Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên: “Bộ Công Thương tiếp tục đổi mới - Vươn tới đỉnh cao”
Chỉ đạo điều hành 27/01/2023 10:16
Sáng 27/1 (mùng 6 Tết), đồng chí Nguyễn Hồng Diên - Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Công Thương - đã chủ trì buổi giao ban đầu Xuân Quý Mão 2023.
Các lãnh đạo Bộ tại buổi giao ban đầu năm |
Thực hiện tốt công tác tổ chức Tết Quý Mão 2023
Tóm tắt tình hình thực hiện công tác tổ chức Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 và các nhiệm vụ trọng tâm cần tập trung triển khai sau Tết do Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng báo cáo tại buổi giao ban cho thấy, triển khai thực hiện Chỉ thị số 19-CT/TW ngày 18/11/2022 của Ban Bí thư và Chỉ thị số 22/CT-TTg ngày 23/12/2022 của Thủ tướng Chính phủ về tổ chức đón Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, Bộ Công Thương đã kịp thời ban hành 04 chỉ thị, công điện và các văn bản chỉ đạo các địa phương, tập đoàn, tổng công ty, hiệp hội doanh nghiệp và các đơn vị liên quan xây dựng kế hoạch phục vụ Tết.
Thứ trưởng Phan Thị Thắng báo cáo tóm tắt tình hình thực hiện công tác tổ chức Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 và các nhiệm vụ trọng tâm cần tập trung triển khai sau dịp Tết |
Trong đó, tập trung vào việc chủ động chuẩn bị tốt nguồn hàng và các phương án cung ứng hàng hóa; triển khai chương trình bình ổn thị trường, nhất là các mặt hàng thiết yếu để đáp ứng đủ nhu cầu của người dân trong những tháng cuối năm và dịp Tết Nguyên đán, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, sốt giá. Đồng thời, đẩy mạnh triển khai các hoạt động thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, các chương trình kích cầu tiêu dùng, đưa hàng Việt về nông thôn, miền núi, hải đảo; tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, chống buôn lậu, gian lận thương mại; bảo đảm an toàn thực phẩm, an toàn phòng chống cháy nổ, an ninh trật tự dịp trước, trong và sau tết Nguyên đán Quý Mão 2023.
Bên cạnh đó, các đồng chí Lãnh đạo Bộ đã tổ chức nhiều buổi làm việc trực tiếp với các đơn vị, doanh nghiệp để kiểm tra, chỉ đạo việc bảo đảm nguồn cung xăng dầu, cung cấp điện dịp Tết Nguyên đán và sau Tết, không để thiếu điện, xăng dầu trong mọi tình huống, phục vụ người dân đón Tết vui Xuân vui tươi, an toàn.
Kết quả, các mặt hàng phục vụ Tết năm nay khá đa dạng, phong phú; nguồn cung dồi dào (tại các siêu thị, trung tâm thương mại, nguồn hàng được chuẩn bị tăng lên 20-30% so với ngày thường, trong đó hàng Việt Nam chiếm tỷ lệ khá lớn được nhiều người lựa chọn do giá cả phù hợp, hình thức đa dạng, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng). Sức mua của người dân trong dịp Tết tăng khoảng 8-10% so với tháng thường và tăng tương đương so với dịp Tết năm trước, chủ yếu tập trung vào các mặt hàng lương thực, thực phẩm, hàng hóa thiết yếu phục vụ nhu cầu tiêu dùng hàng ngày và trong dịp Tết.
“Mặt bằng giá các mặt hàng phục vụ Tết nhìn chung tương đối ổn định, giá nhiều mặt hàng ở mức tương đương hoặc thấp hơn so với cùng kỳ năm trước, chỉ có một số mặt hàng thực phẩm tươi sống, thủy hải sản, rau xanh, bánh kẹo, đồ uống... trong những ngày cận Tết tăng nhẹ so với với ngày thường (khoảng 5-7%) do nhu cầu người dân tăng cao” – Thứ trưởng Phan Thị Thắng nêu rõ.
Dự kiến sau ngày mùng 6 Tết, các hoạt động buôn bán kinh doanh trở lại bình thường, mặt bằng giá các mặt hàng thực phẩm tươi sống sẽ giảm trở lại về mức tương đương như ngày thường.
Nhìn chung, thị trường hàng hóa đáp ứng đủ nhu cầu của nhân dân trong dịp Tết Nguyên đán, giá cả một số mặt hàng thiết yếu có tăng, giảm phù hợp với quy luật cung cầu của thị trường nhưng không có hiện tượng mất cân đối cung cầu, gây tăng giá bất thường.
Đặc biệt, với mặt hàng điện, các nhà máy điện vận hành tương đối ổn định. Hệ thống điện luôn đảm bảo dự phòng cao. Trên lưới điện phân phối xảy ra một số sự cố nhỏ ở lưới điện trung áp nhưng đã kịp thời xử lý để khôi phục cung cấp điện cho phụ tải. Các Tổng công ty Điện lực cung ứng điện an toàn, ổn định đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của nhân dân trong dịp nghỉ Tết Nguyên đán năm 2023.
Các Tập đoàn, Tổng Công ty trong ngành đã thực hiện tốt các công việc rà soát, củng cố, tăng cường công tác an toàn phòng, chống cháy nổ và an toàn lao động trong dịp Tết, không có sự cố xảy ra.
Tăng cường kiểm tra, kiểm soát và bình ổn thị trường
Như thường lệ, tình hình buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa ở khu vực biên giới, nhất là tuyến đường biển, đường hàng không và tình hình sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng, vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm trong dịp trước Tết Nguyên đán có nhiều diễn biến phức tạp. Tuy nhiên, các lực lượng chức năng, trong đó có lực lượng quản lý thị trường đã tăng cường kiểm tra, kiểm soát và xử lý kịp thời các đối tượng vi phạm, nhiều lô hàng vi phạm về an toàn thực phẩm có giá trị lớn đã bị bắt giữ, tiêu hủy.
Thứ trưởng Phan Thị Thắng nhấn mạnh: “Qua báo cáo nhanh của lực lượng quản lý thị trường, trong các ngày nghỉ Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, không phát hiện những diễn biến bất thường, nổi cộm về buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả”.
Đối với mặt hàng xăng dầu, cơ bản hoạt động kinh doanh xăng dầu trên cả nước diễn ra bình thường, nguồn cung được bảo đảm, đáp ứng đủ nhu cầu của người tiêu dùng, không có hiện tượng đầu cơ, găm hàng hay tăng giá đột biến.
Tuy nhiên, qua công tác kiểm tra, giám sát, lực lượng quản lý thị trường đã phát hiện có một số ít cửa hàng kinh doanh xăng dầu tại một số địa phương tạm dừng bán hàng do chưa kịp nhập hàng, hàng về chậm, hoặc nhân viên nghỉ tết chưa bố trí trực; có cửa hàng nghỉ bán hàng có lý do đã được sự cho phép của Sở Công Thương (xảy ra tại một số địa phương như: Hà Giang, Hà Tĩnh, Bình Phước, Thừa Thiên Huế, Thái Bình, Hà Nội, Hưng Yên, TP. Hồ Chí Minh, Trà Vinh, Ninh Bình).
"Lực lượng quản lý thị trường đã lập biên bản để xử lý theo quy định pháp luật, đồng thời yêu cầu các cửa hàng khẩn trương nhập hàng xăng, dầu và bố trí nhân viên bán hàng để duy trì hoạt động kinh doanh xăng dầu theo đúng các quy định của pháp luật, đảm bảo phục vụ tốt nhu cầu tiêu dùng của người dân và hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp" - Thứ trưởng Phan Thị Thắng thông tin.
Đẩy mạnh công tác truyền thông và tổ chức Tết an toàn, tiết kiệm
Song song với các hoạt động sản xuất công nghiệp và thương mại, hoạt động truyền thông của Bộ trước, trong và sau Tết Nguyên Đán duy trì ổn định theo đúng kế hoạch và đảm bảo mục tiêu đã đề ra. Các đơn vị đã chủ động phối hợp cơ quan truyền thông để cung cấp thông tin kịp thời, đầy đủ về tình hình thị trường, hàng hóa thiết yếu và biện pháp xử lý các hành vi vi phạm pháp luật để người dân theo dõi, giám sát.
Các hoạt động vui Tết đón xuân trong toàn cơ quan (trước, trong Tết) được Lãnh đạo Bộ và các đơn vị quan tâm tổ chức chu đáo, trọng thể, tiết kiệm, vui tươi, lành mạnh.
Thực hiện ngay nhiệm vụ sau Tết
Ngay sau buổi giao ban, Bộ Công Thương đã quán triệt các đơn vị theo chức năng, nhiệm vụ được giao, khẩn trương tập trung vào công việc chuyên môn, không để chậm trễ.
Lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ tham dự buổi giao ban |
Trong đó, trọng tâm là hoàn tất ngay những công việc bị tạm dừng, chậm tiến độ do nghỉ Tết và những công việc đã đến hạn phải hoàn thành theo yêu cầu của Chính phủ và quy định của pháp luật.
Bên cạnh đó, chủ động theo dõi, nắm chắc tình hình sản xuất, kinh doanh để kịp thời giải quyết hoặc tham mưu cho cấp có thẩm quyền chỉ đạo giải quyết những khó khăn, vướng mắc giúp doanh nghiệp phục hồi sản xuất, chuỗi cung ứng và nguồn lao động, góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh, đặc biệt là các ngành công nghiệp chủ lực ngay sau kỳ nghỉ Tết; chủ động phối hợp đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án lớn, trọng điểm, có tính lan tỏa để sớm đi vào vận hành, tạo năng lực sản xuất mới, đóng góp tích cực vào sự phát triển của ngành.
Các đơn vị liên quan đến sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu (như các Cục: Công nghiệp, Hóa chất, Điện lực và năng lượng tái tạo, Điều tiết điện lực, Xuất nhập khẩu và các Vụ: Dầu khí và Than, Thị trường trong nước, Kế hoạch - Tài chính, Tổng cục Quản lý thị trường) cần theo dõi sát diễn biến thị trường, nguồn cung, nhu cầu hàng hóa, nhất là các mặt hàng thiết yếu để chủ động triển khai thực hiện có hiệu quả các giải pháp bảo đảm chuỗi cung ứng vật tư, nguyên, nhiên, vật liệu, lao động… Đồng thời, đẩy mạnh công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, xử lý nghiêm hành vi vi phạm đối với những mặt hàng phục vụ đời sống nhân dân dịp Lễ hội đầu năm và các mặt hàng thiết yếu khác.
Các đơn vị liên quan đến công tác quản lý nhà nước, nhất là việc xây dựng, ban hành và tham mưu cấp thẩm quyền ban hành các văn bản quy phạm pháp luật: Tập trung nguồn lực để triển khai thực hiện và bảo đảm hoàn thành đúng tiến độ, chất lượng các nhiệm vụ xây dựng Nghị định, Thông tư trong Chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật của Bộ năm 2023 đã được ban hành tại Quyết định số 3004/QĐ-BCT ngày 30/12/2022, nhất là các văn bản quy phạm pháp luật có hạn hoàn thành trong quý I năm 2023 theo chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ và quy định của pháp luật.
Riêng các đơn vị được giao chủ trì xây dựng quy hoạch ngành Quốc gia thuộc trách nhiệm Bộ Công Thương (Quy hoạch điện 8, Quy hoạch năng lượng, Quy hoạch khoáng sản, Quy hoạch dự trữ xăng dầu….) cần khẩn trương phối hợp, hoàn thành dự thảo trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong tháng 2 năm 2023.
Các đơn vị liên quan đến thị trường ngoài nước (Vụ Thị trường Châu Á - Châu Phi, Vụ Thị trường Châu Âu - Châu Mỹ, Vụ Chính sách Thương mại Đa biên): Tiếp tục phát huy tốt vai trò của hệ thống cơ quan Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài, hỗ trợ các địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp khai thác có hiệu quả các FTA đã thực thi để mở rộng, đa dạng hóa thị trường, chuỗi cung ứng và mặt hàng xuất nhập khẩu. Thực hiện đồng bộ các giải pháp XTTM, tận đụng các cơ hội mở cửa thị trường để đẩy mạnh xuất khẩu sang các thị trường truyền thống, thị trường lân cận còn tiềm năng, thị trường đối tác ký kết Hiệp định Thương mại tự do (FTA), đặc biệt là các FTA thế hệ mới.
Năm nhiệm vụ trọng tâm cho năm 2023
Phát biểu chỉ đạo tại buổi giao ban, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh, tình hình kết quả công tác trước và trong Tết cho thấy những hoạt động về đảm bảo cung ứng các vật tư nguyên liệu, hàng hóa thiết yếu phục vụ sản xuất đã được toàn ngành thực hiện một cách nghiêm túc và đạt kết quả tốt. Hàng hóa, vật tư phong phú về chủng loại, giá cả được kiểm soát hợp lý.
“Một số mặt hàng ưa chuộng trong những ngày Tết chỉ tăng giá từ 2-10%, lượng hàng tăng từ 15-20%, trong khi đó sức mua của năm nay tương đối thấp, tăng từ 8-10% nên lượng hàng dự trữ đã vượt cầu. Đây cũng là điểm rất tích cực” - Bộ trưởng đánh giá.
Thứ nhất, về mặt hàng quan trọng nhất là điện và xăng dầu. Điện cũng đảm bảo cung ứng theo thỏa thuận đã đề ra, có xảy ra sự cố ở đường dây truyền tải 2 tầng 20 và 500kV nhưng được xử lý rất nhanh, chỉ trong chưa đầy 15 phút. Trên phạm vi cả nước không xảy ra sự cố điện và chúng ta đã đảm bảo điện năng cho một số lĩnh vực chủ yếu với đặc thù là không thể không vận hành trong ngày Tết. Đồng thời, sản xuất điện cũng đủ phục vụ sinh hoạt và vui Tết đón xuân cho tất cả các vùng trên cả nước.
Cung ứng về xăng dầu có gặp khó khăn bởi sự cố Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn, nhưng ngay trước thềm năm mới, lãnh đạo Bộ đã kịp thời kiểm tra và đưa ra những mệnh lệnh rất quyết liệt, đã kịp thời khắc phục sự cố. Chỉ sau 2 ngày Bộ trưởng đi kiểm tra, đến ngày 13/1, nhà máy đã hoạt động trở lại và chiều 15/1 đạt 100% công suất. Trong những ngày Tết, nhà máy hoạt động với 107% công suất. Vì thế, nguồn cung xăng dầu cả nhập khẩu và trong nước đã bảo đảm.
Tại một vài địa phương như TP.Hồ Chí Minh, Thái Bình, Bắc Giang và một số tỉnh ở Nam bộ xảy ra hiện tượng một vài cửa hàng xăng dầu đóng cửa với lý do là không có nguồn cung, nghỉ Tết sớm và đi làm muộn.
Tuy nhiên trên phạm vi cả nước, lực lượng quản lý thị trường đã vào cuộc 24/24h, thậm chí kể cả ngày mùng 1 Tết.
“Các hoạt động cung ứng vật tư nguyên liệu, hàng hóa dịch vụ thiết yếu được đảm bảo tốt. Đây cũng là điểm cộng cho toàn ngành Công Thương trong dịp Tết Nguyên đán” – Bộ trưởng ghi nhận.
Thứ hai, công tác thanh tra kiểm tra, xử lý vi phạm liên quan đến trách nhiệm của ngành đều được quản lý thị trường, thanh tra Bộ cho đến các đồng chí lãnh đạo Bộ thực hiện nghiêm túc. Trước Tết, chúng ta có các đợt kiểm tra chấp hành các quy định của pháp luật trong kinh doanh, trong hoạt động sản xuất của ngành điện, ngành xăng dầu và một số ngành hàng có tính chất bảo đảm những nhu cầu thiết yếu của người dân.
Thứ ba, các hoạt động truyền thông về tình hình và kết quả công tác của năm 2022, những nhiệm vụ trọng tâm của ngành trong năm 2023 được thực hiện rất tốt trên các phương tiện thông tin đại chúng. Nhìn chung, đã lan tỏa được những điểm sáng về hoạt động của ngành trong năm qua, chia sẻ những khó khăn mà ngành gặp phải; đồng thời đưa ra những dự báo về phương hướng nhiệm vụ trong năm tới để toàn xã hội có những cái nhìn chia sẻ và ủng hộ để chúng ta hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Thứ tư, các hoạt động vui Tết đón xuân đều được ngành Công Thương, Bộ Công Thương và các cơ quan đơn vị của Bộ thực hiện một cách nghiêm túc, đảm bảo chu đáo, ấn tượng, vui tươi lành mạnh, an toàn và tiết kiệm.
Nhân dịp này Bộ trưởng thay mặt lãnh đạo Bộ hoan nghênh chúc mừng kết quả của ngành, của Bộ đạt được trước Tết và trong Tết nguyên đán vừa qua.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh các nhiệm vụ của Bộ tại buổi gặp mặt |
Về nhiệm vụ ngay sau Tết, Bộ trưởng lưu ý tập trung vào 5 nhiệm vụ:
Thứ nhất, toàn ngành cần phải khẩn trương bắt tay vào các công việc chuyên môn mang tính thượng tầng mà trọng tâm là hoàn tất ngay những việc tạm dừng do nghỉ Tết và những việc đã đến hạn theo yêu cầu của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ.
Trong từng lĩnh vực phải triển khai ngay, nắm bắt tình hình để chủ động tham mưu cho các cấp chính quyền giải quyết những khó khăn vướng mắc trong các hoạt động sản xuất kinh doanh, để giúp người dân doanh nghiệp bắt tay vào công việc và thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ mà ngành đã đặt ra.
Thứ hai, đối với hoạt động sản xuất kinh doanh, lĩnh vực xuất nhập khẩu như Cục Công nghiệp, Cục Hóa chất, Vụ Dầu khí và Than, Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, Cục Điều tiết Điện lực, Vụ Thị trường trong nước, Vụ Kế hoạch Tài chính, Tổng cục Quản lý Thị trường… cần đảm công tác cung ứng vật tư nguyên liệu, phối hợp đảm bảo nguồn cung; thông thoáng trong quá trình cấp phép với phương châm đầy đủ, kịp thời, thuận lợi, điều hành nhuần nhuyễn, không giật cục, bảo đảm cho qua trình hoạt động sản xuất kinh doanh trong cả nước được diễn ra uyển chuyển.
Nếu như trước và trong Tết, chúng ta đã làm tốt việc cung ứng về hàng hóa vật tư, hàng hóa thiết yếu phục vụ sản sản xuất, ngay sau Tết phải tập trung cao hơn. Theo đó, các đơn vị có chức năng đảm bảo nguồn cung, nguyên vật liệu, dịch vụ nhu cầu thiết yếu cần phải chú trọng.
Lực lượng Quản lý thị trường phải tăng cường công tác kiểm tra giám sát nhất là trong hoạt động kinh doanh xăng dầu bảo đảm hoạt động di chuyển của người dân sau Tết, hoạt động sản xuất kinh doanh của người dân sau tết không bị gián đoạn, không để xảy ra việc đứt gẫy nguồn cung như tháng 11/2022.
Thứ ba, liên quan đến quản lý nhà nước, nhất là xây dựng ban hành và tham mưu cấp có thẩm quyền ban hành những văn bản quy phạm pháp luật, Bộ trưởng nêu rõ, cần khẩn trương triển khai đảm bảo tiến độ, trình tự thủ tục và chất lượng, đúng pháp luật, tránh chồng chéo. Nhất là các văn bản được ban hành trong quý I cần thực hiện theo đúng các quy định hiện hành. Vụ Pháp chế có trách nhiệm phối hợp với các đơn vị của bộ đôn đốc, giám sát theo chỉ đạo của lãnh đạo bộ một cách tốt nhất.
Thứ tư, đối các việc liên quan đến nội dung kiểm tra các dấu hiệu vi phạm và kiểm điểm của Ban cán sự theo gợi ý của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, cần khẩn trương xây dựng báo cáo giải trình để phục vụ đoàn kiểm tra, đoàn công tác.
Thứ năm, các đơn vị liên quan đến các quy hoạch ngành, cần khẩn trương triển khai theo đúng chức năng của Bộ. Trong đó, Quy hoạch Điện 8 dù đã hoàn thiện nhưng phải phối hợp với các đơn vị của Chính phủ, các cơ quan liên quan để tiếp thu giải trình và sớm trình ban hành. Bên cạnh đó là Quy hoạch khoáng sản, Quy hoạch dự trữ xăng dầu… Phải khẩn trương để tháng 2 trình lên Chính phủ các văn bản về quy hoạch.
Bộ trưởng nhấn mạnh: “Vui Xuân mới không quên nhiệm vụ, phải bắt tay ngay để thực hiện nghiêm túc 5 nhiệm vụ kể trên”.
Bộ trưởng chỉ đạo: Năm 2021, Bộ Công Thương xác định mục tiêu là “Đoàn kết - Vượt khó - Gắn bó - Thành công”. Năm 2022, phương châm đề ra là: “Đoàn kết - Kỷ cương - Muôn phương thắng lợi”. Thực tế cho thấy, hai năm qua, Bộ Công Thương đã giữ được kỷ cương, giữ được đoàn kết - đó là yếu tố quan trọng để có được thắng lợi trên mọi mặt trận.
“Năm 2023 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Do đó, phương châm đặt ra của năm nay là “Tiếp tục đổi mới - Vươn tới đỉnh cao” – Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh.