Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên: ''Sức khỏe'' nền kinh tế và doanh nghiệp là ''thước đo'' hiệu quả hội nhập
Tin hoạt động 04/06/2024 18:39
Chiều 4/6, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì và điều hành của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội khóa XV tiến hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp 7 nhóm vấn đề thứ hai thuộc lĩnh vực Công Thương.
Doanh nghiệp nội vươn lên hội nhập
Tại phiên chất vấn, đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga (Đoàn Hải Dương) nêu thực trạng phần lớn tỷ trọng xuất khẩu thuộc về doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) và đề nghị Bộ trưởng Bộ Công Thương cho biết giải pháp đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu hàng hóa của các doanh nghiệp trong nước để cân bằng tỷ trọng xuất khẩu?
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga |
Trả lời chất vấn, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đồng tình nhận định của đại biểu. Theo Bộ trưởng, các doanh nghiệp FDI chiếm tỷ trọng lớn trong tổng kim ngạch xuất khẩu (trên 73%) do các doanh nghiệp này có lợi thế về vốn, công nghệ... nhiều năm nay. Trong khi đó, các doanh nghiệp của Việt Nam nguồn lực thì hạn chế và đang từng bước thâm nhập thị trường.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp FDI sản xuất và xuất khẩu sản phẩm công nghiệp công nghệ cao nên giá trị vượt trội hơn so với các mặt hàng nông sản của doanh nghiệp trong nước.
Doanh nghiệp FDI xuất khẩu cũng phù hợp với chủ trương hội nhập kinh tế Việt Nam giai đoạn đầu vì chỉ có thu hút đầu tư FDI mới có điều kiện để hội nhập, học tập về kinh nghiệm quản trị, chuyển giao công nghệ cũng như tiếp cận thị trường.
"Tuy nhiên, mục tiêu của chúng ta hội nhập không phải chỉ là đo đếm bằng các hiệp định thương mại tự do hay là đo đếm bằng các dự án nhà đầu tư nước ngoài vào đầu tư, kể cả đo đếm bằng kim ngạch xuất nhập khẩu tăng lên hàng năm. Thước đo ở đây phải là đo bằng sức khỏe của nền kinh tế đất nước, bằng sự hội nhập của chính doanh nghiệp Việt Nam trong chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu. Đây là mục tiêu lớn", Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên khẳng định.
Tư lệnh ngành Công Thương đánh giá, thực tế doanh nghiệp nội cũng đã vươn lên hội nhập tốt nhờ sự tiếp cận và liên kết các doanh nghiệp này. Điều đó chứng tỏ doanh nghiệp của Việt Nam cũng đang từng bước vươn lên chiếm lĩnh thị trường, khai thác lợi thế đang có là thành viên của các Hiệp định thương mại tự do, hưởng cơ chế ưu đãi của các hiệp định mang lại.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên trả lời chất vấn |
Nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp
Nêu các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp Việt tăng tỷ trọng xuất khẩu, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên thông tin, Bộ Công Thương chủ trương hỗ trợ doanh nghiệp tăng nguồn hàng chất lượng cao, ổn định để cạnh tranh doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam, thúc đẩy doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt doanh nghiệp lớn. Đồng thời, thúc đẩy chuyển giao công nghệ, kỹ năng quản trị doanh nghiệp trong nước nhất là công nghiệp hỗ trợ.
Bộ Công Thương cũng sẽ đa dạng hóa hỗ trợ khai thác các hiệp định thương mại, hỗ trợ xuất khẩu qua thương mại điện tử. Hỗ trợ thông tin, hướng dẫn, cảnh báo doanh nghiệp ứng phó với những vụ việc phòng vệ nước ngoài một cách hiệu quả.
Một giải pháp khác được Bộ trưởng Bộ Công Thương đề cập là xây dựng thương hiệu cho nông sản. Trong thời gian qua, việc xây dựng thương hiệu cho nông sản, Bộ Công Thương đã phối hợp các bộ ngành, địa phương tập trung hỗ trợ cho việc phát triển thương hiệu thực phẩm ở 3 cấp độ.
Thứ nhất là thương hiệu ngành quy mô cấp toàn quốc trong chương trình cấp quốc gia về xúc tiến thương mại. Thứ hai là sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu, quy mô cấp địa phương; Thứ ba là thương hiệu sản phẩm quy mô cấp doanh nghiệp trong chương trình quốc gia Việt Nam.
Bộ cũng đang phối hợp triển khai kế hoạch với 3 Bộ - Bộ Công Thương, Bộ Khoa học Công nghệ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển về hỗ trợ đăng ký bảo hộ, chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm xuất khẩu tiềm năng của Việt Nam ra nước ngoài.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, các hoạt động hỗ trợ nêu trên đã góp phần đưa Việt Nam xuất khẩu đứng thứ 15 trên thế giới và đứng thứ 2 ở khu vực Đông Nam Á. Thời gian tới, Bộ sẽ tiếp tục nỗ lực để nâng cao nhận thức, vai trò, ý nghĩa, sự cần thiết của việc xây dựng thương hiệu trong việc sản xuất, kinh doanh và đầu tư, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp; tổ chức các chương trình đào tạo, tư vấn, hỗ trợ kỹ thuật, kỹ năng và vấn đề cần lưu ý trong việc sử dụng, phát triển thương hiệu;
Tư vấn đổi mới cải tiến thiết kế nhằm đáp ứng thị hiếu yêu cầu của thị trường tiêu thụ trong và ngoài nước; tư vấn hỗ trợ đăng ký bảo hộ nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý cho các sản phẩm xuất khẩu tiềm năng ở trong và ngoài nước;
Xây dựng tổ chức thực hiện các chương trình tuyên truyền quảng bá hình ảnh trong và ngoài nước đối với từng sản phẩm nông sản và thực phẩm chế biến…
"Chúng tôi cũng đồng tình với ý kiến của Bộ trưởng Lê Minh Hoan là chúng ta phải tiến tới xây dựng sản phẩm thương hiệu quốc gia chứ không dừng lại ở sản phẩm riêng lẻ của một sản phẩm hay địa phương nào đó", Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết.
Theo Bộ trưởng, trên thực tế chúng ta mất rất nhiều tiền của và công sức trong việc xây dựng thương hiệu, nhưng lại rất nhanh chóng bị "tan biến" bởi các "cú sốc" của thị trường, trong khi chúng ta chưa biết hợp lực với nhau để xây dựng thương hiệu thành thương hiệu quốc gia để khai thác tiềm năng lợi thế mà chúng ta đang có.
Bộ Công Thương sẽ tiếp tục phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương trong xây dựng nội dung và kế hoạch chiến lược tuyên truyền quảng bá chỉ dẫn địa lý nhãn hiệu tập thể và xây dựng sản phẩm truyền thông nhằm xây dựng sản phẩm chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu tập thể, hỗ trợ các doanh nghiệp xây dựng, phát triển, quảng bá thương hiệu sản phẩm nông nghiệp. Đồng thời, đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm tại thị trường trong nước và quốc tế.