn doanh nghiệp đi khảo sát các địa điểm phù hợp với nhu cầu mua hàng. Đồng thời kết nối để các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu thủy sản của tỉnh gặp gỡ, trao đổi với các doanh nghiệp đối tác.
Đặc biệt, sau buổi tiền khảo sát, dự kiến đến ngày 16/11, UBND tỉnh Cà Mau sẽ tổ chức Hội nghị giao thương, trưng bày quảng bá sản phẩm Cà Mau, với mục tiêu trưng bày, quảng bá, giới thiệu các sản phẩm, đồng thời kết nối giao thương giữa các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu thủy sản, doanh nghiệp OCOP, đặc sản của tỉnh với các doanh nghiệp đối tác mua hàng trong và ngoài nước.
Hội nghị dự kiến sẽ có sự tham dự của khoảng 300 đại biểu đến từ Tổng Lãnh sự quán các nước tại Thành phố Hồ Chí Minh, Phòng Thương mại và Công nghiệp các nước, Thương vụ các nước tại Việt Nam, Thương vụ Việt Nam tại các nước, Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), các doanh nghiệp, đối tác trong và ngoài nước.
Về phía tỉnh Cà Mau, sẽ có sự góp mặt của lãnh đạo UBND tỉnh, Sở Công Thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Kế hoạch và Đầu tư, UBND các huyện, thành phố Cà Mau, Trung tâm Xúc tiến đầu tư và hỗ trợ doanh nghiệp, Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh, Hội chế biến và xuất khẩu thủy sản tỉnh, Hội doanh nhân trẻ, Câu lạc bộ khởi nghiệp. Đặc biệt, có sự tham gia của hàng trăm doanh nghiệp tỉnh Cà Mau có nhu cầu kết nối giao thương với thị trường các nước.
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Lê Văn Sử cho biết: "Hoạt động này nhằm xúc tiến, quảng bá, giới thiệu hình ảnh vùng đất, con người và tiềm năng phát triển tỉnh Cà Mau đến các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp, nhà nhập khẩu, đầu tư trong và ngoài nước. Tăng cường kết nối giao thương, hợp tác phát triển nông nghiệp công nghệ cao, tạo điều kiện để doanh nghiệp của tỉnh gặp gỡ đối tác, tìm kiếm cơ hội hợp tác kinh doanh. Từ đó giúp các doanh nghiệp trong tỉnh tìm kiếm thị trường mới, xúc tiến xuất khẩu các mặt hàng chủ lực của tỉnh (thủy sản, gạo, thực phẩm chế biến...".
Hiện nay, nhiều doanh nghiệp lớn đã chọn Cà Mau là điểm đến đầu tư tiềm năng, đặc biệt là các doanh nghiệp về thủy - hải sản, điện gió và bất động sản. Cà Mau có trên 5.200 doanh nghiệp trong và ngoài nước đang sản xuất, kinh doanh, đầu tư, với tổng vốn đăng ký hơn 63.800 tỷ đồng. Đa số các doanh nghiệp hoạt động hiệu quả, nhất là trong các lĩnh vực chế biến thủy sản, nuôi trồng xuất khẩu thủy sản, khí - điện - đạm, du lịch…
Riêng các mặt hàng thủy sản của Cà Mau hiện đã có mặt trên 60 quốc gia và vùng lãnh thổ. Kim ngạch xuất khẩu thủy sản hàng năm trên 1 tỷ USD, trong đó có nhiều thị trường khó tính như Nhật Bản, Mỹ và EU.
Các mặt hàng thủy sản của Cà Mau hiện đã có mặt trên 60 quốc gia và vùng lãnh thổ với kim ngạch xuất khẩu thủy sản hàng năm trên 1.000 triệu USD (Ảnh minh họa) |
Trên địa bàn tỉnh hiện có 14 dự án điện gió đã được chấp thuận chủ trương đầu tư, với tổng công suất 800MW. Trong đó, 170MW đã vận hành thương mại, 1.217 công trình lắp đặt hệ thống điện mặt trời mái nhà với tổng công suất hơn 111MWp. Sản lượng phân bón hàng năm đạt trên 1 triệu tấn.
Bên cạnh đó, Cà Mau là 1 trong 4 tỉnh, thành phố kinh tế trọng điểm của vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Với vị trí địa lý 3 mặt giáp biển, vùng biển rộng trên 71.000km2, tiếp giáp với vùng biển Thái Lan, Malaysia, Indonesia, tỉnh Cà Mau có nhiều thuận lợi trong phát triển kinh tế biển cũng như cơ hội kết nối giao thương với các nước trên thế giới. Tỉnh còn có tiềm năng, thế mạnh trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản và du lịch sinh thái với trên 100.000ha rừng tràm, rừng đước ngập nước đặc trưng.
Được biết, Cà Mau hiện cũng đang triển khai rất nhiều chính sách ưu đãi thuế cho doanh nghiệp như: Gói thuế suất ưu đãi 10%/15 năm hoặc 17%/10 năm; miễn thuế 2 - 4 năm, giảm 50% trong 4 hoặc 9 năm tiếp theo,… tùy theo từng dự án và khu vực đầu tư sẽ có mức ưu đãi phù hợp. Đây có thể được xem là một trong những sức hút mạnh mẽ, hấp dẫn các nhà đầu tư.
Song song đó, công tác xúc tiến đầu tư trên địa bàn tỉnh cũng được triển khai khá toàn diện, đồng bộ qua các hoạt động nghiên cứu, đánh giá tiềm năng, thị trường, xu hướng và đối tác đầu tư.
Tỉnh tập trung thu hút đầu tư trong và ngoài nước có chọn lọc, hướng đến các dự án công nghệ tiên tiến, dự án đầu tư xanh có giá trị gia tăng cao, kết nối chuỗi sản xuất và cung ứng. Ưu tiên xúc tiến liên ngành, liên vùng, tăng cường các hoạt động xúc tiến đầu tư kết hợp với xúc tiến thương mại, du lịch, ngoại giao kinh tế.