Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên: Bảo đảm vật tư chiến lược giúp sản xuất phát triển
Tin hoạt động 14/07/2022 19:15
Chủ động kiến nghị mở cửa, không để đứt gẫy cung ứng vật tư chiến lược
Phát biểu kết luận hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nêu rõ, bất chấp những khó khăn thách thức của 6 tháng đầu năm, nền kinh tế Việt Nam nói chung và ngành Công Thương đã giành được những kết quả đáng khích lệ. Nổi bật là việc tham mưu rất đúng, trúng, kịp thời và khả thi nhiều chủ trương chính sách và giải pháp để Trung ương, Quốc hội và Chính phủ lãnh đạo, chỉ đạo điều hành nền kinh tế của đất nước.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên phát biểu tại hội nghị |
Đơn cử như việc mở lại lần hai nền kinh tế, mở cửa bầu trời từ 15/3. Đây là một quyết định rất táo bạo. Bởi nhiều quốc gia ở thời điểm đó còn đắm chìm trong dịch Covid-19 và nước ta cũng không nằm ngoài bối cảnh ấy. Tuy nhiên, xét thấy độ phủ vắc xin mũi hai, mũi ba thậm chí là mũi tăng cường, đặc biệt là thấy xu hướng phát triển và thời cơ phát triển không thể không mở cửa, Chính phủ đã quyết định mở cửa lại nền kinh tế. Bộ Công Thương là một trong những ngành có tiếng nói rất quyết liệt và trách nhiệm để tham mưu cho việc mở cửa ấy.
Cũng trong 6 tháng đầu năm, việc cung ứng các hàng hóa, vật tư thiết yếu, nhất là cung ứng xăng dầu thế giới xảy ra sự đứt gãy, tăng giá nhưng đối với Việt Nam, việc cung ứng các hàng hóa thiết yếu phục vụ đời sống của người dân, cung ứng các vật tư nguyên liệu sản xuất nhất là các vật tư chiến lược như xăng dầu, điện, than, khí đã được bảo đảm không bị đứt gãy.
Bên cạnh đó, các vấn đề khác như: Việc giải tỏa ách tắc hàng hóa khu vực biên giới do nước bạn thực hiện chính sách Zero Covid hay việc giải tỏa các hàng hóa nông sản vào thời vụ thu hoạch thông qua thương mại điện tử, thông qua hệ thống thương vụ của Việt Nam ở nước ngoài; vấn đề dự trữ xăng dầu; xuất khẩu chính ngạch… đều được ngành Công Thương đã và đang thực hiện rất kịp thời.
Đặc biệt, vấn đề giảm thuế, hỗ trợ an sinh; tham mưu cho cấp thẩm quyền để kịp thời đưa Hiệp định đối tác toàn diện khu vực RCEP có hiệu lực từ 1/1/2022 cũng được triển khai mạnh mẽ.
Bên cạnh việc tham mưu đối với Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ những chủ trương, chính sách đúng, trúng và phù hợp thì ngành Công Thương cũng rất chủ động, tích cực trong việc triển khai, phối hợp triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách đó.
“Có thể nói là những quyết sách của Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ đã kịp thời được triển khai thực hiện trên phạm vi cả nước, nhất là đối với ngành Công Thương” – Bộ trưởng khẳng định.
Điểm nổi bật thứ hai mà các đại biểu, cũng như trong các báo cáo đề cập là ngành đã chủ trì phối hợp với các bộ, ngành, địa phương trong bảo đảm cung ứng đầy đủ, kịp thời nhu cầu các vật tư, hàng hóa thiết yếu phục vụ đời sống của người dân và vật tư, nguyên liệu phục vụ cho các nhà sản xuất.
Nếu như cả thế giới và khu vực bị đứt gãy các chuỗi sản xuất, đứt gãy các chuỗi cung ứng, thì Việt Nam đã được cung ứng đầy, đủ kịp thời. Bằng chứng là tốc độ tăng trưởng trong khu vực công nghiệp đã tiệm cận với tốc độ tăng trưởng từ trước khi có dịch bệnh xảy ra năm 2019.
Công nghiệp dẫn dắt tăng trưởng chung của nền kinh tế
Đặc biệt, là ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đã đạt tốc độ tăng trưởng rất cao 9,66% và đóng góp 2,58% điểm tăng trưởng GDP của cả nước.
“Chúng ta đã tích cực và rất chủ động tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp và người dân trong quá trình sản xuất, kinh doanh, vì thế sản xuất được phục hồi, phát triển mạnh ở hầu hết các doanh nghiệp, số doanh nghiệp thành lập mới nhiều hơn số những doanh nghiệp tạm dừng sản xuất và giải thể. Các chỉ số phát triển kinh tế nói chung, công nghiệp, thương mại nói riêng đều vượt xa so với kế hoạch đặt ra” – Bộ trưởng nhấn mạnh.
Điểm nổi bật thứ ba là sản xuất công nghiệp, nhất là công nghiệp chế biến chế tạo đạt tốc độ tăng trưởng rất cao |
Điểm nổi bật thứ ba là sản xuất công nghiệp, nhất là công nghiệp chế biến chế tạo đạt tốc độ tăng trưởng rất cao. Sở dĩ GDP quý II tăng tới 7,72% là nhờ khu vực công nghiệp và dịch vụ. Công nghiệp của chúng ta tăng trưởng trên 7%, chế biến chế tạo tăng 9,66% và thương mại dịch vụ tăng hai con số đạt được kết quả như trước khi có dịch bệnh xảy.
Bảo đảm đủ điện, than, xăng dầu cho sản xuất, đời sống
Theo Bộ trưởng, một điểm nhấn đặc biệt là ngành Công Thương đã khắc phục khó khăn, thách thức, bảo đảm đủ điện cho sản xuất. Nếu như tháng 3 là thời điểm căng thẳng nhất về cung ứng năng lượng, nhiều lo lắng đặt ra là liệu ngành điện có bảo đảm đủ điện cho sản xuất và đời sống hay không? Thì hàng loạt các hội nghị do ngành Công Thương chủ trì, tham mưu cho Chính phủ và các hội nghị đối với các đơn vị có liên quan đã được tổ chức. Cuối cùng, chúng ta đã giải mã bài toán đó một cách ngoạn mục.
“Đặc biệt, mặc dù nhiều nguyên liệu sơ cấp tăng rất cao, có những loại tăng gấp đôi như than, khí, dầu,… nhưng chúng ta vẫn giữ được mức bình ổn giá cho mặt hàng điện, vẫn bảo đảm giá điện sinh hoạt, giá điện sản xuất. Quan trọng hơn là không để đứt gãy nguồn cung ứng, không để thiếu điện cho sản xuất, đời sống của người dân hay ở các khu vực, những sự kiện lớn của đất nước, hay vào những thời điểm nắng nóng…” – Bộ trưởng khẳng định.
Khai thác dầu thô vượt kế hoạch |
Việc khai thác dầu thô, khai thác than đều vượt kế hoạch cả về giá trị, sản lượng, năng lực sản xuất được duy trì.
Đối với xăng dầu, mặc dù bị đứt gãy nguồn cung trong nước do Nhà máy Nghi Sơn dừng cung cấp nhưng nhờ chỉ đạo điều hành kịp thời nên đã duy trì nguồn cung, bảo đảm không bị đứt gãy ở bất kể địa phương, đơn vị nào. Bên cạnh đó, duy trì hệ thống bán lẻ ba cấp độ từ doanh nghiệp đầu mối, thương nhân phân phối, cửa hàng bán lẻ đều được duy trì, thực hiện nghiêm túc. Những vi phạm bước đầu đều đã được xem xét, xử lý. Chúng ta đã có cuộc thanh tra toàn diện trong công tác quản lý xăng dầu với 3 đoàn thanh tra do Thanh tra bộ chủ trì, đã và đang góp phần chấn chỉnh lại hoạt động kinh doanh xăng dầu, hoạt động cung ứng xăng dầu. Đây cũng là kinh nghiệm để chúng ta tiếp tục làm tốt hơn việc cung ứng những hàng hóa vật tư thiết yếu trong đó có xăng dầu. Đó là việc phải tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát, tăng cường xử lý và quy trách nhiệm của người đứng đầu.
Xuất khẩu có thể cán đích 400 tỷ USD, thương mại điện tử tăng tốc 25%
Bộ trưởng chỉ rõ, từ hàng hóa thiết yếu cho người dân đến các vật tư nguyên liệu chủ yếu cho sản xuất, đều được bảo đảm, cho nên chúng ta đang duy trì được sản xuất, duy trì được mức độ tăng trưởng ở mức cao. Xuất khẩu tiếp tục vượt kế hoạch, đặc biệt là duy trì xuất siêu hơn 743 triệu USD. Dự báo năm nay, có thể kim ngạch hai chiều sẽ đạt trên 700 tỷ USD; xuất khẩu sẽ cán đích khoảng trên dưới 400 tỷ USD và Việt Nam sẽ tiếp tục ở Top 20 quốc gia có thương mại quốc tế lớn nhất thế giới. Điều đó cũng khẳng định chúng ta đã tranh thủ tận dụng được thời, cơ tranh thủ và khai thác rất hiệu quả các Hiệp định thương mại mà chúng ta đã ký kết với các đối tác.
Song song với đó, thương mại truyền thống tiếp tục được duy trì, phát triển. Thương mại điện tử được chú trọng, khai thác cho nên việc cung cầu hàng hóa diễn ra tương đối ổn định. Theo báo cáo của Cục Thương mại điện tử và kinh tế số cho thấy, riêng thương mại điện tử chúng ta đạt cái tăng trưởng trên dưới 25%. Đây là tốc độ lý tưởng, nhiều quốc gia mơ ước.
Hạ tầng về thương mại điện tử của chúng ta đã và đang phát triển với tốc độ rất mạnh, đã thúc đẩy thương mại của chúng ta kể cả là thương mại quốc tế, cũng như là nội thương.
6 nhiệm vụ quan trọng cho nửa cuối năm
Tuy nhiên bên cạnh những kết quả đạt được, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cũng thẳng thắn nhìn nhận những hạn chế, yếu kém cần phải khắc phục. Cụ thể, tiến độ, chất lượng tham mưu một số chủ trương, chính sách, văn bản quy phạm pháp luật, thông tư hướng dẫn ở một số lĩnh vực vẫn chưa đạt kế hoạch đề ra. Một số văn bản quy phạm bị chậm tiến độ, một số chỉ đạo của Bộ kết quả thực hiện chưa đạt yêu cầu....
Để vượt qua được những khó khăn, thách thức đang hiện hữu như vấn đề đứt gãy nguồn cung trên phạm vi toàn cầu, hay tình trạng lạm phát tăng rất cao, đòi hỏi ngành Công Thương cần tiếp tục phát huy những thành quả đạt được, nắm bắt và đánh giá đúng bối cảnh, tình hình của thế giới của khu vực, để từ đó đề ra những giải pháp cho phù hợp.
Theo đó, Bộ trưởng đã yêu cầu 6 tháng cuối năm cần triển khai những nhiệm vụ sau:
Một là, cần phải bám sát diễn biến tình hình chính trị, kinh tế của thế giới, khu vực, quán triệt sâu sắc các quan điểm, đường lối, các chủ trương, chính sách mà Đảng, Nhà nước đã đề ra để tham mưu các chính sách, tham mưu các đối sách và tổ chức thực hiện một cách quyết liệt, kịp thời và sáng tạo để đạt được các mục tiêu, nhiệm vụ đặt ra. Với quyết tâm cao là phải đạt và vượt tốc độ 6 tháng đầu năm chúng ta đã đạt được.
Từng đơn vị thuộc Bộ theo chức năng, nhiệm vụ của mình đặt ra kế hoạch và phải bám sát diễn biến, chủ động nắm bắt và dự báo đúng tình hình, từ đó tham mưu, đề xuất chính sách, đối sách, giải pháp sao phù hợp để thực hiện. Đồng thời, bám sát các nghị quyết 01, 02 của Chính phủ, đặc biệt là nghị quyết 11 của Chính phủ về Chương trình phục hồi kinh tế sau đại dịch để có được hệ giải pháp, có được mục tiêu, nhiệm vụ rõ ràng cụ thể để chúng ta triển khai thực hiện.
Nhiệm vụ thứ hai là ưu tiên và tập trung thật cao các nhiệm vụ, giải pháp để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân để ổn định phát triển sản xuất, phát triển thị trường, các giải pháp kiềm chế lạm phát, ổn định cung cầu giá cả.
Trong sản xuất công nghiệp, cần theo dõi chặt chẽ các dự án, các ngành hàng lớn và một số địa bàn trọng điểm, để nắm bắt và xử lý kịp thời những khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh sản xuất, nhất là nguồn cung nguyên, nhiên vật liệu. Đa dạng hóa các nguồn cung để không quá lệ thuộc vào một thị trường.
“Các đơn vị theo chức năng, nhiệm vụ được phân công cần phối hợp thật tốt với các bộ, ngành, địa phương nhất là ngành tài chính, ngân hàng, lao động và kế hoạch đầu tư, hay các địa phương trọng điểm về công nghiệp, thương mại để hỗ trợ các doanh nghiệp tiếp cận được các gói chính sách về tài chính tiền tệ, an sinh và tháo gỡ khó khăn vướng mắc một cách kịp thời” – Bộ trưởng giao nhiệm vụ. Đồng thời nhấn mạnh, cần phối hợp tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công các công trình, dự án trọng điểm, sớm đưa vào khai thác sử dụng các công trình có vai trò quyết định trong lĩnh vực logistics, điện, dầu khí, công nghiệp khai thác, chế biến khoáng sản, cơ khí chế tạo để tạo giá trị gia tăng cho ngành công nghiệp.
Bộ trưởng yêu cầu không được để thiếu điện |
“Mục tiêu chung là không được thiếu điện, không được thiếu than, không được thiếu xăng dầu và khí đốt, không được thiếu hóa chất cơ bản, hay các vật tư nguyên liệu chiến lược phục vụ sản xuất” – Bộ trưởng nhấn mạnh.
Ngoài ra, cần phối hợp với các địa phương, xây dựng chiến lược, đề án, kế hoạch phát triển công nghiệp thương mại trên từng địa bàn để tích hợp kịp thời vào quy hoạch của vùng, của tỉnh.
Về hoạt động ngoại thương, cần tăng cường hỗ trợ các doanh nghiệp, các hiệp hội ngành hàng về thông tin thị trường, về định hướng sản xuất, xúc tiến xuất khẩu, ưu tiên số hóa các hoạt động xuất khẩu và xúc tiến xuất khẩu qua cả môi trường trực tiếp và trực tuyến. Đặc biệt là phải đẩy nhanh thực hiện các giải pháp để xuất khẩu chính ngạch.
Bộ trưởng nhấn mạnh các nhiệm vụ quan trọng: Các đơn vị theo chức năng, nhiệm vụ phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành như: Nông nghiệp, khoa học và các địa phương để đẩy nhanh tiến trình đàm phán, phát triển thị trường, đa dạng hóa sản phẩm xuất khẩu, thực hiện tốt việc truy xuất nguồn gốc và chỉ dẫn địa lý cho các sản phẩm. Các vụ thị trường ngoài nước kết hợp với các thương vụ của chúng ta ở nước ngoài để làm thật tốt thông tin thị trường.
Bên cạnh đó, thiết lập và duy trì chế độ giao ban hàng tháng, quý giữa các Vụ thị trường trong nước với các đại diện thương mại, đầu tư của Việt Nam ở nước ngoài, các doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp, địa phương... để kết nối cung cầu, định hướng sản xuất, phát triển thị trường tiêu thụ, kết nối đầu tư... Đồng thời, duy trì chuyên trang thông tin trên báo chính thống về hoạt động của Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài.
Về thị trường trong nước, bám sát diễn biến cung - cầu, giá cả các mặt hàng thiết yếu, đặc biệt là xăng dầu, phân bón, vật tư chiến lược... để tham mưu cho Bộ, Chính phủ có chính sách, đối sách phù hợp. Bên cạnh đó, tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm về thị trường, bảo đảm mục tiêu kiểm soát tất cả đầu vào đầu ra; chống đầu cơ găm hàng trục lợi, hàng gian, hàng giả, kém chất lượng...
Ngoài ra, tham mưu với Chính phủ và phối hợp tốt với tất cả các địa phương trong các chương trình bình ổn thị trường, nhất là hàng thiết yếu, vật tư chiến lược nhằm ổn định cung – cầu, giá cả trên phạm vi cả nước.
Phối hợp với các địa phương trong xây dựng chiến lược về thương mại, nhất là hạ tầng thương mại (cả truyền thống và hiện đại) đánh giá tốt để tích hợp vào quy hoạch tỉnh.
Nhiệm vụ quan trọng thứ ba là chú trọng thiết lập, củng cố, duy trì kỷ luật, kỷ cương trong chỉ đạo điều hành, ý thức chấp hành trong từng đơn vị và toàn ngành, nhất là việc đề cao trách nhiệm trước pháp luật, lãnh đạo Bộ, nêu gương trước cán bộ công chức của đội ngũ cán bộ quản lý các cấp. Tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát (cả chuyên ngành và công vụ). Đồng thời kiên quyết xử lý sai phạm theo đúng pháp luật, nguyên tắc, điều lệ Đảng, quy chế, quy định cơ quan, phù hợp tình hình, nhiệm vụ.
Nhiệm vụ thứ 4, làm tốt công tác truyền thông, nhất là việc tuyên truyền những chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước; những nhiệm vụ, giải pháp, nỗ lực và kết quả của ngành (và từng đơn vị) đạt được một cách khách quan, trung thực, xây dựng. Chú trọng phối hợp, sử dụng tốt các chuyên gia, cộng tác viên của ngành và từng đơn vị trong tham mưu chính sách, giải pháp; xử lý sự cố truyền thông nếu có.
Nhiệm vụ thứ 5, Ban cán sự Đảng, Lãnh đạo Bộ đề nghị các Bộ, ngành, địa phương, các tập đoàn tăng cường phối hợp công tác với Bộ - nhất là việc phối hợp cung cấp thông tin, hợp tác trong thực thi nhiệm vụ, giải pháp theo quy định của pháp luật, điều hành của Chính phủ, Bộ Công Thương; trong quản lý nhà nước trên địa bàn về các lĩnh vực công nghiệp thương mại, xuất nhập khẩu là mộ trong những vấn đề quan trọng, nhạy cảm (quản lý sản xuất, kinh doanh); quản lý, giáo dục cán bộ, nhất là cán bộ trong lực lượng quản lý thị trường địa phương.
Nhiệm vụ thứ 6, đối với các Viện, các trường, doanh nghiệp…, bám sát chỉ đạo chỉ đạo của Bộ (về các nhiệm vụ, giải pháp cả thị trường) để có kế hoạch, hành động cụ thể.