Thúc đẩy hợp tác Việt Nam – Úc về thương mại, năng lượng và khoáng sản Bộ Công Thương công bố các quy hoạch ngành quốc gia về lĩnh vực năng lượng và khoáng sản |
“Chúng tôi đánh giá cao các quy hoạch ngành quốc gia về năng lượng và khoáng sản mà các cơ quan đã có sự chuẩn bị một cách tương đối lâu dài, cùng với sự vào cuộc quyết liệt, kịp thời” - PGS.TS Đinh Trọng Thịnh - chuyên gia kinh tế khẳng định trong cuộc trao đổi với phóng viên Báo Công Thương.
PGS.TS Đinh Trọng Thịnh - chuyên gia kinh tế |
Bộ Công Thương mới đây đã công bố các quy hoạch ngành quốc gia lĩnh vực năng lượng và khoáng sản thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Ông đánh giá như thế nào về vai trò của các quy hoạch này đối với sự phát triển nền kinh tế?
Việc ban hành các quy hoạch về năng lượng và khoáng sản gồm: Quy hoạch tổng thể về năng lượng quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Quy hoạch hạ tầng dự trữ, cung ứng xăng dầu, khí đốt quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn 2050; Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050… có ý nghĩa rất lớn để đảm bảo kế hoạch tăng trưởng, phát triển của một lĩnh vực quan trọng, đó là tài nguyên thiên nhiên và nguồn năng lượng đảm bảo cho hoạt động sản xuất, kinh doanh và đời sống của người dân.
Các quy hoạch này trở thành một trong những định hướng cơ bản cho hoạt động của các lĩnh vực đó trong thời gian tới. Trong đó, quy hoạch về năng lượng hướng tới mục tiêu bảo đảm vững chắc an ninh năng lượng quốc gia, phát triển đồng bộ, hợp lý và đa dạng hóa các loại hình năng lượng; khuyến khích và tạo mọi điều kiện thuận lợi để các thành phần kinh tế tham gia phát triển năng lượng; ứng dụng những thành tựu của phát triển khoa học - công nghệ trong phát triển tất cả các phân ngành, lĩnh vực năng lượng; sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.
Thêm nữa, quy hoạch về khoáng sản càng có ý nghĩa trong việc bảo vệ các tài nguyên thiên nhiên ít tác động nhất đến môi trường. Đây đang là một trong những vấn đề được nhiều quốc gia, cơ quan quan tâm. Vì vậy, các quy hoạch sẽ ảnh hưởng tới sự bền vững cũng như tốc độ tăng trưởng trong tương lai của đất nước.
Chúng tôi đánh giá cao các quy hoạch ngành quốc gia về lĩnh vực năng lượng và khoáng sản mà các cơ quan đã có sự chuẩn bị một cách tương đối công phu và đầy đủ trong quá trình soạn thảo nội dung các quy hoạch này.
Các quy hoạch ngành quốc gia về năng lượng và khoáng sản đã thể hiện nỗ lực và trách nhiệm của Bộ Công Thương với phát triển kinh tế đất nước. Ông suy nghĩ sao về điều này?
Chúng ta biết rằng, trong thực tế, quy hoạch để phát triển nguồn năng lượng luôn được các cơ quan quản lý nhà nước quan tâm và đặc biệt với vai trò của Bộ Công Thương là cơ quan quản lý EVN, cũng như thực hiện chức năng quản lý nhà nước trong các lĩnh vực năng lượng, công nghiệp khai thác mỏ và chế biến khoáng sản…
Phòng điều khiển của Công ty nhiệt điện Quảng Ninh |
Rõ ràng, quy hoạch ngành quốc gia về năng lượng và khoáng sản đang là bước đột phá trong đảm bảo an ninh năng lượng, bảo vệ môi trường cũng như các yêu cầu phát triển bền vững kinh tế - xã hội trong thời gian tới đây. Với sự vào cuộc quyết liệt và kịp thời, tôi cho rằng, các quy hoạch này sẽ là cơ sở, định hướng để các cơ quan chức năng dựa vào đó xem xét, lập ra các kế hoạch cụ thể trong triển khai hoạt động phát triển năng lượng và đảm bảo nguồn nguyên liệu, các tài nguyên khoáng sản cho hoạt động phát triển kinh tế trong thời gian tới.
Với quy hoạch phát triển năng lượng, về lâu dài, chúng ta phải hướng tới việc phát triển năng lượng xanh hơn, sạch hơn và đáp ứng được các yêu cầu cung ứng nguồn nguyên liệu sạch cho phát triển. Đồng thời, phải tính toán đến quá trình xử lý liên quan đến bảo vệ môi trường cũng như phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh cụ thể của trình độ phát triển khoa học và công nghệ của Việt Nam, các điều kiện tự nhiên mà chúng ta đang có thì lúc đó quy hoạch năng lượng sẽ có hiệu quả, vừa mang tính thực tiễn nhưng vừa có tính phát triển bền vững, lâu dài.
Đối với quy hoạch về khoáng sản, Việt Nam là quốc gia có tài nguyên thiên nhiên phong phú và đa dạng nhưng mức độ tập trung để khai thác tương đối khó khăn. Tuy nhiên, với trình độ công nghệ ngày càng phát triển, chúng tôi hy vọng Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản trở thành một trong những quy hoạch mang tính đột phá để chúng ta có những cái cụ thể hóa sau này trong quy trình khai thác, tận dụng tài nguyên khoáng sản, phát triển kinh tế phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh cụ thể và mức độ khoa học và công nghệ chúng ta có.
Theo ông, việc ban hành Quy hoạch khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 có ý nghĩa gì trong phát triển các ngành công nghiệp trọng yếu của đất nước, đặc biệt giúp Việt Nam tự chủ nguồn nguyên liệu đối với sản xuất?
Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quy hoạch khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo đó, quy hoạch có ý nghĩa quan trọng trong phát triển các ngành công nghiệp trọng yếu của đất nước.
Thời gian qua, nguồn tài nguyên khoáng sản của nước ta rất phong phú, nhưng mức độ khai thác vẫn còn khó khăn. Chính vì vậy, việc ban hành Quy hoạch khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản đã giúp chúng ta có đường hướng để khai thác từng loại tài nguyên khoáng sản phù hợp với điều kiện của Việt Nam. Đồng thời có lộ trình và yêu cầu để nâng cao chất lượng công nghệ khai thác chế biến. Từ đó, tạo động lực mới cho phát triển công nghiệp cũng như giúp Việt Nam tự chủ nguồn nguyên liệu trong sản xuất các sản phẩm mới hướng tới sự tăng trưởng bền vững của toàn bộ nền kinh tế trong tương lai.
Rõ ràng, quy hoạch nào cũng cần có thực tiễn kiểm nghiệm. Hy vọng với việc chủ động nắm bắt nguyện vọng phản ánh từ thực tiễn đối với quy hoạch này, Bộ Công Thương sẽ có những chỉnh sửa kịp thời, góp phần giúp quy hoạch sớm đi vào đời sống thực tế và đem lại hiệu quả cao nhất.
Bên cạnh đó, mục tiêu của quy hoạch là quản lý chặt chẽ, khai thác, chế biến, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên khoáng sản, gắn với nhu cầu phát triển của nền kinh tế, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu và hướng tới mục tiêu đạt mức trung hòa các-bon. Đẩy mạnh đầu tư, hình thành ngành khai thác, chế biến đồng bộ, hiệu quả với công nghệ tiên tiến, thiết bị hiện đại phù hợp với xu thế của thế giới.
Vấn đề bảo đảm tính đồng bộ, liên thông giữa các cấp quy hoạch đang được quan tâm. Ông có lưu ý gì tới các cơ quan chức năng trong quá trình triển khai các quy hoạch trên đi vào thực tiễn?
Đảm bảo tính đồng bộ, liên thông giữa các quy hoạch là một trong những vấn đề quan trọng. Thực tế này không chỉ xảy ra đối với các quy hoạch của Bộ Công Thương mà còn tại nhiều quy hoạch khác.
Chúng ta đang thực hiện quy hoạch với mục tiêu rộng, không chỉ bó hẹp của từng địa phương, từng ngành. Do vậy, nếu không đảm bảo tính đồng bộ liên thông giữa các quy hoạch thì lúc đó quy hoạch chỉ là “quy hoạch chết”. Có những quy hoạch hỗ trợ ngành này hay hỗ trợ cho ngành kia, địa phương này hỗ trợ cho địa phương khác và tận dụng được những lợi thế tối đa, phát huy được năng lực sở trường của từng doanh nghiệp, từng địa phương.
Nhưng theo tôi, quy hoạch phải phù hợp với quy hoạch chung của đất nước theo cùng một định hướng. Như vậy, có thể có những ngành phát triển chậm hơn một chút nhưng lại có hiệu quả cao hơn. Nhưng cũng có những ngành phải phát triển nhanh hơn để tạo bước đột phá, giúp cho sự phát triển của một số ngành, địa phương.
Đơn cử, đối với Quy hoạch khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản, trước đó Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ quan tâm chỉ đạo sát sao, quyết liệt để sớm có được quy hoạch tổng thể quốc gia cũng như quy hoạch của từng vùng, miền, từng ngành nghề, từng địa phương một cách phù hợp.
Theo tôi, vấn đề quan trọng của các quy hoạch là phải tuân thủ và sáng tạo. Đối với quy hoạch vùng miền, hoặc các quy hoạch trong ngành phải có liên kết với nhau và khi chúng ta phát hiện có độ vênh hay những vấn đề tồn tại thì cần chỉnh sửa phù hợp nhưng vẫn phải tuân thủ mục tiêu chung của quy hoạch.
Xin cảm ơn ông!