Bộ Công Thương vừa ra thông báo số 278/TB-BCT, nêu rõ ý kiến chỉ đạo của Bộ Trưởng Nguyễn Hồng Diên về công tác xây dựng pháp luật và kiện toàn tổ chức pháp chế ngành Công Thương.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên. (Ảnh: Cấn Dũng) |
Theo đó, Bộ trưởng yêu cầu người đứng đầu các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Công Thương chủ động xây dựng kế hoạch triển khai, bố trí, đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển, quy hoạch nhân lực có chất lượng; đồng thời tập trung nguồn lực cho công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế, bảo đảm công tác được tổ chức, vận hành theo đúng chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước, đúng theo quan điểm chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và chỉ đạo của Ban cán sự đảng, Lãnh đạo Bộ.
Đồng thời, các cơ quan, đơn vị trong Bộ được yêu cầu tiếp tục rà soát và tham mưu với lãnh đạo Bộ để chỉ đạo củng cố, kiện toàn tổ chức và nâng cao chất lượng hoạt động của các tổ chức pháp chế trong đơn vị mình; đồng thời chú trọng thực hiện các giải pháp để bảo đảm các tổ chức pháp chế hoạt động hiệu quả. Chủ động báo cáo Bộ trưởng, Lãnh đạo Bộ phụ trách để xem xét, quyết định các nội dung phức tạp, quan trọng và tổ chức triển khai có hiệu quả, đúng tiến độ theo các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật có tính chất quan trọng, nhất là trong các lĩnh vực điện, xăng dầu, thương mại, phòng vệ thương mại...
Về phía Vụ Pháp chế, Bộ trưởng yêu cầu Vụ tập trung đôn đốc, hỗ trợ việc hoàn thành, bảo đảm tiến độ trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các cấp có thẩm quyền các văn bản quy phạm pháp luật theo Nghị quyết 129/2024/QH15 về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025 của Quốc hội sửa đổi, bổ sung Chương trình năm 2024; Chương trình công tác của Chính phủ và Chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật của Bộ năm 2024.
Đồng thời, Vụ Pháp chế được yêu cầu phối hợp với các đơn vị liên quan để xây dựng Đề án củng cố, kiện toàn bộ máy, nhân lực, chức năng, nhiệm vụ và chế độ, chính sách của các tổ chức pháp chế ngành Công Thương giai đoạn từ nay đến 2030; Đề án nâng cao hiệu quả và năng lực thực thi pháp luật liên quan đến xử lý vi phạm hành chính của ngành Công Thương giai đoạn 2025 - 2030; và Đề án nâng cao nhận thức, năng lực của công chức trong ngành Công Thương đối với công tác phòng ngừa, xử lý, giải quyết tranh chấp quốc tế trong thương mại, đầu tư trong lĩnh vực Công Thương.
Trong vai trò đầu mối, Vụ Pháp chế, cùng các đơn vị liên quan được yêu cầu xây dựng Đề án tổng kết việc thực hiện Quyết định số 2114/QĐ-TTg ngày 16/12/2022 của Thủ tướng Chính phủ. Đồng thời, căn cứ vào văn kiện Đại hội XIV của Đảng, Nghị quyết số 27-NQ/TW và các nghị quyết, kết luận của Bộ Chính trị, Ban bí thư để đề xuất xây dựng, hoàn thiện thể chế ở cấp Luật, pháp lệnh, Nghị quyết của Quốc hội trong các lĩnh vực quản lý của Bộ Công Thương giai đoạn 2026 — 2030; đảm bảo báo cáo Bộ trưởng để trình cấp có thẩm quyền trong năm 2025.
Đối với Cục Hóa chất, Cục Điều tiết điện lực, Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp, Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững, Bộ trưởng yêu cầu các đơn vị phối hợp với Vụ Pháp chế để thường xuyên báo cáo Bộ trưởng, Lãnh đạo Bộ phụ trách xem xét, chỉ đạo các nội dung liên quan, trong quá trình Quốc hội thẩm tra Dự án Luật Hóa chất (sửa đổi) và Luật Điện lực (sửa đổi) trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8 tới đây.
Về phía Cục Công nghiệp, Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững; Bộ trưởng yêu cầu các đơn vị này khẩn trương hoàn thiện hồ sơ đề nghị xây dựng dự án Luật Sản xuất sản phẩm công nghiệp trọng điểm và Luật sửa đổi, bổ sung Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả theo tinh thần Quyết định số 2114/QĐ-TTg ngày 16 tháng 12 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ về Ban hành Kế hoạch thực hiện Kết luận số 19-KL/TW của Bộ Chính trị và Đề án Định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV.