Lễ tổng kết, trao giải cuộc thi viết “Những tấm gương bình dị mà cao quý” lần thứ 7 |
Cuộc thi viết “Những tấm gương bình dị mà cao quý” lần thứ 7 (2015-2016), do Báo Quân đội nhân dân, Vụ Báo chí - Xuất bản (Ban Tuyên giáo Trung ương), Nhà xuất bản Quân đội nhân dân và Tổng công ty Cổ phần dịch vụ kỹ thuật dầu khí Việt Nam (PTSC) phối hợp tổ chức.
Cuộc thi đã nhận được hàng trăm tác phẩm của các tác giả chuyên và không chuyên trong cả nước. Các tác phẩm đã phản ánh nhiều tấm gương tiêu biểu của cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân thuộc mọi ngành nghề, lĩnh vực công tác… Họ là những tấm gương sáng, ngày đêm âm thầm cống hiến cho đất nước, vì cộng đồng, làm được nhiều việc tốt, bình dị mà cao quý, có sức lan tỏa sâu rộng trong đời sống xã hội.
Ban tổ chức đã lựa chọn gần 120 tác phẩm đăng tải trên các ấn phẩm của Báo Quân đội nhân dân giấy và điện tử. Hội đồng chấm chung khảo đã lựa chọn 15 tác phẩm xuất sắc nhất để ban tổ chức cuộc thi ra quyết định trao giải, gồm: 1 giải nhất; 2 giải nhì; 3 giải ba và 9 giải khuyến khích.
Đồng chí Võ Văn Thưởng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương và Thiếu tướng Phạm Văn Huấn, Tổng biên tập Báo Quân đội nhân dân trao bằng chứng nhận cho tác giả đạt giải Nhất |
Tác phẩm “Cây sáng kiến"- Bí thư chi bộ nói và làm” của tác giả Nguyễn Đức Chính, Văn phòng - Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) viết về đồng chí Phan Đông Hải, Bí thư Chi bộ, Trưởng phòng Quản lý cảng biển, Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn đã đạt giải Nhất cuộc thi. Anh viết về đồng chí Phan Đông Hải là tác giả của nhiều sáng kiến, cải tiến kỹ thuật có giá trị, rút ngắn thời gian vận hành thiết bị, nâng cao năng suất lao động, làm lợi nhiều tỷ đồng cho Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn.
Đồng chí Trương Minh Tuấn, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông và Trung tướng Nguyễn Trọng Nghĩa, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam trao bằng chứng nhận giải Nhì cho các tác giả |
Thông qua cuộc thi, những tác phẩm, những nhân vật được giới thiệu trên Báo Quân đội nhân dân đã tạo sự lan tỏa trong đời sống xã hội với hàng nghìn tấm gương “người tốt, việc tốt”. Đây là những tấm gương thực sự có sức thuyết phục, góp phần ngăn chặn, đẩy lùi cái xấu, nhân lên cái đẹp trong xã hội.
Tại lễ trao giải, khán giả đã được giao lưu với những tấm gương bình dị mà cao quý như: Anh hùng lao động Huỳnh Văn Thòn, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Tập đoàn Lộc Trời; bà Hoàng Thị Kim Dung, nguyên Phó trưởng khoa Sức khỏe sa sút và các bệnh nội - ngoại khoa, Trung tâm Điều dưỡng thương binh Nho Quan, Ninh Bình; chị Bùi Thị Huyên, công tác tại Trung tâm Khai thác ga Nội Bài, Cảng Hàng không quốc tế Nội Bài (Hà Nội); Trung tá Đào Phú Đồng, công tác tại Cục Vận tải, Tổng cục Hậu cần, Bộ Quốc phòng.
Họ, mỗi người đều có một công việc, một hoàn cảnh khác nhau, nhưng ở họ đều có một quan điểm chung đó là: Hạnh phúc là được cho đi, được sẻ chia, được cống hiến cho xã hội; được giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn hơn mình; làm được nhiều việc tốt thì những điều tốt đẹp sẽ đến...
Tại buổi giao lưu, Anh hùng lao động Huỳnh Văn Thòn, Tổng giám đốc Tập đoàn Lộc Trời đã quyết định dành tặng 5 tấn gạo cho các anh chị em thương bệnh binh Trung tâm Điều dưỡng Nho Quan, Ninh Bình và lớp học của Mẹ Côi ở quận Hoàng Mai, Hà Nội.
Cùng với lễ trao giải là chương trình giao lưu - nghệ thuật đặc sắc với chủ đề “Vững bước theo con đường Bác đi” với sự tham gia của các ca sĩ, nghệ sĩ: NSƯT Đăng Dương; NSƯT Quốc Hưng; NSƯT Lương Huy; NSƯT Việt Hoàn; ca sĩ Anh Thơ; Nhà hát ca múa nhạc Việt Nam; dàn hợp xướng Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam...
Giải thưởng Cuộc thi viết “Những tấm gương bình dị mà cao quý” lần thứ 7 - Giải nhất: Tác phẩm “Cây sáng kiến” - Bí thư chi bộ nói và làm" (Nguyễn Đức Chính). - 2 giải nhì gồm: "Chuyện anh bộ đội cứu người như trong cổ tích" (Đỗ Phú Thọ); "Mẹ Côi!" (Nguyễn Thị Hường). - 3 giải ba gồm: "Ấp Chín có Bí thư Mười Trọng" (Trần Út - Bích Vân); "Thầy thuốc 25 năm bám bản vùng cao" (Nguyễn Kim Huệ); "Người kết nối những tấm lòng vì biển đảo quê hương" (Mỹ Hạnh). - 9 giải khuyến khích gồm: "Người lính Viettel và ước mơ ngựa sắt" (Nguyên Minh - Nguyễn Hòa); “Chủ ký túc xá đặc biệt ở miền Tây sông nước" (Đình Hùng); "Vị giáo sư sở hữu hai “ngân hàng” đặc biệt" (Hải Lý - Vương Thúy); "Gương sáng “công bộc” ở Tả Gia Khâu" (Nguyễn Trọng Mạch); "Người phụ nữ 32 năm chăm sóc thương binh tâm thần" (Thu Hương); “Thầy Đồng ở Pò Háng" (Kim Anh); "Mưu trí, dũng cảm bắt giữ cướp biển" (Kiều Hoài Nam); "Tổng giám đốc của nông dân" (Mai Nam Thắng); "Người “gieo chữ” ở xóm Chài" (Phương Liễu). |