Tạo hành lang thu hút chuyên gia, phát triển nhóm nghiên cứu
Bộ trưởng Chu Ngọc Anh cho biết, ông cảm thấy vinh dự khi nhận được rất nhiều sự quan tâm và thực tế có 8 đại biểu với hàng chục câu hỏi có liên quan đến KH&CN. Các câu hỏi này tập trung vào các vấn đề như chính sách phát triển KH&CN; mối liên kết giữa nghiên cứu và đào tạo, giữa nghiên cứu với thị trường, giữa nhà khoa học với doanh nghiệp; giải pháp phát triển các tập thể khoa học mạnh, các viện nghiên cứu, trường đại học đẳng cấp quốc tế, cán bộ đầu ngành...
Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ - Chu Ngọc Anh - trả lời chất vấn tại Quốc hội |
Trước những vấn đề này, Bộ trưởng Chu Ngọc Anh cho biết, trong giai đoạn gần đây, bám sát tinh thần chỉ đạo của Đảng và Nhà nước, chủ trương từ Nghị quyết Trung ương Đảng, ngành KH&CN vào cuộc để phục vụ kinh tế - xã hội và an ninh quốc phòng. Muốn vậy KH&CN phải sát cánh với tất cả các ngành, các địa phương. Do đó, trong thời gian gần đây, chúng tôi tập trung chính sách chuyển dịch cao độ, bám sát vào những vấn đề thực sự của đời sống xã hội, của các ngành, của các lĩnh vực để tập trung giải quyết.
Hơn nữa, trong tinh thần của nghị quyết và các chỉ đạo của Chính phủ gần đây, doanh nghiệp phải là trung tâm của hệ thống đổi mới, sáng tạo quốc gia. Nghe thì mới nhưng thực tế rất giản dị. Nhà nước dù Trung ương hay địa phương, các viện nghiên cứu, các trường đại học phải tập trung cao độ nâng cao năng lực của doanh nghiệp để có thể cạnh tranh thông qua vũ khí KH&CN. Theo đó, KH&CN đã chuyển dịch mạnh chính sách theo hướng bám sát để phát triển các sản phẩm quốc gia, sản phẩm chủ lực, các chuỗi sản xuất trong nông nghiệp, công nghiệp và các ngành. Lập tức hoạt động này lôi kéo được toàn bộ đội ngũ KH&CN tham gia.
“Từ nghị quyết Trung ương, Luật Khoa học công nghệ (sửa đổi) năm 2013, hay các nghị định liên quan gần đây như Nghị định số 40/2014/NĐ-CP, Nghị định số 87/2014/NĐ-CP..., chúng ta thực sự đã tạo được những hành lang thu hút chuyên gia, tập trung phát triển các nhóm nghiên cứu mạnh và các viện nghiên cứu dần dần đáp ứng được yêu cầu của khu vực và quốc tế” - Bộ trưởng Chu Ngọc Anh nói.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Chu Ngọc Anh thừa nhận, qua thực tế tổng kết và nhận thấy một vài chính sách của ta vẫn được tư duy theo khuôn khổ của hành chính. Điều đó, không tạo ra gắn kết với tất cả công việc của đời sống xã hội và chưa tạo động lực cho nhà khoa học phát triển. Mặc dù như vậy, không thể phủ nhận sự vươn lên của cộng đồng KH&CN trong thời gian vừa qua. Minh chứng là cũng có nhiều nhóm nghiên cứu ở các Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh, các trung tâm, viện nghiên cứu toán cao cấp. Hay hai trung tâm được UNESCO công nhận về nghiên cứu cơ bản, đều là những khu vực đã tiếp cận được với trình độ quốc tế.
Trước trăn trở về việc thiếu bóng các “trưởng ngành”, thiếu nhà khoa học đầu ngành đảm nhiệm các nhiệm vụ trọng điểm Nhà nước, Bộ trưởng Chu Ngọc Anh cho biết, để khắc phục tình trạng này, vừa qua Bộ KH&CN cũng tập trung cao độ những chính sách thiết thực nhất trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Theo đó, đã có gần 100 nhóm nghiên cứu từ các quốc gia trên thế giới cùng phối hợp với các nhóm nghiên cứu trong nước, sẵn sàng đem công nghệ từ các quốc gia tiên tiến để chung sức giải quyết các vấn đề của thực tiễn trong nước.
Bên cạnh đó, có rất nhiều giải pháp thiết thực đã được triển khai trong thời gian gần đây để tạo điều kiện huy động nguồn lực của toàn xã hội cho KH&CN mà tín hiệu phấn khởi nhất là gần đây, đã xuất hiện các viện nghiên cứu tư nhân huy động được nhân lực và cùng chung sức với sự phát triển của khoa học nước nhà, mở rộng lực lượng khoa học. Hiện nay bình quân 7 nghiên cứu/1 vạn dân, yêu cầu sắp tới là 11 nghiên cứu/vạn dân, lực lượng làm nghiên cứu trong khu vực doanh nghiệp và công nghiệp sắp tới chắc chắn sẽ tăng cường rất nhiều.
Bộ trưởng Chu Ngọc Anh cũng cho biết, thời gian vừa qua, việc nghiên cứu đã theo đặt bài từ doanh nghiệp, từ khu vực nông nghiệp, công nghiệp để các kết quả được ứng dụng vào thực tiễn theo chuỗi giá trị. Điều này vừa giúp khu vực nghiên cứu có doanh thu từ sản phẩm để tự chủ và phát triển, vừa tăng cường mối liên kết giữa doanh nghiệp với nhà khoa học. Đối với khu vực đại học, cái nôi của sáng tạo và khởi nghiệp sáng tạo, Bộ KH&CN đã phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo và các trường trọng điểm để thúc đẩy phong trào khởi nghiệp sáng tạo trong sinh viên. Qua đó, đã xuất hiện ngày càng nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, có đóng góp vào việc phát triển kinh tế.
Tiếp cận kịp thời cách mạng công nghiệp 4.0
Cũng trong chiều ngày 1/11, đặt câu hỏi với Bộ trưởng Chu Ngọc Anh, đại biểu Phạm Trí Thức - đoàn Thanh Hóa, đưa ra một vấn đề đang thu hút sự quan tâm lớn, đó là Tổng thống Nga có nói cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 như một làn sóng mạnh mẽ, ai nắm bắt được nó thì sẽ bứt phá và tiến lên. Nếu ai không nắm bắt được thì sẽ bị nó nhấn chìm. “Trông người lại ngẫm đến ta, xin Bộ trưởng cho biết giải pháp nào để chúng ta nắm bắt được cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 để bứt phá, tiến lên và không bị nhấn chìm” - đại biểu Phạm Trí Thức chất vấn.
Trả lời chất vấn, Bộ trưởng Chu Ngọc Anh cho biết, về cách mạng công nghiệp 4.0 - một thuật ngữ dường như đã trở thành phong trào. Trong thời gian, Đảng, Trung ương Đảng, chỉ đạo của Chính phủ có sự quan tâm, chỉ đạo kịp thời để định hướng phù hợp đối với một quốc gia phát triển như Việt Nam. Minh chứng là năm ngoái đã có Chỉ thị 16 của Thủ tướng về tăng cường năng lực tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã chỉ rõ từ nhận thức ra sao, các ngành làm thế nào để khởi động và sẽ bắt đầu bằng việc gì xung quanh cách mạng công nghiệp 4.0.
Bộ trưởng đã lấy dẫn chứng việc ứng dụng công nghệ của cách mạng công nghiệp lần thứ tư thành công thông qua việc sử dụng công nghệ BIM (Building Information Modeling) trong lĩnh vực xây dựng để thiết kế, thi công, vận hành, kiểm tra, giám sát các công trình cao tầng. Đây là công cụ hữu hiệu để thúc đẩy ngành xây dựng. Tương tự như vậy trong lĩnh vực tài chính ngân hàng, trong nông nghiệp và y tế cũng đã minh chứng được những bước đi đầu tiên đáng phấn khởi.
Tuy nhiên so với kỳ vọng thì cần thêm rất nhiều sự chung tay của tất cả các ngành, các địa phương để cùng với cộng đồng khoa học tiếp tục triển khai những nhiệm vụ, giải pháp và kế hoạch của ngành KH&CN trong những chặng đường sắp tới.“Chúng tôi xin tiếp tục được lắng nghe, tiếp thu, tiếp cận những thông tin phản hồi để làm sao cho tính phục vụ của khoa học ngày càng sát hơn với thực tiễn, và chắc chắn cùng với kết quả của các ngành và địa phương, KH&CN sẽ tác động mạnh mẽ hơn” - Bộ trưởng Chu Ngọc Anh nói.