Bước phát triển đáng ghi nhận
Ông có thể cho biết những đặc điểm nổi bật về đầu tư, kinh doanh của tập đoàn trong những năm qua?
Ông Huỳnh Văn Bảo - Thành viên Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam |
Tập đoàn đang đầu tư vào 107 công ty con, trong đó có 67 công ty trồng, quản lý diện tích trên 405.000 ha cao su và các loại cây trồng khác; 3 công ty công nghiệp cao su với các sản phẩm như găng tay, bóng thể thao, nệm, gối cao su, băng tải…; 12 công ty chế biến gỗ với gỗ cao su khoảng hơn 300.000 m3, gỗ MDF trên 950.000 m3; 7 công ty khu công nghiệp với diện tích trên 6.660 ha, 8 công ty dịch vụ phục vụ ngành sản xuất chính và 22 công ty ngoài ngành chính đang trong quá trình thực hiện thoái vốn.
Địa bàn hoạt động của tập đoàn khá rộng (ở 34 tỉnh, thành phố trong cả nước và Campuchia, Lào) với tổng diện tích cao su trong và ngoài nước trên 400.000 ha. Trong đó, diện tích cao su trong nước là gần 300.000 ha, hơn 87.000 ha tại Campuchia và gần 30.000 ha tại Lào. Mỗi năm VRG sản xuất bình quân 320.000 tấn cao su các loại. Tuy chỉ chiếm 30% diện tích và sản lượng cao su cả nước, nhưng VRG giữ vai trò rất quan trọng trong việc thúc đẩy ngành cao su Việt Nam phát triển.
Trong những năm qua, tập đoàn đã đạt được những kết quả nổi bật như: Hoàn thành việc cổ phần hóa với quy mô vốn điều lệ 40.000 tỷ đồng, gấp 10 lần so với thời điểm thành lập; tạo được vị thế, thương hiệu tốt đối với các sản phẩm thuộc ngành sản xuất chính: Chiếm 30% lượng cao su cả nước, 50% thị trường nguyên liệu gỗ cao su và gỗ MDF, nằm trong nhóm các công ty có diện tích khu công nghiệp lớn trong cả nước, tạo uy tín tốt đối với chương trình phát triển cao su ở Lào, Campuchia; xây dựng được một tập thể người lao động có truyền thống gắn bó với tập đoàn.
Dù có những giai đoạn, thời điểm phải đối mặt với nhiều khó khăn, nhưng tập đoàn vẫn đảm bảo sản xuất, kinh doanh có hiệu quả; chăm lo tốt đời sống, việc làm cho hàng trăm ngàn lao động; hỗ trợ cao su tiểu điền phát triển; tham gia ổn định an sinh xã hội; củng cố quốc phòng an ninh; góp phần vào việc xây dựng nông thôn mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Trong xu thế kinh tế biến động, cạnh tranh gay gắt như hiện nay, để ngành cao su phát triển và hội nhập, tập đoàn đã đặt ra mục tiêu kinh doanh như thế nào, đặc biệt là sau khi hoàn tất công tác cổ phần hóa, thưa ông?
Nhằm tăng hiệu quả kinh doanh, phát triển bền vững đạt, tập đoàn đã đề ra mục tiêu kế hoạch đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030, với mục tiêu tổng quát như sau:
Duy trì ổn định và phát triển là một tập đoàn kinh tế công, nông nghiệp có quy mô lớn, đa dạng các sản phẩm công nông nghiệp, dịch vụ với các lĩnh vực, ngành nghề chính bao gồm: Trồng, khai thác, chế biến, tiêu thụ cao su; chế biến sản phẩm các loại gỗ; sản xuất sản phẩm công nghiệp từ nguyên liệu cao su; đầu tư phát triển khu công nghiệp trên đất cao su; đầu tư phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Tiếp tục đẩy mạnh và tăng cường áp dụng khoa học kỹ thuật, các giải pháp trong sản xuất để tăng năng suất và chất lượng sản phẩm, mở rộng thị trường, tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài nước; nâng cao giá trị gia tăng trong chuỗi giá trị của sản phẩm; tăng dần giá trị sản phẩm công nghiệp, dịch vụ trong tổng giá trị sản phẩm của tập đoàn; thực hiện chủ trương tái cơ cấu, đa dạng hóa sở hữu trong tập đoàn thông qua việc tiếp tục chuyển đổi loại hình doanh nghiệp (đối với các công ty TNHH MTV thuộc tập đoàn); giảm tỷ lệ vốn tập đoàn ở công ty, tăng tính minh bạch, đại chúng của doanh nghiệp để nâng cao năng lực quản trị, hiệu quả doanh nghiệp và tạo nguồn vốn cho phát triển…
Để thực hiện được các mục tiêu trên, tập đoàn đã đề ra các giải pháp, định hướng trong thời gian tới như thế nào?
Với mục tiêu đó, tập đoàn xây dựng định hướng phát triển như sau:
Về trồng trọt: Duy trì diện tích cây cao su đến năm 2025 tổng diện tích cao su khoảng 300.000 đến 320.000 ha (trong nước 185.000 đến 200.000 ha, nước ngoài khoảng 115.000 ha), diện tích cao su khai thác duy trì ổn định từ 250.000 đến 260.000 ha, sản lượng khai thác trên 400.000 tấn. Phát triển 40.000 đến 60.000 ha các loại cây trồng có đủ điều kiện ứng dụng các giải pháp công nghệ cao, có hiệu quả cao hơn trên quỹ đất trồng cao su có điều kiện thích hợp, với diện tích có doanh thu, lợi nhuận đến năm 2025 khoảng 10.000 ha; phát triển và khoanh nuôi, bảo vệ tối thiểu 20.000 ha rừng cây gỗ lớn trong các vùng cao su.
Về công nghiệp: Đầu tư xây dựng mới nơi có đủ nguyên liệu theo quy hoạch để đảm bảo chế biến hết sản lượng mủ cao su khai thác của toàn tập đoàn và một phần của thành phần kinh tế khác, đến năm 2025, tổng sản lượng chế biến và tiêu thụ toàn tập đoàn đạt khoảng 500.000 tấn cao su/năm. Hình thành khu công nghiệp chuyên về chế biến gỗ tại Bình Dương để phát triển ngành chế biến gỗ, bao gồm chế biến ra sản phẩm cuối cùng và các sản phẩm phụ trợ cho ngành chế biến gỗ.
Cùng với Chính phủ và các thành phần kinh tế khác phát triển ngành công nghiệp cao su, giảm về số lượng lẫn tỷ lệ lượng mủ cao su xuất khẩu thô; riêng tập đoàn, duy trì và phát triển các sản phẩm công nghiệp đã có như: Bóng thể thao, nệm, gối, găng tay y tế, băng tải...; tiếp tục phát triển thương hiệu vỏ xe VRG.
Bên cạnh đó, tập đoàn cũng chú trọng mảng kinh doanh cơ sở hạ tầng khu công nghiệp. Theo đó, tiếp tục khai thác có hiệu quả các khu công nghiệp đã được giao làm chủ đầu tư, đầu tư mở rộng các khu hiện có, đầu tư mới các khu công nghiệp theo quy hoạch của điạ phương. Đặc biệt, xin thành lập các khu công nghiệp – đô thị - dịch vụ- tái định cư… với quy mô đất thương phẩm từ 10.000 - 15.000 ha.
Xin cảm ơn ông!
Chăm sóc cao su giống |