Theo đó, Chi cục thý y vùng VII vừa có kết quả thông báo về mẫu bệnh phẩm trên heo tại xã Trần Hợi, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau dương tính với vi rút gây bệnh tả heo châu Phi.
Trước đó, theo báo cáo của Trạm chăn nuôi - thú y huyện Trần Văn Thời, trạm đã kết hợp với huyện kiểm tra tại hộ bà Lương Thị Kiều, ấp Kinh Cũ, xã Trần Hợi có nuôi 2 con heo nhưng bị bệnh và chết cả 2 con. Heo bệnh có những triệu chứng nghi mắc dịch tả heo châu Phi. Trạm chăn nuôi và thú y đã lấy mẫu gửi xét nghiệm, tiến hành tiêu huỷ 2 con heo và tiêu độc, khử trùng tại chuồng cùng khu vực xung quanh chuồng nuôi, giám sát tình hình dịch bệnh tại địa bàn ấp và trên toàn xã.
Như vậy, đến thời điểm này, Cà Mau đã có 4 ổ dịch tả heo châu Phi với 113 con heo đã tiêu huỷ tại 4 huyện gồm Năm Căn, Phú Tân, Ngọc Hiển và Trần Văn Thời.
UBND tỉnh Cà Mau đã liên tục ban hành văn bản chỉ đạo, đôn đốc các cấp, các ngành có liên quan tập trung các biện pháp ứng phó với bệnh dịch tả heo châu Phi |
Ông Nguyễn Tiến Hải - Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau - cho biết, qua kiểm tra thực tế và báo cáo của Sở NN&PTNT cho thấy, đa số các cấp, các ngành có liên quan đã chấp hành nghiêm túc và triển khai thực hiện quyết liệt các văn bản chỉ đạo nêu trên.
Tuy nhiên, vẫn còn một số địa phương, đơn vị thực hiện chưa nghiêm túc, đầy đủ nội dung chỉ đạo của cấp trên và hiệu quả thực hiện chưa cao. Bên cạnh đó, người chăn nuôi ở một số nơi chưa biết hoặc chưa hiểu sâu về bệnh dịch tả heo châu Phi và các giải pháp phòng, chống, trong đó có cả nơi lực lượng chức năng đã phun xịt thuốc tiêu độc, khử trùng mầm bệnh nhiều lần, nhưng hộ chăn nuôi vẫn không hiểu được nội dung phòng, chống dịch bệnh...
Trước tình hình đó, ông Nguyễn Tiến Hải - Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau - yêu cầu các thành viên Ban Chỉ đạo phòng, chống bệnh dịch tả heo châu Phi trên địa bàn tỉnh tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm túc, quyết liệt các văn bản chỉ đạo của Ban Bí thư Trung ương Đảng, Thủ tướng Chính phủ, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh về tăng cường các giải pháp phòng, chống bệnh dịch tả heo châu Phi.
Ông Hải yêu cầu các huyện, thành phố trên địa bàn tăng cường công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức để người dân hiểu về cách phòng, chống bệnh dịch tả heo châu Phi; trong đó lưu ý giải pháp tuyên truyền trên hệ thống truyền thanh xã, ấp, loa di động, tuyên truyền tại từng cơ sở, hộ chăn nuôi heo; giao nhiệm vụ cán bộ tuyên truyền phụ trách tuyên truyền tại một số cơ sở, hộ chăn nuôi cụ thể.
Đối với trường hợp hộ chăn nuôi có sử dụng thức ăn thừa để nuôi heo, phải hướng dẫn hộ dân nấu lại thức ăn trước khi cho heo ăn (hướng dẫn cụ thể cách thức, thời gian nấu lại...
Về việc tăng cường lực lượng hỗ trợ phòng, chống dịch bệnh, Sở Y tế chỉ đạo Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh phối hợp với Chi cục Chăn nuôi và Thú y tăng cường lực lượng y tế dự phòng đến các xã đã xảy ra bệnh dịch tả heo châu Phi và các xã có nguy cơ xảy ra dịch bệnh, để kết hợp thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh trên người và hỗ trợ lực lượng thú y, các địa phương thực hiện các biện pháp tiêu độc, khử trùng phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi.
Lãnh đạo địa phương cũng lưu ý lực lượng y tế dự phòng chủ yếu thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền, hướng dẫn, hỗ trợ công tác chuyên môn để các lực lượng tại địa phương thực hiện, không thực hiện thay nhiệm vụ của các lực lượng tại địa phương.