Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên: Tập trung 6 giải pháp phát triển nguồn nhân lực bắt kịp đòi hỏi công nghiệp hoá |
Tham dự cuộc họp có đại diện Bộ Công an, Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam, đại diện các đơn vị trực thuộc bộ và toàn bộ các Cục Quản lý thị trường trong cả nước.
Nỗ lực của cả hệ thống chính trị vì sự ổn định của vật tư chiến lược
Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho rằng: Xăng dầu là vật tư chiến lược đối với mọi quốc gia. Vì là mặt hàng chiến lược nên các nước quy định đây là mặt hàng kinh doanh có điều kiện, có quy định rõ ràng về mặt pháp luật, có tổ chức thành hệ thống về quản lý, cung ứng kinh doanh xăng dầu trên phạm vi từng lãnh thổ.
Thời gian vừa qua, lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, bộ ngành và địa phương đặc biệt là Bộ Công Thương và UBND các tỉnh, thành phố đã tham mưu, ban hành các quy định, triển khai thực hiện quản lý, điều hành giá xăng dầu nghiêm túc và đồng bộ. Cho nên, có thể khẳng định thị trường xăng dầu của Việt Nam được đánh giá là ổn định hơn so với tất cả các nước trong khu vực và thế giới. Điều đó cũng được thể hiện được khi nguồn cung của Việt Nam ngay cả trong lúc khó khăn nhất của thế giới cũng chưa khi nào thiếu nguồn cung trong nước, nguồn cung cho nhu cầu sản xuất và đời sống của người dân.
Đồng thời, giá cả về cơ bản giữ được mức ổn định và bao giờ cũng thấp hơn so với khu vực và thế giới. Sở dĩ chúng ta làm được điều này là do chúng ta đã sử dụng tốt các công cụ quản lý giá như: Điều tiết các khoản thuế phù hợp, điều chỉnh thuế về bảo vệ môi trường, sử dụng hiệu quả quỹ bình ổn xăng dầu. Có những địa phương, có thời điểm còn sử dụng cả quỹ an sinh để bảo đảm cho tình hình cung ứng và kinh doanh xăng dầu giữ ở mức ổn định.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên phát biểu tại hội nghị |
Bộ trưởng cũng cho biết, từ 5 kỳ điều hành gần đây, một mặt do áp lực giá xăng dầu thế giới giảm dần, tất nhiên xu hướng có giảm nữa hay giữ ở mức này hay không cũng chưa ai có thể nói trước được. Nhưng rõ ràng xu thế của thế giới là có giảm và chững lại trong một vài tuần qua. Tuy nhiên, trong nước, Bộ Công Thương cùng các bộ ngành có liên quan đã tham mưu cho cấp có thẩm quyền điều chỉnh giảm một số sắc thuế, trước hết là giảm thuế bảo vệ môi trường, từ mức 2.000 đồng bình quân giảm tiếp 1.000 đồng trong thẩm quyền của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Như vậy, ít nhất Việt Nam cũng đã giảm được 3/4 thuế bảo vệ môi trường. Còn 1/4 vẫn giữ ở mức đó. Đây là thẩm quyền của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét ở thời điểm nào đó tùy theo diễn biến tình hình của thị trường xăng dầu.
Đối với thẩm quyền của Chính phủ, Chính phủ cũng đã quyết định giảm thuế nhập khẩu đối với xăng dầu. Đó là thuế MFN. Đối với các khu vực ASEAN thì đã hưởng biểu thuế ưu đãi ở mức khoảng 10- 12 % từ lâu và gần đây đã giảm xuống mức 8 %. Hiện đối với các các nước không nằm trong khu vực này, trước thời điểm đầu tháng 8 vừa qua vẫn phải áp ở cái mức khoảng 20 đến 25%. Song đến bây giờ tất cả các sắc thuế nhập khẩu xăng dầu ở tất cả các thị trường còn lại của khu vực ASEAN cũng chỉ còn ngưỡng 10%. Như vậy, giảm những thuế này, chúng ta sẽ có đa dạng các nguồn cung.
"Nếu như trước đây Việt Nam băn khoăn chỉ có nguồn cung ở ASEAN tại một vài nước cụ thể thì bây giờ nguồn cũng đa dạng hơn, ở nhiều châu lục, nhất là những khu vực được xem như là trọng điểm về nguồn cung xăng dầu trên thế giới. Bộ Tài chính cũng đã đồng hành cùng Bộ Công Thương tiếp tục tham mưu cho Quốc hội và Chính phủ xem xét để có thể giảm những loại thuế khác. Ví dụ như thuế tiêu thụ đặc biệt. Bộ Công Thương, Bộ Tài chính và các bộ, ngành liên quan đã điều hành và sử dụng một cách rất hiệu quả đến Quỹ bình ổn xăng dầu"- Bộ trưởng khẳng định.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho rằng: Trong 5 tuần vừa qua giá xăng dầu chúng ta liên tục điều chỉnh giảm và đến thời điểm mới điều hành cách đây mấy ngày thì tiếp tục giảm. Như vậy đây là thành quả rất lớn, thể hiện chủ trương rất đúng của Đảng, Nhà nước và là sự nỗ lực rất cao của các bộ, ngành chức năng, của cấp ủy, chính quyền các địa phương, hệ thống kinh doanh xăng dầu. Chúng ta cũng phải đánh giá rất là cao vai trò của Hiệp hội Xăng dầu, vai trò của các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước trong lĩnh vực xăng dầu, nhất là những tập đoàn, những doanh nghiệp làm ăn chân chính trong lĩnh vực này. Chúng ta đã góp phần làm cho thị trường xăng dầu ổn định, nguồn cung không đứt gãy, giá cả hợp lý và theo đúng cái chỉ đạo, định hướng của Đảng, của Nhà nước.
Những ý kiến bất thường, không đúng sự thật
Tuy nhiên, người đứng đầu Bộ Công Thương cho biết mấy ngày gần đây, đặc biệt sau khi buộc phải tạm đình chỉ hoạt động xuất nhập khẩu xăng dầu của một số doanh nghiệp có chức năng nhập khẩu xăng dầu của các đoàn thanh tra thuộc Bộ Công Thương thì lại xuất hiện những thông tin trên mạng xã hội. Đồng thời xuất hiện thông tin từ một số địa phương, thậm chí cả các cơ quan quản lý cho đến các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu cho rằng bị thiếu hụt nguồn cung bởi hai lý do.
Lý do thứ nhất là do một số cái doanh nghiệp vừa qua đã bị tước tạm thời giấy phép nhập khẩu xăng dầu bởi vì đã vi phạm các quy định của luật hiện hành. Trong số các quy định đó thì có những quy định là phải nhập khẩu thường xuyên thì không nhập. Chính vì làm trái quy định không nhập cho nên phải tạm rút. Song lại lấy lý do là vì doanh nghiệp bị tạm rút cho nên bị thiếu.
Lý do thứ 2 được đưa ra để cho rằng thiếu nguồn cung là do chiết khấu bằng không cho nên không có nguồn và người bán lẻ, người kinh doanh thì càng bán càng lỗ. Bộ trưởng cho rằng đây là điều hết sức không bình thường. Bởi vì giá xăng dầu, kể cả giá bán buôn và bán lẻ đang có xu hướng giảm, giảm do xu thế của thế giới giảm nhưng nguyên nhân chính là do Chính phủ và các bộ ngành đã chỉ đạo sử dụng các công cụ thuế và quỹ bình ổn để điều tiết giá xăng dầu giảm.
Cái tốt phải được bảo vệ, sự vi phạm phải bị đấu tranh và triệt tiêu
"Trong lúc giảm mà lại bảo thiếu nguồn cung. Thế giới đang cần bán, bán với giá rẻ, Việt Nam thì giảm thuế nên giá cũng rẻ. Như vậy, nguồn cung của thế giới này đang dồi dào, nguồn cung trong nước lúc này cũng không thiếu. Vậy nhưng lại có thông tin cho rằng đang đứt gãy nguồn cung thì hết sức phi lý"- Bộ trưởng nhấn mạnh.
Bộ trưởng cũng cho rằng, một điều phi lý nữa là một số doanh nghiệp chứ chưa phải là tất cả, trong số các doanh nghiệp có chức năng nhập khẩu xăng dầu vì vi phạm các quy định của pháp luật, trong đó có quy định không có hoạt động xuất nhập trong thời gian nào đó thì sẽ bị xử lý. Hình thức thấp nhất là là cảnh cáo, phạt tiền cao hơn là tạm đình chỉ và cao hơn nữa là đình chỉ vĩnh viễn. Một số doanh nghiệp vừa qua đi tạm đình chỉ trong thời gian một tháng rưỡi, hai tháng đều là những doanh nghiệp vi phạm các quy định hiện hành của pháp luật.
"Chúng ta phải nói thẳng là vi phạm pháp luật mà đã vi phạm thì bị xử lý là chuyện đương nhiên. Bằng chứng là chúng ta đã tạm tước giấy phép trong thời gian gần 1,5 tháng thì thị trường có vấn đề gì không? Mà tại sao trong hai ngày qua thì lại rộ lên cho rằng thiếu nguồn cung. Nếu chúng ta không phân biệt rạch ròi thông tin, không phân biệt đâu đúng, đâu sai vô hình trung chúng ta làm hỏng thị trường, làm hỏng tình hình, vô hình trung tiếp tay cho những hoạt động phát sinh" - Bộ trưởng Bộ Công Thương nhận định.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết thêm: "Hơn thế nữa, ngay từ tháng 4, Bộ đã chủ động giao tăng thêm cho những doanh nghiệp làm ăn chân chính, những doanh nghiệp có khả năng nhập khẩu để cung ứng đầy đủ cho sự thiếu hụt của nguồn cung tại một số nhà máy lọc hóa dầu như Nghi Sơn, lượng tăng thêm lên tới 25%. Như vậy, chúng ta khẳng định với chỉ đạo, điều hành, lượng dự trữ xăng dầu, khả năng cung ứng nguồn cung ứng xăng dầu từ trong nước qua hai nhà máy Bình Sơn và Nghi Sơn thì chúng ta khẳng định đến thời điểm này và từ nay cho đến hết năm không bao giờ thiếu nguồn cung. Nếu có thiếu nguồn cung rõ ràng đó là những hiện tượng không bình thường và cần phải xử lý".
Trước tình hình này, ngay sau chuyến công tác từ Nhật Bản trở về tối 25/8, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cũng đã kịp thời xử lý tình hình, báo cáo với Thủ tướng và phản ánh tới các cơ quan chức năng để phối hợp giải quyết. Bộ trưởng cũng quán triệt thông qua hội nghị quan trọng này, các cơ quan cùng nhau đánh giá, nhận diện tình hình, cùng nhau vào cuộc, kịp thời chấn chỉnh, để cái tốt phải được bảo vệ, các hành vi vi phạm pháp luật phải bị đấu tranh và triệt tiêu.