Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên làm việc với Thứ trưởng Bộ Phát triển, Công nghiệp, Thương mại và Dịch vụ Brazil
Trang thông tin Bộ trưởng và lãnh đạo Bộ Công Thương 17/07/2024 01:57
Tại Italia, bên lề Hội nghị Bộ trưởng Thương mại G7 mở rộng, Bộ trưởng Bộ Công Thương Việt Nam Nguyễn Hồng Diên đã có buổi làm việc song phương với Thứ trưởng Bộ Phát triển, Công nghiệp, Thương mại và Dịch vụ Brazil - ông Márcio Elias Rosa.
Cùng tham dự buổi làm việc còn có đại diện các đơn vị chức năng trong Bộ Công Thương.
Tại buổi làm việc với Thứ trưởng Márcio Elias Rosa, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đã chia sẻ thông tin tổng quan về tình hình kinh tế, thương mại giữa hai nước Việt Nam - Brazil |
Tại buổi làm việc song phương, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đã chia sẻ thông tin tổng quan về tình hình kinh tế, thương mại giữa hai nước. Theo Bộ trưởng, quan hệ hợp tác trong lĩnh vực kinh tế - thương mại giữa Việt Nam và Brazil trong những năm gần đây đã có những bước phát triển tốt đẹp, đặc biệt trong bối cảnh năm 2024 hai nước kỷ niệm 35 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao.
Năm 2023 vừa qua, kim ngạch thương mại hai nước đạt 7,1 tỷ USD, tăng 4,8% so với năm 2022. Như vậy sau 7 năm kể từ năm 2016 (đạt 3,05 tỷ USD), kim ngạch song phương đã đã tăng hơn gấp 2 lần và Brazil trở thành đối tác thương mại lớn thứ hai của Việt Nam tại khu vực châu Mỹ (chỉ sau Hoa Kỳ).
Cũng theo Bộ trưởng, Việt Nam đã và đang được gọi là “công xưởng của thế giới”, vì vậy, Việt Nam rất cần hợp tác với các quốc gia (nhất là các quốc gia giàu tiềm năng) để có nguồn cung ổn định về nguồn nhiên liệu, vật liệu cho sản xuất, xuất khẩu; hợp tác nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, đào tạo, cung ứng nguồn nhân lực chất lượng.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên khẳng định, Việt Nam và Brazil là hai nền kinh tế có tính bổ trợ cao và dư địa hợp tác phát triển kinh tế, thương mại giữa hai nước còn rất lớn bởi cả hai nước đều có lợi thế dân số đông và nhu cầu tiêu dùng đang tăng lên nhanh chóng. Dù vậy, hợp tác giữa hai nước vẫn còn những khó khăn, rào cản nhất định do khoảng cách địa lý, ngôn ngữ và phong tục tập quán khác biệt.
Để thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại phát triển, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên kiến nghị, đề xuất Brazil thúc đẩy việc khởi động đàm phán Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - MERCOSUR.
“Chúng tôi đánh giá một Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và MERCOSUR sẽ tạo bước đột phá quan trọng cho việc thúc đẩy thương mại và đầu tư giữa Việt Nam và Brazil nói riêng, cũng như Việt Nam và Khối Thị trường chung Nam Mỹ MERCOSUR nói chung.
Khi đó, Việt Nam có thể là cửa ngõ để Brazil tăng cường xuất khẩu hàng hoá vào các nước ASEAN và Châu Á - Thái Bình Dương, và thông qua Việt Nam, có thể thâm nhập đến khu vực thị trường rộng lớn mà Việt Nam có quan hệ FTA.
Ở chiều ngược lại Brazil, với vai trò là đầu tàu kinh tế của khu vực Mỹ Latinh, sẽ là cầu nối để Việt Nam thâm nhập thị trường MERCOSUR và cũng là nơi có khả năng cung cấp nguồn nguyên liệu đầu vào cho các ngành sản xuất, xuất khẩu của Việt Nam” - Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên phân tích.
Thứ trưởng Márcio Elias Rosa bày tỏ ấn tượng về tốc độ tăng trưởng của Việt Nam cũng như quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, với việc đã ký kết 16 Hiệp định thương mại tự do (FTA) |
Về phần mình, Thứ trưởng Márcio Elias Rosa đánh giá cao những đề xuất, chia sẻ của Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, đồng thời bày tỏ ấn tượng về tốc độ tăng trưởng của Việt Nam cũng như quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, với việc đã ký kết 16 Hiệp định thương mại tự do (FTA).
Thứ trưởng Márcio Elias Rosa cho rằng, Việt Nam đang là điểm đến hấp dẫn về kinh tế, thương mại và du lịch, cũng như kết nối các chuỗi cung ứng, sản xuất chất bán dẫn và dịch vụ hậu cần. Việc đề xuất thiết lập đường bay thẳng giữa Brazil và Việt Nam sẽ góp phần tăng cường trao đổi thương mại giữa hai nước nói riêng và các nước trong khu vực Đông Nam Á, khu vực Mỹ Latinh nói chung. Hiện nay, Brazil quan tâm thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, công nghệ cao, đặc biệt là công nghiệp bán dẫn và năng lượng sạch tái tạo, do vậy, kỳ vọng doanh nghiệp Việt Nam quan tâm, tìm hiểu để mở rộng hợp tác đầu tư.
Liên quan đến FTA Việt Nam - MERCOSUR, Thứ trưởng Márcio Elias Rosa cũng cho biết, Brazil sẽ nỗ lực để thúc đẩy ký kết Hiệp định, tạo thêm xung lực mới cho quan hệ thương mại hai nước.
Một số thành viên trong Đoàn công tác của Việt Nam tham gia buổi làm việc song phương giữa Bộ trưởng Bộ Công Thương Việt Nam Nguyễn Hồng Diên và Thứ trưởng Bộ Phát triển, Công nghiệp, Thương mại và Dịch vụ Brazil Márcio Elias Rosa |
Một số thành viên trong Đoàn công tác của Brazil tham gia buổi làm việc song phương giữa Thứ trưởng Bộ Phát triển, Công nghiệp, Thương mại và Dịch vụ Brazil Márcio Elias Rosa và Bộ trưởng Bộ Công Thương Việt Nam Nguyễn Hồng Diên và |
Bộ trưởng Bộ Công Thương Việt Nam Nguyễn Hồng Diên và Thứ trưởng Bộ Phát triển, Công nghiệp, Thương mại và Dịch vụ Brazil Márcio Elias Rosa |
Cũng trong buổi làm việc, nhằm tháo gỡ khó khăn và thúc đẩy doanh nghiệp trong thương mại song phương, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đã đề xuất 3 giải pháp:
Một là, hai Bên tích cực trao đổi và nghiên cứu khả năng đàm phán và ký kết các biên bản, thỏa thuận hợp tác trong các lĩnh vực mà hai bên cùng quan tâm.
Hai là, bên cạnh hợp tác thương mại, trong thời gian tới hai Bên xem xét khả năng hợp tác phát triển các ngành công nghiệp chế biến, nông nghiệp công nghệ cao, năng lượng, công nghiệp xe ô tô...
Ba là, để nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, kết nối với chuỗi cung ứng toàn cầu trong kỷ nguyên chuyển đổi xanh và chuyển đổi số, chúng ta cần chú trọng hợp tác phát triển một số ngành mang tính đột phá, phù hợp với xu thế quốc tế như công nghệ xanh, sử dụng năng lượng mới, các lĩnh vực kinh tế số với hàm lượng công nghệ cao, thương mại điện tử v.v…
Nhân dịp này, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cũng đề nghị phía Brazil sớm công nhận quy chế kinh tế thị trường cho Việt Nam để tạo điều kiện thuận lợi cho việc đa dạng hóa các mặt hàng xuất nhập khẩu; đồng thời gỡ bỏ một số rào cản thương mại cho hàng xuất khẩu của Việt Nam (như việc cấm nhập khẩu đối với sản phẩm cá rô phi hoặc các điều kiện thương mại áp dụng cho sản phẩm cá tra của Việt Nam...).