Bộ trưởng Trần Hồng Hà: "Biển miền Trung đã an toàn, mọi hoạt động có thể tiến hành bình thường". |
Nhóm vấn đề lớn được các đại biểu Quốc hội đặt ra cho Bộ trưởng TN&MT trong phiên chất vấn sáng nay tập trung vào vấn đề môi trường, đặc biệt là môi trường 4 tỉnh miền Trung bị ảnh hưởng trực tiếp từ hoạt động xả thải trái phép của công ty Formosa Hà Tĩnh.
Khẳng định trước Quốc hội và cử tri, Bộ trưởng Trần Hồng Hà nhấn mạnh: "Tôi khẳng định biển miền Trung đã an toàn, toàn bộ mọi hoạt động có thể tiến hành bình thường".
Cung cấp thêm thông tin về độ an toàn của hải sản khu vực các tỉnh miền Trung, rằng, hiện Bộ Y tế đang tiến hành phân tích toàn diện và ông Hà tin rằng khi công bố kết quả thì toàn bộ hải sản biển miền Trung đều an toàn.
Về nội dung chất vấn việc xử lý trách nhiệm của tổ chức, cá nhân liên quan trong vụ việc Công ty Formosa. Bộ trưởng TN&MT cho biết, Bộ đã tiến hành kiểm điểm trách nhiệm ngay từ khi xảy ra sự cố với ban cán sự nhiệm kỳ 2010 - 2015, với tinh thần nghiêm túc không né tránh, còn với cấp dưới thì đang xem xét dấu hiệu vi phạm, xử lý và công bố kết quả.
Trước đó, vào cuối giờ chiều qua (15/11), trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội về giải pháp xử lý, khắc phục sự cố ô nhiễm môi trường do Công ty Formosa Hà Tĩnh gây ra của nhiều đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng TN&MT khẳng định, đây là nhiệm vụ được Bộ Chính trị, Chính phủ và các địa phương đặc biệt quan tâm; các cơ quan chức năng đã nỗ lực vào cuộc, vừa khắc phục sự cố, vừa có các giải pháp quan tâm đến đời sống của người dân.
Cụ thể, Bộ TN&MT đã thành lập lực lượng chuyên ngành gồm các nhà khoa học trong cả nước để xem xét, đánh giá và yêu cầu Công ty Formosa có các biện pháp để khắc phục và lộ trình xử lý cụ thể.
“Trong quá trình Công ty Formosa thực hiện kế hoạch khắc phục, Tổ công tác do Viện Hàn lâm khoa học Việt Nam trực tiếp phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường thực hiện theo dõi, giám sát” - Bộ trưởng Hà cho biết.
Đối với việc kiểm soát và xử lý nước thải, khí thải, chất thải rắn của Công ty Formosa, Bộ TN&MT đã đưa ra yêu cầu và quy định phải đáp ứng tiêu chuẩn cao nhất về công nghệ.
Đặc biệt, Bộ TN&MT đã thiết kế hệ thống giám sát môi trường biển (gồm cả kiểm soát bùn thải, nước thải) tại 4 tỉnh (Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên-Huế). Với chất thải công nghiệp, chất thải nguy hại của Công ty Formosa, Bộ yêu cầu trong thời gian chưa ký hợp đồng với những doanh nghiệp có năng lực xử lý, thì được phép lưu trữ trong kho.
Với vấn đề xỉ tro bay, xỉ đáy - một loại vật liệu để thay thế vật liệu xây dựng - nên Bộ TN&MT yêu cầu Formosa tìm đối tác để xử lý theo hướng tổ chức sản xuất thành vật liệu xây dựng. Bộ cũng đã đề nghị Bộ Xây dựng xây dựng tiêu chuẩn vật liệu xây dựng, để xỉ tro bay, xỉ đáy trở thành vật liệu xây dựng có giá trị thương mại.
Kết thúc phiên chất vấn và trả lời chất vấn đối với Bộ trưởng TN&MT Trần Hồng Hà, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị Bộ trưởng nghiêm túc tiếp thu ý kiến của đại biểu; có giải pháp khắc phục yếu kém; tham mưu cho Chính phủ rà soát tổng thể tình hình ô nhiễm môi trường... Với trường hợp Công ty Formosa, Chủ tịch Quốc hội yêu cầu Bộ TN&MT có giải pháp giám sát chặt chẽ, thực hiện đầy đủ cam kết trước khi đi vào sản xuất vào năm 2018.