Bộ trưởng Trần Tuấn Anh: Hội đồng CPTPP thể hiện quyết tâm thực thi của các nước thành viên đối với các cam kết trong hiệp định
Tin hoạt động 19/01/2019 19:07
Tham gia CPTPP giúp Việt Nam hỗ trợ tiến trình đổi mới mô hình tăng trưởng (*) Hiệp định CPTPP chính thức có hiệu lực đối với Việt Nam từ 14/1 |
Hội nghị với sự tham dự của Bộ trưởng các nước thành viên CPTPP đã đưa ra tuyên bố chung, trong đó nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì và củng cố một hệ thống thương mại cởi mở, toàn diện và dựa vào các quy tắc. Như vậy, các Bộ trưởng đại diện 11 thành viên của Hiệp định Đối tác tiến bộ và toàn diện xuyên Thái Bình Dương đã có cuộc gặp đầu tiên kể từ khi hiệp định có hiệu lực vào ngày 30/12/2018.
Hội nghị với sự tham dự của Bộ trưởng 11 nước thành viên CPTPP |
Tại Hội nghị này, các Bộ trưởng đã thể hiện sự cởi mở trong việc tiếp nhận thêm các thành viên mới tham gia hiệp định, trong bối cảnh mối lo ngại ngày càng gia tăng đối với các xu hướng gần đây về chủ nghĩa bảo hộ thương mại. Đồng thời nhấn mạnh rằng, Hiệp định CPTPP “dành cho tất cả các nền kinh tế” chấp nhận các nguyên tắc và sẵn sàng đáp ứng các tiêu chuẩn cao. Từ đó, 11 nước thành viên CPTPP khẳng định quyết tâm mạnh mẽ để mở rộng hiệp định thông qua việc gia nhập của các nền kinh tế mới”.
Hiện tại, 7 quốc gia thành viên là Australia, Canada, Nhật Bản, Mexico, New Zealand, Singapore và Việt Nam đã phê chuẩn và thực thi Hiệp định CPTPP. Các nước thành viên khác là Brunei, Chile, Malaysia và Peru đang hoàn tất các thủ tục nội bộ để phê chuẩn và thực thi hiệp định. |
Các Bộ trưởng CPTPP cũng bày tỏ cam kết thực thi đầy đủ hiệp định, “gửi một tín hiệu mạnh mẽ về ủng hộ thương mại tự do” và đưa ra các “quy tắc tiêu chuẩn cao và cân bằng phù hợp cho thế kỷ 21”. Hội đồng CPTPP đã hoan nghênh 7 nước thành viên phê chuẩn và thực hiện sớm các cam kết của hiệp định, đồng thời hy vọng hiệp định sẽ có hiệu lực cho tất cả các nước trong thời gian sớm nhất có thể.
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh phát biểu tại Hội nghị và trả lời phỏng vấn |
Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh nhấn mạnh: "Tôi thực sự tin rằng việc Hiệp định CPTPP chính thức có hiệu lực là cột mốc quan trọng đối với quá trình tự do hóa thương mại trong khu vực cũng như trên thế giới. Đây là một thông điệp mạnh mẽ mà chúng ta gửi đến cộng đồng quốc tế, rằng chúng ta tin vào thương mại bình đẳng, tự do và minh bạch. Chỉ có sự hợp tác, hỗ trợ lẫn nhau trên cơ sở cùng có lợi mới là con đường đúng đắn cho sự phát triển và thịnh vượng trong khu vực cũng như trên trái đất này".
Trả lời phỏng vấn báo chí, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết, Hội đồng CPTPP đã thể hiện quyết tâm thực thi của các nước thành viên đối với các cam kết trong hiệp định, thông qua quy chế về việc tiếp nhận các nước quan tâm và mong muốn gia nhập hiệp định toàn diện và tiến bộ của thế kỷ 21. Các nước đều đã có sự chuẩn bị kỹ càng nên quá trình triển khai các cam kết trong giai đoạn đầu tiên này rất tích cực, nghiêm túc và đầy đủ. Bộ trưởng tin tưởng các nước thành viên CPTPP sẽ thực thi hiệp định một cách hiệu quả, từ đó mang lại lợi ích thiết thực cho người dân và doanh nghiệp trên đất nước của mình.
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh trao đổi bên lề Hội nghị với Bộ trưởng các nước thành viên CPTPP |
Theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, 3 thách thức chủ yếu đối với Việt Nam là: Sức ép trong việc thực thi; mức độ cạnh tranh - vốn sẽ gia tăng không chỉ ở lĩnh vực hàng hóa mà còn ở lĩnh vực dịch vụ; và cách thức tận dụng hiệu quả các cơ hội do CPTPP mang lại.
CPTPP được ghi nhận là thành công lớn của 11 nước thành viên sau khi Mỹ rút khỏi TPP, chính thức có hiệu lực từ ngày 30/12/2018 sau nhiều năm đàm phán gập ghềnh và sẽ cắt giảm thuế quan mạnh mẽ đối với các quốc gia đã phê chuẩn hiệp định. CPTPP giữ lại tất cả trừ 22 trong số hơn 1.000 điều khoản của hiệp định TPP ban đầu phải đàm phán lại sau sự ra đi của Mỹ, và tài liệu hiệp định 583 trang bao gồm các lĩnh vực như tiếp cận thị trường cho hàng hóa, dịch vụ và thương mại điện tử... Hội nghị lần thứ nhất của Hội đồng CPTPP đã đánh dấu giai đoạn bắt đầu công việc tiếp theo của các bên, bao gồm cả việc phê chuẩn của tất cả các thành viên, cũng như việc thực thi cam kết và mở rộng sự tham gia của các thành viên mới. Các nước thành viên CPTPP sẽ luân phiên đảm nhiệm vai trò Chủ tịch Hội đồng, theo đó, dự kiến Việt Nam sẽ giữ chức Chủ tịch Hội đồng CPTPP vào năm 2026.