Đại biểu Nguyễn Văn Dành (đoàn Bình Dương) bày tỏ sự băn khoăn, lo ngại về tình trạng bất động sản sốt nóng; nguồn cung nhà ở xã hội, thu nhập thấp còn thiếu trong khi nhu cầu lớn và đặt câu hỏi "Giải pháp bứt phá của Bộ là gì với loại hình bất động sản này?
Thừa nhận tình trạng này, Bộ trưởng Phạm Hồng Hà dẫn ra nguyên nhân "địa phương chưa quan tâm hỗ trợ xây dựng hạ tầng kỹ thuật". Nhiều địa phương chưa quy hoạch, bố trí đủ quỹ đất cho nhà ở xã hội và hiện thiếu nguồn vốn hỗ trợ lãi suất vay mua nhà ở xã hội.
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội chiều 4/6 |
Bộ trưởng dẫn kinh nghiệm quốc tế cho thấy, Nhà nước chỉ làm 2 việc, là tạo nguồn cung nhà ở xã hội và hỗ trợ tài chính cho người mua. Nhưng với Việt Nam, hệ thống chính sách nhà ở xã hội còn phân tán, việc huy động nguồn lực còn nặng về bao cấp, chưa sử dụng nguồn lực đất đai tương xứng phát triển nhà ở xã hội. Ngoài ra, việc khống chế tỷ suất lợi nhuận khi doanh nghiệp đầu tư vào nhà ở xã hội chỉ 10%, nên không khuyến khích doanh nghiệp.
Đại biểu Tô Văn Tám ( đoàn Kon Tum) nêu bất cập khi giá bất động sản gấp 25 lần thu nhập bình quân người dân, đang là thách thức trong giải quyết nỗ lực giải quyết nhà ở cho người thu nhập thấp. Bộ trưởng nhận thức vấn đề trên thế nào và giải pháp ra sao?
Bộ trưởng Phạm Hồng Hà cho rằng nguyên nhân xuất phát từ sự thiếu kiểm soát về thị trường bất động sản. Ngoài ra, còn tình trạng thiếu nguồn lực, bộ máy tổ chức quản lý bất động sản chưa được kiện toàn kịp thời. Ông cũng nhấn mạnh chưa đảm bảo được tính minh bạch trong các dự án bất động sản.
Người đứng đầu ngành xây dựng cho rằng, các địa phương vẫn chưa thực sự để tâm đến thị trường bất động sản, chưa kiểm soát chặt chẽ cung cầu hàng hóa. "Việc phê duyệt nhiều dự án không phù hợp yêu cầu thị trường, chủ yếu là ở phân khúc cao cấp chưa phù hợp với kế hoạch phát triển nhà ở. Chưa có cơ chế hấp dẫn nhà đầu tư tham gia các dự án nhà ở xã hội", Bộ trưởng Phạm Hồng Hà bày tỏ.
Bộ trưởng Phạm Hồng Hà cũng chỉ ra những tồn tại hiện nay của thị trường bất động sản có các điểm như thể chế còn chồng chéo về các quy định bất động sản với các quy định khác như giải phóng mặt bằng. Cơ cấu sản phẩm của bất động sản chuyển dịch tích cực nhưng chưa cân đối với nhu cầu thị trường, chỉ phát triển một số phân khúc trung cao cấp, thiếu gay gắt nhà ở xã hội, nhà thương mại giá thấp. Hiện nhà thu nhập thấp mới đạt 4,8 triệu so với mục tiêu 12,5 triệu m2 năm 2020. Do thiếu nguồn vốn cho vay nên 226 dự án thu nhập thấp còn chậm tiến độ.
“Vấn đề khác là thiếu vốn vay dự án nhà ở xã hội, nguồn lực tài chính cho bất động sản đang rất thấp, chủ yếu là sử dụng vốn ngân hàng, vốn từ chủ đầu tư mới chỉ chiếm 30% nên tiềm ẩn nhiều rủi ro”- Bộ trưởng Phạm Hồng Hà lý giải
Dư nợ bất động sản đang ở ngưỡng an toàn nhưng nguồn vốn tín dụng bất động sản cơ bản tập trung vào nhà đầu tư lớn, tập trung vào các phân khúc có nhiều rủi ro. Thị trường cũng có nhiều dấu hiệu chưa minh bạch. Về chính sách thuế liên quan đến bất động sản, Bộ trưởng nói rằng chính sách thuế chưa thu hút được nguồn lực và không hạn chế được tình trạng đầu cơ. Điều này đang tạo ra những rủi ro tiềm ẩn.
Về giá bất động sản, Bộ trưởng thừa nhận, vẫn còn đang ở mức cao, cao hơn giá trị thực. "Giải pháp thời gian tới khắc phục sẽ là tăng nguồn cung bởi cung tăng sẽ có tác dụng giảm giá bất động sản. Thứ 2, ngăn chặn kịp thời thổi giá, đẩy giá, đầu cơ của một số đối tượng trục lợi", Bộ trưởng nói.
Giải pháp cho vấn đề nêu trên, Bộ trưởng Phạm Hồng Hà cho biết thời gian tới cả Bộ lẫn địa phương cần tăng cường công tác hiệu lực quản lý bất động sản, sửa cơ chế chính sách phù hợp để đáp ứng điều chỉnh về mặt thể chế và hành lang pháp lý, tập trung nguồn lực cho phân khúc bất động sản nhỏ, vừa, các loại hình nhà ở xã hội có quy mô vừa phải.
“Bộ sẽ tham mưu Chính phủ giải quyết căn bản phương thức nhà ở xã hội. Cùng đó, bổ sung giải pháp để khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào xây dựng nhà ở xã hội”- Bộ trưởng Phạm Hồng Hà thông tin thêm.