Báo cáo TMĐT của iPrice cho thấy, bách hóa trực tuyến là ngành hàng duy nhất duy trì sự tăng trưởng vững chắc và xuyên suốt từ đầu đại dịch. Điều này đã lý giải được một phần nguyên nhân nhu cầu tìm kiếm cửa hàng bán sản phẩm thiết yếu online tăng mạnh trong những tháng giãn cách xã hội. Với các cửa hàng, đây cũng là phương thức duy nhất để duy trì kinh doanh trong lúc các shop offline phải đóng cửa.
Nhu cầu mua sắm trực tuyến tăng cao |
Tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, việc những đô thị đông dân tiếp tục phong tỏa trên diện rộng, siết chặt giãn cách, người dân hạn chế tối đa việc ra đường, các khu chợ tự phát tạm ngưng hoạt động để chống dịch, nhu cầu mua sắm thực phẩm, nhu yếu phẩm online ngày càng cao và được xem là phương thức tiện lợi, đảm bảo an toàn vào thời điểm này. Khi người tiêu dùng dành nhiều thời gian ở nhà, nhu cầu kết nối tăng lên cùng thói quen tiêu dùng làm việc từ xa và giải trí trực tuyến mới. Hoạt động giao dịch mua được thực hiện trực tuyến thay vì thông qua kênh thương mại truyền thống trước đây. Thói quen này cũng thúc đẩy xu hướng mà doanh nghiệp hoạt động trong ngành hàng tiêu dùng đang hướng tới là sự gia tăng mức độ sẵn sàng mua sắm trực tuyến của người tiêu dùng đối với nhu yếu phẩm cơ bản và sản phẩm tươi sống. Phần lớn khách hàng có nhu cầu mua sắm trực tuyến ngày càng tăng đối với những mặt hàng này do tác động của dịch Covid-19.
Báo cáo của một số sàn TMĐT Việt Nam cho thấy, người tiêu dùng Việt Nam đã nhanh chóng đón nhận việc sử dụng kênh TMĐT trực tuyến như: Lazada, Sendo, Shopee, Tiki... Trong đó, gần 60% khách hàng được khảo sát cho biết, đã mua sắm trực tuyến ít nhất một lần trong 12 tháng qua. Việc sử dụng kênh TMĐT, trực tuyến tỷ lệ thuận với mức thu nhập hàng tháng của hộ gia đình tại Việt Nam. Theo số liệu của iPrice Group và SimilarWeb, tổng số lượt truy cập vào top 50 website mua sắm trong bản đồ TMĐT Việt Nam 6 tháng đầu năm 2021 đã đạt hơn 1,3 tỷ lượt, cao nhất từ trước đến nay và tăng 10% so với quý I/2021. Bên cạnh đó, xu thế thanh toán trực tuyến được dự báo sẽ ngày càng trở nên phổ biến trên sàn TMĐT, "chợ mạng"..., mang đến trải nghiệm mua sắm mới cho người tiêu dùng.
Thêm vào đó, hầu hết kênh TMĐT, trực tuyến đều tập trung vào thế mạnh, mang đến cho người tiêu dùng sự tiện lợi không giới hạn và giá cạnh tranh hơn. Trong đó, giảm giá và chiết khấu là một phương pháp hiệu quả mà các sàn TMĐT, trực tuyến có thể thúc đẩy hành vi mua hàng lập lại của khách hàng.
Để đảm bảo hành trình mua sắm chất lượng cho khách hàng, nhà bán lẻ phải đáp ứng đòi hỏi đổi mới sáng tạo trong cách tiếp cận khách hàng hơn việc chỉ dựa vào chiến thuật giảm giá.
Theo iPrice, giá các mặt hàng tạp hóa ở Việt Nam lọt top rẻ nhất trong khu vực ASEAN sau khi so sánh giá của các mặt hàng tạp hóa ngoại tuyến phổ biến ở các nước Đông Nam Á từ Numbeo - một trong những cơ sở dữ liệu do người dùng đóng góp lớn nhất thế giới. |