Sửa đổi là cần thiết
Tại Hội nghị tổng kết 13 năm thi hành Luật Hóa chất tổ chức mới đây, bà Nguyễn Kim Liên- Phó Cục trưởng Cục Hóa chất (Bộ Công Thương) - cho biết, Luật Hóa chất đã được sửa đổi, bổ sung một lần theo Luật số 28/2018/QH14 sửa đổi, bổ sung một số điều của 11 Luật liên quan đến quy hoạch. Tuy nhiên việc sửa đổi này chỉ bao gồm bãi bỏ các nội dung liên quan đến quy hoạch ngành hóa chất để phù hợp với Luật Quy hoạch, không thay đổi đối tượng, phạm vi hay các chính sách quản lý hóa chất của Luật. “Như vậy, đến nay, Luật Hóa chất đã có 13 năm thi hành, là một trong những Luật có thời gian thi hành ổn định lâu nhất”- bà Nguyễn Kim Liên chia sẻ.
Việc sửa đổi Luật Hóa chất vừa tăng cường hiệu lực quản lý, vừa tạo môi trường sản xuất, kinh doanh thuận lợi |
Tuy nhiên, trong giai đoạn hiện nay, sự phát triển nhanh chóng của ngành hóa chất đang bộc lộ những hạn chế của các chính sách tổng thể. “Cùng với quá trình công nghiệp hóa nhanh chóng, các biện pháp ngăn ngừa và kiểm soát ô nhiễm chưa đầy đủ; nhận thức yếu kém của nhiều tổ chức, cá nhân về rủi ro đối với sức khỏe và môi trường của hóa chất đã dẫn đến việc Việt Nam phải đối mặt với sự gia tăng đáng kể ô nhiễm môi trường, cũng như các sự cố tràn đổ và rò rỉ liên quan đến hóa chất...”- đại diện lãnh đạo Cục Hóa chất nêu vấn đề.
Dưới góc độ địa phương, ông Lưu Đức Tùng - Trưởng phòng Kỹ thuật an toàn công nghiệp – Sở Công Thương Thanh Hóa nêu cụ thể những vướng mắc, Luật Hóa chất và các văn bản dưới Luật chưa quy định cụ thể về việc thiết lập khoảng cách an toàn hóa chất từ khu vực sản xuất, cất giữ tới các điểm dân cư, công trình công cộng... Vì vậy, các cơ sở hoạt động hóa chất cũng như cơ quan quản lý nhà nước gặp khó khăn trong việc triển khai thực hiện. “Bên cạnh đó, Bộ Công Thương chưa ban hành các quy định an toàn trong hoạt động sang, chiết hóa chất cũng như hoạt động sản xuất, kinh doanh, sử dụng, cất giữ, bảo quản, vận chuyển các hoạt chất nguy hiểm dạng hỗn hợp, gây khó khăn trong công tác quản lý an toàn hóa chất đối với các hoạt động nêu trên”- ông Lưu Đức Tùng chỉ ra.
Chú trọng yếu tố an toàn và môi trường
Để có cơ sở cho việc xây dựng Luật Hóa chất (thay thế), Cục Hóa chất thời gian qua đã phối hợp với đơn vị tư vấn nghiên cứu, rà soát, đánh giá việc thi hành Luật Hóa chất. Cục cũng đã sơ bộ lấy ý kiến khảo sát của cộng đồng doanh nghiệp (DN); lấy ý kiến của các bộ, cơ quan ngang bộ và 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về đánh giá thi hành Luật. Các ý kiến này được Cục tiếp tục nghiên cứu, tổng hợp để làm cơ sở cho việc xây dựng Luật Hóa chất.
Để công tác quản lý hóa chất phát huy hiệu quả, ông Nguyễn Văn Thanh – Cục trưởng Cục Hóa chất - nhấn mạnh, Cục Hóa chất đang rà soát lại phân công, phân cấp giữa các bộ, ngành ở trung ương với các cơ quan địa phương trong việc quản lý hóa chất theo thể chế phù hợp, hiệu lực, hiệu quả và tránh chồng chéo, giảm thiểu thủ tục hành chính với DN, nhất là DN xuất nhập khẩu.
“Bên cạnh đó, xây dựng Luật Hóa chất mới phù hợp với thực tiễn hoạt động hóa chất tại Việt Nam nhằm phát triển công nghiệp hóa chất xanh, hiện đại, thân thiện với môi trường, đảm bảo an toàn cho con người; các sản phẩm công nghiệp hóa chất có thương hiệu, uy tín, có chất lượng và giá trị cao, có sức cạnh tranh, đáp ứng tiêu chuẩn của các nước phát triển và tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu”- ông Nguyễn Văn Thanh khẳng định.
Việc sửa đổi Luật Hóa chất hướng tới tăng cường hiệu lực quản lý; tạo môi trường thuận lợi để đầu tư, sản xuất các sản phẩm hóa chất, xứng đáng với vai trò là ngành công nghiệp nền tảng, góp phần vào tăng trưởng kinh tế. |