Lượng cá tồn kho quá nhiều khiến doanh nghiệp của phải thuê địa điểm cất giữ. Ảnh Vietnamnet |
Rất nhanh, nhiều doanh nghiệp thể hiện tinh thần “tương thân, tương ái”, nhanh chóng tổ chức mua cá cho ngư dân đánh bắt trên vùng biển cách bờ hơn 20 hải lý, được các cơ quan chức năng cấp giấy xác nhận cá do ngư dân đánh bắt ở các ngư trường xa, được cho là an toàn.
Ác thay, cá mua nhiều nhưng tiêu thụ rất ít. Trên thị trường nội địa, người tiêu dùng hoang mang với ô nhiễm, e ngại cá nhiễm độc. Thị trường xuất khẩu cũng chẳng sáng sủa hơn. Do quan ngại nguyên liệu và sản phẩm nhiễm kim loại nặng, nhiều khách hàng đã hủy hợp đồng, không mua thủy sản của các doanh nghiệp có nhà máy chế biến tại 4 tỉnh Bắc Trung bộ.
Hậu quả là có một lượng lớn cá đã mua đang tồn đọng tại các kho lạnh của doanh nghiệp.
Theo thống kê, hiện số lượng thủy sản đông lạnh tồn kho tại 4 tỉnh Bắc Trung bộ bị ảnh hưởng trực tiếp của sự cố môi trường biển tới gần 3.900 tấn. Riêng lượng cá còn tồn đọng ở Quảng Bình khoảng 2.000 tấn, trong đó, riêng huyện Bố Trạch là 1.000 tấn; Quảng trị trên 300 tấn…
Ngày trước hô hào doanh nghiệp “hảo tâm” trợ giúp ngư dân, nay doanh nghiệp rơi vào tình trạng khốn khó, các cơ quan có trách nhiệm, chính quyền địa phương ở đâu và giải pháp nào xử lý, giải khó cho doanh nghiệp?
Cuối tháng 8, tại hội nghị báo cáo tiến độ thống kê thiệt hại do sự cố môi trường tại 4 tỉnh miền Trung, đại diện các địa phương bị thiệt hại cho biết: Các tỉnh đang rất lúng túng trong việc xử lý số lượng hải sản đã mua từ thời điểm cá chết đến nay đang tồn đọng trong các kho đông lạnh vì không rõ có an toàn hay không? Cần phải kiểm nghiệm lại toàn bộ lượng cá tồn đọng.
Ngay cả giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp vẫn chưa có hướng thống nhất. Có ý kiến cho rằng, phương án hỗ trợ giảm 20% thuế giá trị gia tăng không hợp lý vì doanh nghiệp có tiêu thụ được cá đâu mà giảm thuế, nên khoanh nợ, giãn nợ cho doanh nghiệp…
Đã hơn 4 tháng trôi qua, hàng nghìn tấn cá đông cứng trong kho lạnh, gánh nặng chi phí lưu kho lớn vượt sức chịu đựng, thiệt hại không nhỏ, doanh nghiệp chỉ còn một cách duy nhất: Hãy đợi đấy!
Doanh nghiệp “ngồi trên đống lửa”, còn các cơ quan có trách nhiệm, chính quyền địa phương chẳng cần vội, “bình tâm” từ từ bàn cách xử lý hậu quả???