Phú Thọ - quan tâm hơn nữa đến số lượng, chất lượng cán bộ làm công tác dân tộc
Tại buổi làm việc với Bộ trưởng, Chủ nhiệm UBDT Hầu A Lềnh và Đoàn công tác, lãnh đạo UBND tỉnh Phú cho biết: Giai đoạn 2016-2020, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền… tỉnh Phú Thọ đã thực hiện có hiệu quả các chương trình, dự án, chính sách hỗ trợ đầu tư phát triển KT-XH vùng DTTS&MN. Cơ sở hạ tầng các thôn, xã vùng DTTS được tăng cường; hệ thống chính trị, trình độ đội ngũ cán bộ không ngừng được củng cố; bản sắc văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc được gìn giữ và phát huy; bộ mặt nông thôn miền núi có nhiều đổi mới và khởi sắc. Tỷ lệ hộ nghèo DTTS của tỉnh năm 2020 là 30,08% (giảm 3,48% so với năm 2016).
Để chuẩn bị cho Chương trình MTQG phát triển KT-XH vùng DTTS&MN giai đoạn 2021 - 2030, tỉnh Phú Thọ cơ bản đã hoàn thiện các thủ tục rà soát và xác định nhu cầu vốn kế hoạch giai đoạn 2021 - 2025 của 10 dự án thành phần. Với mong muốn thực hiện hiệu quả các chính sách, tỉnh Phú Thọ đề nghị UBDT xem xét bố trí thêm nguồn vốn ODA để nâng cao định mức đầu tư đối với các xã đặc biệt khó khăn; đồng thời đề nghị Ban Chỉ đạo Trung ương chọn huyện Tân Sơn là huyện chỉ đạo điểm để thực hiện Chương trình MTQG...
Bộ trưởng, Chủ nhiệm UBDT Hầu A Lềnh làm việc với UBND tỉnh Phú Thọ |
Ghi nhận những kết quả đạt được của Phú Thọ trong việc thực hiện công tác dân tộc; Bộ trưởng, Chủ nhiệm UBDT Hầu A Lềnh đề nghị, tỉnh Phú Thọ đặc biệt quan tâm đến việc thành lập Ban Chỉ đạo triển khai Chương trình MTQG để phân công đầu mối triển khai cụ thể. “Lượng kinh phí triển khai Chương trình MTQG giai đoạn 2021 - 2022 rất lớn, do đó, Phú Thọ cần bố trí nguồn vốn đối ứng, giao các sở ngành làm tốt công tác chuẩn bị đầu tư. Ngoài ra, địa phương cần quan tâm hơn nữa đến số lượng biên chế cho Ban Dân tộc và công tác tạo nguồn cán bộ cho cơ quan làm công tác dân tộc ở vùng DTTS, để có đội ngũ cán bộ am hiểu phong tục, tập quán, văn hóa của đồng bào, góp phần triển khai hiệu quả các chính sách dân tộc” - Bộ trưởng, Chủ nhiệm Hầu A Lềnh nhấn mạnh.
Thái Nguyên - cần có những giải pháp căn cơ, quyết liệt cho vùng DTTS
Đồng bào DTTS của tỉnh Thái Nguyên sinh sống chủ yếu ở 5 huyện miền núi, vùng cao; với dân số là 384.379 người, chiếm 29,87% dân số toàn tỉnh. Thời gian qua, các chương trình, dự án, chính sách dân tộc đang được triển khai trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên đã và đang góp phần quan trọng trong việc nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào. Đặc biệt, ngoài nguồn lực từ Trung ương, Thái Nguyên đã bố trí cân đối ngân sách địa phương để triển khai có hiệu quả nhiều chính sách dân tộc.
Mới đây, ngày 14/7/2021, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên đã ban hành Nghị quyết số 04-NQ/TU về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân tộc giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030. Trong đó, trọng tâm là việc triển khai có hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp thực hiện Chương trình MTQG phát triển KT-XH vùng DTTS&MN. Đến nay, một số nội dung đang được các Sở, ngành tích cực triển khai như: xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện; thành lập Ban Chỉ đạo; rà soát đối tượng, địa bàn thụ hưởng...
Báo cáo với Bộ trưởng, Chủ nhiệm Hầu A Lềnh, đại diện các sở, ngành của tỉnh Thái Nguyên đã có kiến nghị, đề xuất liên quan đến một số nội dung như: quan tâm mức hỗ trợ cho các em học sinh DTTS đang học tập tại các trường nội trú; chú trọng công tác bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa các DTTS; sớm phân bổ kinh phí và đảm bảo nguồn lực, tạo cơ chế để các địa phương chủ động lồng ghép nguồn lực triển khai hiệu quả Chương trình MTQG... Cụ thể hơn, Ban Dân tộc tỉnh Thái Nguyên đề nghị UBDT quan tâm, tạo điều kiện xây dựng 1 trung tâm ươm tạo, hỗ trợ khởi nghiệp và khởi sự kinh doanh vùng đồng bào DTTS&MN…
Bộ trưởng, Chủ nhiệm UBDT Hầu A Lềnh tham quan Trung tâm điều hành thông minh của tỉnh Thái Nguyên |
Đánh giá cao sự chủ động của tỉnh Thái Nguyên trong việc quan tâm thỏa đáng, hài hòa đến các khu vực kém phát triển trong điều kiện của tỉnh, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Hầu A Lềnh lưu ý, vùng DTTS của Thái Nguyên hiện vẫn còn có những khó khăn nhất định về điều kiện cơ sở hạ tầng, với tỷ lệ hộ nghèo cao, do đó, tỉnh cần có những giải pháp căn cơ, quyết liệt hơn cho khu vực này: “Nếu như trong phát triển KT-XH, Thái Nguyên cần làm tốt 3 trụ cột: tăng thu nhập cho người dân, giảm nghèo bền vững, nâng cao mức an sinh xã hội; thì trong công tác nắm bắt tình hình vùng DTTS, để thể hiện rõ vai trò, Ban Dân tộc tỉnh cần triển khai nhiều giải pháp phù hợp. Trong đó, đặc biệt coi trọng công tác phối hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành để kịp thời đề xuất với các cấp có thẩm quyền, triển khai chính sách hỗ trợ đồng bào”.
Cụ thể, để chuẩn bị tốt nhất cho việc triển khai Chương trình MTQG, Bộ trưởng, Chủ nhiệm UBDT đề nghị tỉnh ủy tỉnh Thái Nguyên có Nghị quyết chuyên đề, phân công các sở, ban, ngành được giao chủ trì triển khai các dự án cần rà soát kỹ đối tượng, địa bàn, làm tốt công tác chuẩn bị đầu tư; xây dựng giải pháp, cơ chế để lồng ghép hiệu quả các nguồn lực; chỉ đạo các sở, ngành chung tay phối hợp với Ban Dân tộc để đảm bảo mục tiêu, tiến độ thực hiện Chương trình.