Tham dự buổi làm việc có đại diện lãnh đạo các Cục, Vụ, các cơ quan thuộc Bộ Công Thương; Văn phòng Ban Chỉ đạo liên ngành hội nhập quốc tế về kinh tế,...
Về phía tỉnh Thái Nguyên có ông Trịnh Việt Hùng - Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên, ông Lê Quang Tiến - Phó Chủ tịch UBND tỉnh; cùng đại diện lãnh đạo UBND tỉnh, các Sở, ngành đơn vị liên quan.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cùng ông Trịnh Việt Hùng - Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên đồng chủ trì tại buổi làm việc |
Công nghiệp, thương mại giữ đà tăng trưởng
Báo cáo về tình hình phát triển công nghiệp, thương mại 7 tháng đầu năm, nhiệm vụ trọng tâm các tháng cuối năm 2024 và việc triển khai thực hiện quy hoạch ngành quốc gia về năng lượng, khoáng sản trên địa bàn tỉnh, ông Nguyễn Bá Chính - Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Thái Nguyên cho biết: Tính chung 7 tháng năm 2024, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) ước tăng 7,15% so với cùng kỳ.
Một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu có sản lượng sản xuất lũy kế 7 tháng năm 2024 tăng cao so với cùng kỳ như: Quặng sắt và tinh quặng sắt chưa nung 353,9 nghìn tấn (tăng 36,5%); phụ tùng khác của xe có động cơ 60,6 nghìn cái (tăng 45,2%); thiết bị và dụng cụ khác trong y khoa 1.156,2 triệu cái (tăng 19,9%); sản phẩm may 64,3 triệu cái (tăng 6,2 so với cùng kỳ và đạt 56% kế hoạch)...
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 45.145 tỷ đồng (tăng 16,3% so với cùng kỳ năm trước, bằng 59,8% kế hoạch năm). Trong đó, khu vực kinh tế Nhà nước ước đạt 1,6 nghìn tỷ đồng, tăng 7,4% so với cùng kỳ; khu vực kinh tế ngoài Nhà nước ước đạt 43,4 nghìn tỷ đồng, tăng 16,5%; khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài ước đạt 139,2 tỷ đồng, tăng 62,4%.
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tính chung 7 tháng đầu năm 2024 CPI tăng 3,62% so với bình quân cùng kỳ năm 2023.
Ông Nguyễn Bá Chính - Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Thái Nguyên |
Tổng giá trị xuất khẩu hàng hóa ước đạt 17,6 tỷ USD (tăng 12,8% so với cùng kỳ và đạt 60,1% kế hoạch năm). Trong đó, xuất khẩu địa phương ước đạt 403,4 triệu USD, giảm 0,2% so với cùng kỳ và đạt 50,4% kế hoạch; xuất khẩu của khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài ước đạt 17,2 tỷ USD ( tăng 13,2% so với cùng kỳ).
Quy hoạch tỉnh Thái Nguyên thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã quy hoạch 41 cụm công nghiệp với tổng diện tích 2.067ha. Tính chung 7 tháng năm 2024, tỉnh Thái Nguyên đã phê duyệt thêm 6 dự án cụm công nghiệp với tổng mức đầu tư 4.185,79 tỷ đổng, tổng diện tích 358,96 ha.
Tính đến nay, toàn tỉnh có 27/41 cụm công nghiệp đã có chủ đầu tư hạ tầng, với tổng vốn đăng ký đầu tư hạ tầng là 10.368 tỷ đồng; trong đó có 11 cụm công nghiệp đã đi vào hoạt động, thu hút 63 dự án đầu tư với tổng số vốn 9.492 tỷ đồng.
Về triển khai quy hoạch ngành quốc gia trong lĩnh vực năng lượng, khoáng sản, đã thực hiện bố trí quỹ đất cho dự án Đường dây và TBA 500kV Thái Nguyên trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên; chấp thuận phương án hướng tuyến đường dây 500kV (đoạn đi qua địa phận Thái Nguyên), vị trí trạm biến áp 500kV và hướng tuyến đường dây 220kV Thái Nguyên; Tổ chức thẩm định hồ sơ chấp thuận chủ trương đầu tư Dự án Trạm biến áp 220kV Sông Công và đường dây đấu nối tại xã Tân Quang, TP. Sông Công; Dự án Đường dây và TBA 220kV Đại Từ.
Đã xác định có tổng số 28 mỏ/khu vực khoáng nằm trong quy hoạch (Quyết định số 866/QĐ-TTg), 3 mỏ than nằm trong quy hoạch (Quyết định số 893/QĐ-TTg) thuộc địa bàn tỉnh Thái Nguyên.
Chú trọng phát triển thương mại điện tử, tạo động lực phát triển kinh tế số
Tại buổi làm việc, lãnh đạo Sở Công Thương tỉnh Thái Nguyên cũng đưa ra những đề xuất, kiến nghị đến Bộ Công Thương liên quan đến phát triển cụm công nghiệp, năng lượng, khoáng sản, thương mại...
Theo đó, để Thái Nguyên hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2020 - 2025 mà Nghị quyết Đại hội đại biểu tỉnh lần thứ XX đề ra: Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) bình quân từ 8%/năm trở lên; Cơ cấu kinh tế năm 2025 (Công nghiệp, xây dựng 61%; dịch vụ 31%; nông, lâm nghiệp, thủy sản 8%); Giá trị sản xuất công nghiệp tăng bình quân từ 9%/năm trở lên; Giá trị xuất khẩu trên địa bàn tăng bình quân từ 7%/năm trở lên... đề nghị Bộ Công Thương tiếp tục quan tâm, giúp tỉnh Thái Nguyên thu hút đầu tư, giới thiệu các Tập đoàn kinh tế lớn trong và ngoài nước đầu tư các dự án, công trình công nghiệp, thương mại, hạ tầng kỹ thuật công thương (hạ tầng khu, cụm công nghiệp...) và ưu tiên nguồn vốn cho các dự án này.
Đề nghị xem xét điều chỉnh, bổ sung vào Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII nội dung: Trạm biến áp 220kV Phú Bình 2 và đường dây 220kV Phú Bình 2 rẽ Thái Nguyên - Bắc Giang có tiến độ vận hành vào giai đoạn 2025 - 2030. Bổ sung, cập nhật thông tin danh mục các dự án nguồn điện tại Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII.
Đề nghị Bộ Công Thương tiếp tục hướng dẫn triển khai, thực hiện Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 nhằm góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Thái Nguyên.
Quan tâm rà soát, kiểm tra, hướng dẫn địa phương và các doanh nghiệp trong hoạt động công nghiệp khai khoáng, chế biến khoáng sản. Đề nghị cho phép điều chỉnh vị trí đối với các cụm công nghiệp trong Quy hoạch tỉnh bị chồng lấn, nằm trong diện tích quy hoạch mỏ đã được xác định trong Quy hoạch tổng thể năng lượng và Quy hoạch khoáng sản.
Cho phép điều chỉnh, bổ sung cụm công nghiệp tại các địa phương có điều kiện thu hút đầu tư đối với diện tích đất công nghiệp được phân bổ trong Quy hoạch tỉnh từ các địa phương khó triển khai, thu hút đầu tư mà không làm tăng quỹ đất công nghiệp.
Quang cảnh buổi làm việc |
Tỉnh Thái Nguyên cũng đề nghị Bộ Công Thương tiếp tục triển khai các hoạt động trợ giúp các doanh nghiệp ứng phó hiệu quả với vụ việc Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) khởi xướng điều tra chống bán phá giá và chống trợ cấp với pin năng lượng mặt trời nhập khẩu từ Việt Nam.
Trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên có 3 doanh nghiệp sản xuất pin năng lượng mặt trời hoặc polysilicon ở Khu công nghiệp Yên Bình, bao gồm: Công ty TNHH Phát triển năng lượng Trina Solar, Công ty TNHH Trina Solar Wafer, Công ty TNHH Trina Solar Cell. Vụ việc điều tra của Hoa Kỳ có tác động rất lớn đến tình hình thực hiện các chỉ tiêu giá trị sản xuất công nghiệp, giá trị xuất khẩu hàng hóa của tỉnh Thái Nguyên (ước tính thâm hụt giảm vào giá trị xuất khẩu của tỉnh năm 2024 khoảng 850 triệu USD, kế hoạch xuất khẩu hàng hóa năm 2024 của tỉnh là 29,312 tỷ USD).
Đồng thời hỗ trợ, giới thiệu các thị trường xuất khẩu mới, thị trường thay thế đối với mặt hàng pin năng lượng để doanh nghiệp ổn định sản xuất và xuất khẩu, đóng góp vào phát triển chung của tỉnh.
Giới thiệu nhà đầu tư tiềm năng về lĩnh vực thương mại điện tử như Shopee, Lazada, Tiki… đầu tư kinh doanh tại tỉnh Thái Nguyên và kết nối với sàn thương mại điện tử các tỉnh, tạo cơ hội thúc đẩy tiêu thụ hàng hóa của địa phương, tạo việc làm và tăng chỉ số xếp hạng thương mại điện tử của tỉnh Thái Nguyên.
Trước những đề xuất trên, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cũng chỉ đạo các Vụ, Cục trực thuộc quan tâm hỗ trợ, đồng hành để sớm tháo gỡ những vướng mắc còn tồn tại cho địa phương.
Sáng cùng ngày, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên dẫn đầu Đoàn công tác Bộ Công Thương đã đến thăm, thị sát tình hình sản xuất kinh doanh tại Công ty Cổ phần Đầu tư và Thương mại TNG. Cùng dự có ông Lê Quang Tiến - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên. Lắng nghe doanh nghiệp thông tin về tình hình hoạt động, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên bày tỏ tự hào và ấn tượng với quy mô và những kết quả sản xuất, kinh doanh của công ty. Bộ trưởng biểu dương công ty đã đóng góp tích cực cho kinh tế tỉnh Thái Nguyên, giải quyết việc làm cho người lao động. Đồng thời cho rằng, doanh nghiệp đang thể hiện vai trò tiên phong trong chuyển đối số, chuyển đổi xanh, tận dụng rất tốt những hiệp định thương mại tự do, sản phẩm xuất khẩu đã đứng vững được ở các thị trường "khó tính". |