Theo Bộ Trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể, Dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế (CHKQT) Long Thành giai đoạn 1 có tổng mức đầu tư theo phương án kiến nghị là 111.689 tỷ đồng, tương đương 4,779 tỷ USD. Thời gian thực hiện từ 2020 - 2025. Mục tiêu xây dựng CHKQT Long Thành đạt cấp 4F, là CHKQT cửa ngõ lớn và quan trọng của quốc gia, hướng tới trở thành một trong những trung tâm trung chuyển hàng không quốc tế của khu vực ở giai đoạn 2, giai đoạn 3 của Dự án. Quy mô đầu tư giai đoạn 1 là xây dựng 1 đường cất hạ cánh; 1 nhà ga hành khách với công suất 25 triệu hành khách/năm; nhà ga hàng hóa 1,2 triệu tấn hàng hóa/năm và các hạng mục phụ trợ.
Bộ Trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể trình bày báo cáo nghiên cứu khả thi về dự án CHKQT Long Thành giai đoạn 1 |
Bộ Trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể cho biết, để xác định hình thức đầu tư phù hợp cho mỗi loại công trình tại CHKQT Long Thành, theo Luật hàng không dân dụng Việt Nam và thông lệ quốc tế, các công trình được phân thành 4 nhóm hạng mục chính và được đề xuất hình thức đầu tư, huy động vốn. Cụ thể, Hạng mục 1 giao cho Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) trực tiếp đầu tư, sau đó cho các cơ quan quản lý nhà nước thuê lại; Hạng mục 2 giao cho Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam (VATM) trực tiếp đầu tư bằng vốn của doanh nghiệp; Hạng mục 3 giao cho ACV trực tiếp đầu tư bằng vốn của doanh nghiệp; Hạng mục 4 giao cho ACV hợp tác đầu tư, nhượng quyền đầu tư, khai thác hoặc xã hội hóa đầu tư.
Tổng mức đầu tư dự kiến 111.689 tỷ đồng, tương đương: 4,779 tỷ USD. Như vậy, tổng mức đầu tư Dự án thấp hơn tổng mức đầu tư đã được Quốc hội thông qua tại Nghị quyết số 94/2015/QH13 là 4,782 tỷ USD. Đây là Dự án có tổng mức đầu tư lớn, quy mô phức tạp, Hội đồng thẩm định nhà nước sẽ có ý kiến thẩm định cụ thể sau khi có kết quả thẩm tra cuối cùng của Tư vấn thẩm tra trong bước trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định đầu tư Dự án.
"Nếu đấu thầu thì kế hoạch khởi công sân bay Long Thành sẽ phải lùi lại đến 2022 hoặc 2023, thay vì 2021 như dự kiến. Phương án này làm chậm tiến độ dự án 1,5 năm mà cuối cùng cũng khó chọn được doanh nghiệp nào khác ngoài ACV ", ông Thể bày tỏ băn khoăn.
Vì vậy, theo Bộ trưởng Giao thông Vận tải, chỉ định thầu giao ACV làm sây bay Long Thành là phương án tối ưu. Về đề xuất giao Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam (VATM) thực hiện các công trình phục vụ quản lý bay ở Long Thành, ông Thể lý giải, đây là đơn vị duy nhất quản lý và hướng dẫn bay trên toàn bộ vùng trời Việt Nam.
"Nếu đấu thầu để chọn nhà đầu tư cũng không có đơn vị cạnh tranh khác", ông nói. Để thuyết phục các đại biểu, ông Thể nói thêm, sân bay Tân Sơn Nhất đang quá tải nghiêm trọng, trong khi tiến độ xây dựng nhà ga T3 chậm. Nên nhu cầu hoàn thành sân bay Long Thành (giai đoạn 1) vào năm 2025 là "hết sức cần thiết". Nếu quốc hội ủng hộ các đề xuất của Chính phủ thì tháng 1/2020, dự án sẽ được phê duyệt. Ngay sau đó, ACV sẽ dành một năm lập hồ sơ kỹ thuật và đầu năm 2021, dự án được khởi công để kịp hoàn thành, đưa vào khai thác sau 4 năm.
Ông cũng khẳng định, những đề xuất trên phù hợp với nghị quyết của Quốc hội và "không có thông số nào mà Quốc hội không nắm được để giám sát".
Phát biểu thảo luận, ông Võ Văn Thưởng (Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương) đề nghị quan tâm, kết nối giao thông giữa sân bay này với vùng lân cận. Theo ông, hiện nay, quốc lộ 51 đang quá tải. Đường cao tốc từ TP HCM - Long Thành cũng đã quá tải, thậm chí hai ngày cuối tuần thứ Bảy và Chủ nhật đã trở thành "thấp tốc". Trong khi đó, các dự án đường sắt đô thị đến 2040 mới có khả năng xây dựng. Vì vậy, Trưởng Ban tuyên giáo cho rằng cần tính toán kỹ việc kết nối giao thông từ Long Thành đi các địa phương lân cận trong giai đoạn đầu xây dựng sân bay.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, theo kế hoạch trước đây, dự án đã dành 8.500 ha cho đất quốc phòng nhưng hiện nay, do tiết kiệm đất, thay vì dành cho đường bay dân dụng riêng thì sẽ dành tiền để làm đường bay sử dụng chung. Khi đó, quân sự cũng có thể sử dụng để huấn luyện bay quân sự. "Trong trường hợp xảy ra chiến tranh thì mục đích bảo vệ tổ quốc là trên hết", bà Ngân nói.
Đại biểu Dương Trung Quốc bày tỏ lo ngại thời điểm thực hiện dự án nằm giáp ranh giữa 2 kỳ đại hội sẽ bị đóng băng, trì trệ. "Cán bộ liệu có chỉ đạo quyết liệt được không? Tiếp xúc với dân cần người quyết đoán, thậm chí vượt lên vấn đề về nguyên tắc", ông nói.
Đại biểu Trương Anh Tuấn (Nam Định) thì băn khoăn dự án CHKQT Long Thành phải sử dụng khoảng 675 ha rừng trong đó có 162 ha rừng đặc dụng. Trong khi đó, dự án chỉ phá vài chục ha rừng đặc dụng đã là vấn đề lớn, được người dân rất quan tâm, nên ông đề nghị phải rất thận trọng.
Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái bày tỏ, sân bay Long Thành là dự án trọng điểm quốc gia, có liên quan đến an ninh quốc phòng, nên giao cho các doanh nghiệp nhà nước có chức năng quản lý, đủ thẩm quyền thực hiện thì mới yên tâm. Tuy nhiên, ông nhấn mạnh, việc giám sát, quản lý "phải hết sức chặt chẽ ngay từ giai đoạn thiết kế, giao thầu đến thi công. Kinh nghiệm và thực tế thấy, nếu không quan tâm ngay từ giai đoạn đầu của dự án thì khi có vụ việc xảy ra, hậu quả sẽ khó lường", ông nói.
Trưởng ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính ủng hộ việc để cho doanh nghiệp nhà nước đảm nhận dự án này nhưng ông lưu ý: "Phải làm đúng quy định để công khai, minh bạch, khách quan. Chúng ta ai cũng sốt ruột vì chủ trương lâu rồi nhưng chậm triển khai, nhưng phải cân nhắc kỹ, tìm nguyên nhân để đưa ra giải pháp đúng quy định, đúng thẩm quyền", ông Chính nói.
Sân bay Long Thành đã được Chính phủ trình Quốc hội, giai đoạn 1 dự án có tổng mức đầu tư 4,8 tỷ USD, gồm 4 hạng mục. Hạng mục 1 gồm các công trình trụ sở cơ quan quản lý nhà nước; Hạng mục 2 gồm các công trình phục vụ quản lý bay; Hạng mục 3 gồm các công trình thiết yếu của cảng hàng không; Hạng mục 4 là các công trình dịch vụ. |