Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên: Định hướng phát triển đưa Quảng Nam trở thành động lực phát triển của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung
Tin hoạt động 27/07/2022 11:09
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên yêu cầu lực lượng Quản lý thị trường quán triệt 6 nhiệm vụ lớn |
Quảng Nam có nhiều thế mạnh để phát triển nhanh bền vững
Tại buổi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Nam vào sáng nay 27.7, sau khi nghe Bí thư Tỉnh uỷ Quảng Nam Phan Việt Cường báo cáo tình hình thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XXII, các Nghị quyết chuyên đề của Quốc hội, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đã đưa ra những định hướng phát triển đưa Quảng Nam trở thành động lực phát triển của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung.
Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Nam |
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhận định, Quảng Nam có vai trò, vị trí quan trọng và nhiều tiềm năng, thế mạnh để phát triển nhanh, bền vững: diện tích đứng thứ 6 cả nước, dân số 1,5 triệu người đứng thứ 3 vùng duyên hải Nam Trung Bộ và thứ 18 cả nước; có cảng biển, cảng hàng không, đường biên giới và đường bờ biển dài, có 3 di sản văn hóa thế giới (cả nước có 5 di sản văn hóa)…Thời gian qua, phát triển kinh tế của tỉnh đã khai thác khá tốt các tiềm năng, lợi thế.
Quảng Nam đạt được những kết quả nhất định, thứ nhất về quy mô và tốc độ tăng trưởng gắn với cơ cấu lại nền kinh tế được thực hiện hiệu quả: đến năm 2021 GRDP đứng thứ 18 cả nước về quy mô và 31 cả nước về tốc độ tăng (tăng hơn 5% - cả nước tăng 2,58%), xếp thứ 2 vùng kinh tế trọng điểm miền trung. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tích cực: khu vực nông nghiệp chiếm 14%; Công nghiệp và xây dựng chiếm 34,7% trong đó công nghiệp chiếm 28,4%; thương mại - dịch vụ chiếm 32,8%.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho rằng thời gian qua, tỉnh Quảng Nam đã khai thác khá tốt các tiềm năng, lợi thế để phát triển kinh tế |
Thứ hai, sản xuất công nghiệp tăng trưởng khá và là động lực quan trọng trong phát triển kinh tế năm 2021 chỉ số phát triển sản xuất IIP tăng 4,8% (cả nước tăng 4,8%) xếp thứ 39 cả nước, thứ 11 vùng Bắc trung bộ và Duyên hải miền Trung. Tỉnh đã thu hút được một số dự án có tính động lực phát triển theo chuỗi, điển hình là khu Kinh tế mở Chu Lai đóng góp bình quân 65% tổng thu ngân sách của tỉnh, nổi bật là Khu liên hợp cơ khí ô tô Chu Lai - Trường Hải…
Thứ ba, hoạt động thương mại, dịch vụ ngày càng phát triển: Năm 2021 kim ngạch xuất khẩu tăng 34% (cả nước tăng 19%) xếp thứ 27 cả nước và thứ 5 vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng 1,2% (cả nước giảm 3,8%) xếp thứ 46 và thứ 12 của vùng. Hạ tầng thương mại giai đoạn vừa qua tăng cao hơn mức tăng bình quân cả nước siêu thị tăng 24,6 (cả nước tăng 6,9%), chợ tăng 19%.
Về 6 tháng năm 2022, tăng trưởng kinh tế phục hồi tích cực, GRDP tăng 12,8% (cả nước tăng 6,42%) thuộc nhóm 4 tỉnh có mức tăng cao nhất cả nước và đứng thứ 2 các tỉnh vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung; các chỉ tiêu về công nghiệp và thương mại đều tăng trưởng cao trên hai con số, cao hơn mức tăng chung của cả nước đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế của tỉnh.
Những điểm nghẽn hạn chế sự phát triển
Bên cạnh những kết quả đạt được, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đã chỉ ra những khó khăn, hạn chế của tỉnh Quảng Nam.
Một là, động lực tăng trưởng còn hạn chế, nguồn thu ngân sách phụ thuộc vào một số lĩnh vực trong sản xuất công nghiệp quan trọng như ô tô, thủy điện... nên còn bấp bênh, khó lường.
Hai là, tỉnh có dung lượng thị trường khá lớn (dân số đứng thứ 18 cả nước) nhưng khai thác tiềm năng sức mua còn chưa tương xứng (tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ 2021 đứng thứ 46 trên cả nước). Chưa khai thác hiệu quả việc gắn tiêu thụ hàng hóa và xuất khẩu hàng hóa tại chỗ phục vụ khách du lịch trong và ngoài nước trên địa bàn. Cơ cấu mặt hàng xuất khẩu của tỉnh đơn điệu ít sản phẩm có thương hiệu, chưa kết nối thông suốt từ khâu sản xuất đến tiêu thụ.
Ba là, sự gia tăng các hoạt động sản xuất công nghiệp và hoạt động du lịch là hai lĩnh vực thế mạnh của tỉnh song đang có một số tác động đến môi trường.
Bốn là, hạ tầng đã được cải thiện những vẫn chưa thu hút đầu tư hiệu quả trong bối cảnh mới (hạ tầng khu công nghiệp, khu kinh tế, giao thông, logistics,…).
Năm là, chênh lệch phát triển rõ rệt giữa hai vùng phía Tây và Đông. Kết nối chưa hiệu quả với các địa phương lân cận để có thể hình thành chuỗi giá trị sản xuất, đưa Quảng Nam trở thành khu kinh tế động lực trong vùng
“Quảng Nam chưa có quy hoạch đồng bộ, hạ tầng giao thông nhất là hạ tầng giao thông kết nối chưa được đầu tư tương xứng, thiếu nguồn lực đầu tư (nhất là thiếu cơ chế huy động vốn, đất đai…), chất lượng nguồn nhân lực còn hạn chế, là tỉnh có diện tích rộng, nhiều huyện miền núi còn khó khăn 6/15 huyện… vì vậy việc thu hút đầu tư trong phát triển còn hạn chế”, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên bày tỏ.
Đưa Quảng Nam thành động lực phát triển của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung
Về định hướng, giải pháp phát triển trong thời gian tới, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đề nghị tỉnh quan tâm chỉ đạo rà soát xây dựng các chiến lược, đề án, kế hoạch phát triển công nghiệp và thương mại; rà soát, đánh giá lại quy hoạch, tiến độ, hiệu quả đầu tư hạ tầng, tỷ lệ lấp đầy của các khu, cụm công nghiệp để đề xuất quy hoạch mới các khu, cụm công nghiệp phù hợp với thực tế tích hợp vào quy hoạch tỉnh.
Quá trình quy hoạch tỉnh cần nghiên cứu để đồng bộ với Quy hoạch tổng thể Quốc gia, Quy hoạch Vùng Bắc Trung Bộ và Duyên Hải miền Trung và Quy hoạch ngành quốc gia (trong lĩnh vực công thương có quy hoạch năng lượng, quy hoạch điện, hạ tầng cung ứng xăng dầu, khí và quy hoạch khoáng sản), kịp thời tích hợp trước khi trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo là trung tâm với các ngành đang có lợi thế như: Cơ khí, ô tô, công nghiệp hỗ trợ, máy nông nghiệp, hóa chất… và mạnh về kinh tế biển (dịch vụ cảng biển, du lịch..) đưa tỉnh trở thành động lực phát triển của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung. Nghiên cứu xây dựng Chương trình kết nối hiệu quả các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong tỉnh cũng như các tỉnh lân cận hình thành chuỗi giá trị sản xuất, tạo nên hệ sinh thái công nghiệp cơ khí, ô tô, công nghiệp hỗ trợ… đầu tàu của cả nước, tạo lan tỏa sang các tỉnh trong khu vực. Tập trung tăng tỷ trọng nội địa trong các sản phẩm công nghiệp.
Quảng Nam cần phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo là trung tâm với các ngành đang có lợi thế như: cơ khí, ô tô, công nghiệp hỗ trợ, máy nông nghiệp, hóa chất… và mạnh về kinh tế biển đưa tỉnh trở thành động lực phát triển của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung |
Quan tâm đầu tư cho vùng phía Tây (trung du và miền núi) để rút ngắn chênh lệch trong phát triển giữa hai vùng Đông - Tây. Đẩy mạnh phát triển công nghiệp chế biến vùng phía Tây có lợi thế: nông, lâm sản, dược liệu gắn với vùng nguyên liệu để hình thành chuỗi giá trị sản phẩm khép kín nhằm tạo sản phẩm mới cho thị trường trong nước và xuất khẩu.
Về thu hút đầu tư: Chủ động tạo quỹ đất sạch, quy mô đủ lớn để thu hút các nhà đầu tư lớn phát triển theo chuỗi, khép kín, sản xuất sạch. Hỗ trợ các nhà đầu tư hoạt động kinh doanh có hiệu quả tiếp tục nghiên cứu, tái đầu tư và mở rộng đầu tư trên địa bàn tỉnh. Chú trọng thu hút đầu tư hạ tầng logistics, kho, bãi tạo thuận lợi để phát triển khu kinh tế cửa khẩu Nam Giang góp phần giải quyết nhu cầu xuất nhập khẩu hàng hóa, đặc biệt là hàng nông sản, trái cây… có cơ chế chính sách đủ mạnh, hấp dẫn để thu hút đầu tư vào Khu Kinh tế mở Chu Lai và Khu Kinh tế cửa khẩu Nam Giang nhằm khai thác tiềm năng và thế mạnh hành lang Kinh tế Đông Tây.
Trong lĩnh vực thương mại: Xây dựng đề án phát triển thương mại hàng hóa gắn với du lịch; nghiên cứu quy hoạch các tuyến phố thúc đẩy phát triển kinh tế ban đêm. Chủ động xây dựng kế hoạch xúc tiến thương mại phù hợp với nhu cầu và năng lực xúc tiến thương mại của doanh nghiệp địa phương, đẩy mạnh chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin trong xúc tiến thương mại. Chú trọng xây dựng thương hiệu sản phẩm, khai thác cơ hội các FTA để đẩy mạnh xuất khẩu. Chú trọng kích cầu tiêu dùng để khai thác tiềm năng sức mua của tỉnh.
Đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực cao để cung cấp không những cho tỉnh mà còn cho vùng. Rà soát, điều chỉnh, quy hoạch lại hệ thống đào tạo và giáo dục nghề nghiệp, đào tạo cần kết hợp với thực hành, gắn với nhu cầu và mục tiêu phát triển.
Tháng 3/2022 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã làm việc với Quảng Nam và có thông báo kết luận số 135/TB-VPCP, trong đó có giao tỉnh Quảng Nam phối hợp với các Bộ, ngành, trong đó có Bộ Công Thương: Xây dựng Đề án thí điểm cơ chế khuyến khích hợp tác liên kết sản xuất theo cụm, ngành công nghiệp phụ trợ và công nghiệp cơ khí tại Khu kinh tế mở Chu Lai; đề án phát triển hình thành Trung tâm công nghiệp chế biến sâu các sản phẩm Silica trình các cơ quan có thẩm quyền trong quý III, hiện tỉnh đang phối hợp triển khai xây dựng thì cần quan tâm làm tốt hơn các công việc này..