Tại Hội nghị trực tuyến sơ kết, đánh giá, rút kinh nghiệm về công tác phòng chống và khắc phục hậu quả bão số 3 diễn ra sáng nay, ông Lê Minh Hoan, Bộ Trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng, để sớm khắc phục hậu quả, ổn định đời sống nhân dân, khôi phục sản xuất sau bão lũ, đồng thời có giải pháp căn cơ lâu dài, các bộ ngành, địa phương thực hiện nghiêm túc, đầy đủ 06 nhóm giải pháp tại Nghị quyết số 143/NQ-CP ngày 17/9/2024 của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để khẩn trương khắc phục hậu quả bão số 3 (Yagi), nhanh chóng ổn định tình hình nhân dân, đẩy mạnh khôi phục sản xuất kinh doanh, tích cực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, kiểm soát tốt lạm phát, trong đó tập trung vào một số nhiệm vụ, giải pháp.
Huy động nguồn lực khắc phục hậu quả
Theo Bộ Trưởng ông Lê Minh Hoan, trước mắt tập trung lực lượng tìm kiếm người mất tích tại sự cố cầu Phong Châu, tỉnh Phú Thọ và mất tích do lũ, lũ quét, sạt lở đất (Lào Cai, Cao Bằng,…).
Tổ chức cứu trợ lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm cho các hộ dân có nguy cơ thiếu đói; huy động lực lượng hỗ trợ người dân sửa chữa nhà ở, dọn dẹp vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh. Rà soát các gia đình bị mất nhà để tái định cư cho người dân đến chỗ an toàn và hoàn thành chậm nhất trước ngày 31/12/2024.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan phát biểu tại hội nghị. (Ảnh: VGP/Nhật Bắc) |
Tập trung chỉ đạo, có kế hoạch sản xuất linh hoạt, hiệu quả và hướng dẫn các biện pháp khắc phục hậu quả cụ thể cho từng địa phương, vùng miền, trong đó sẵn sàng nguồn giống để hỗ trợ người dân nhanh chóng khôi phục sản xuất.
Theo dõi sát tình hình, diễn biến nguồn cung, giá cả hàng hóa trên địa bàn, nhất là tại các khu vực vừa xảy ra lũ quét, lũ ống, sạt lở đất nặng nề, kịp thời bảo đảm nguồn cung, kiểm soát giá cả, không để xảy ra tình trạng đầu cơ, găm hàng, đẩy giá, lợi dụng thiên tai, bão lũ để trục lợi.
Chủ động huy động nguồn lực của địa phương và các nguồn vốn hợp pháp khác để khẩn trương khắc phục, sửa chữa các công trình đê điều, thuỷ lợi, các tuyến đường giao thông, cơ sở y tế, trường học, công trình cơ sở hạ tầng bị hư hỏng, trường hợp vượt quá khả năng, tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả các chính sách giãn hoãn, miễn, giảm thuế, phí, lệ phí,… đối với các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp bị thiệt hại do bão, mưa lũ theo quy định của pháp luật; yêu cầu các doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm khẩn trương thực hiện bồi thường tổn thất cho bên mua bảo hiểm bảo đảm nhanh chóng, đầy đủ, kịp thời theo đúng thỏa thuận hợp đồng và quy định pháp luật.
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ đạo các tổ chức tín dụng, các ngân hàng thương mại chủ động rà soát, tổng hợp thiệt hại của khách hàng đang vay vốn, kịp thời áp dụng các chính sách hỗ trợ lãi suất, khoanh nợ, giãn nợ, tiếp tục cho vay để người dân, doanh nghiệp có điều kiện khôi phục sản xuất kinh doanh.
Tăng cường công tác bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội, nhất là tại các địa bàn chịu ảnh hưởng bởi bão, mưa lũ; kiểm soát chặt chẽ không gian mạng, kiên quyết đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, thông tin sai lệch gây hoang mang dư luận.
Tiếp nhận, triển khai kịp thời, hiệu quả nguồn lực hỗ trợ từ các tổ chức, cá nhân thông qua Mặt trận Tổ quốc, sự hỗ trợ của các quốc gia, tổ chức quốc tế để góp phần ổn định đời sống nhân dân.
Có những giải pháp phù hợp đưa cuộc sống người dân bị ảnh hưởng nhanh chóng trở lại bình thường. Bên cạnh công tác di dời, tái thiết lại các điểm dân cư, xây khu định cư mới, tạo sinh kế, đặc biệt chú trọng tình trạng bị sang chấn tâm lý, đời sống tinh thần của người dân mất mát người thân, nhà cửa.
Lồng ghép nội dung phòng, chống thiên tai vào quy hoạch địa phương
Về lâu dài từ những bài học kinh nghiệm nêu trên, để công tác phòng, chống thiên tai chuyển biến mạnh mẽ, hiệu lực, hiệu quả trong thời gian tới, các bộ, ngành, địa phương cần nghiên cứu các nhiệm vụ, giải pháp thực hiện đồng bộ hướng đến mục tiêu "Từ ứng phó đến hành động sớm, tăng cường khả năng chống chịu", trong đó tập trung các nội dung:
Về thể chế, thực hiện nghiêm Chỉ thị số 42-CT/TW ngày 24/3/2020 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai, Luật Phòng, chống thiên tai và các văn bản hướng dẫn; Chiến lược phòng, chống thiên tai quốc gia, Kế hoạch phòng, chống thiên tai quốc gia, trong đó ưu tiên nguồn lực để thực hiện các nhiệm vụ từ Trung ương đến cơ sở.
Rà soát, điều chỉnh các quy chuẩn, tiêu chuẩn về xây dựng cơ sở hạ tầng của các ngành đảm bảo an toàn trước thiên tai.
Rà soát, điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch, lồng ghép nội dung phòng, chống thiên tai vào quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành, kinh tế - xã hội của từng địa phương.
Rà soát, điều chỉnh thể chế, chính sách, đề xuất các nhiệm vụ và bố trí nguồn lực để tổ chức triển khai, sẵn sàng ứng phó với tình huống thiên tai lớn như bão số 3, đảm bảo an toàn và phát triển bền vững, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp, đê điều, thuỷ lợi, viễn thông, điện lực, công trình hạ tầng đô thị.
Rà soát, sửa đổi các bất cập trong Quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Hồng. Vận hành hiệu quả, an toàn công trình hồ chứa và vùng hạ du, nhất là các hồ chứa quan trọng đặc biệt: Sơn La, Hòa Bình, Thác Bà, Tuyên Quang theo quy định.
Rà soát quy định về việc để người trên các tàu vận tải (nhất là tàu pha sông biển) trong các tình huống bão rất mạnh như bão số 3 để đảm bảo an toàn cho người trên phương tiện.
Bảo vệ không gian thoát lũ trên các lưu vực sông, lòng sông theo quy định của Luật Đê điều và Nghị Quyết số 24-NQ/TW Ban Chấp hành trung ương Đảng ngày 03/6/2013 là bảo vệ không gian thoát lũ trên các lưu vực sông, lòng sông, trước hết cho sông Hồng, sông Cửu Long, sông Cầu và các sông lớn khác.
Rà soát, điều chỉnh các quy định về tiếp nhận, phân bổ nguồn lực viện trợ, cứu trợ bằng tiền và hiện vật đảm bảo thống nhất quy trình, quy định và kịp thời.
Lãnh đạo các tỉnh, thành phố bị thiệt hại nặng nề do bão số 3 phát biểu tại hội nghị. (Ảnh: VGP/Nhật Bắc) |
Chính phủ ban hành Nghị định quy định chi tiết Luật Phòng thủ dân sự (Luật Phòng thủ dân sự số 18/2023/QH15 có hiệu lực từ ngày 01/7/2024), trong đó bảo đảm công tác phòng, chống thiên tai được vận hành thông suốt, hiệu lực, hiệu quả, kịp thời hơn và kế thừa, phát huy những điểm mạnh của tổ chức hiện có trong công tác tham mưu, chỉ đạo, điều hành.
Tăng cường bảo vệ, phát triển rừng
Về nông nghiệp, rà soát, bố trí sắp xếp, di dời người dân vùng có nguy cơ cao thiên tai, nhất là sạt lở đất, lũ quét khu vực miền núi đến nơi an toàn, đồng thời tạo sinh kế bền vững cho người dân ở nơi ở mới.
Rà soát, cơ cấu lại cây trồng, vật nuôi ở các vùng, các địa phương theo hướng thuận thiên, hiệu quả, bền vững hơn, an toàn trước thiên tai.
Tăng cường quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, nâng cao chất lượng rừng, nhất là rừng tự nhiên, phòng hộ.
Về cơ sở hạ tầng xây dựng công trình phòng, chống lũ quét, sạt lở đất tại các khu vực trọng điểm, xung yếu; xây dựng, lắp đặt các trạm cảnh báo lũ quét tự động tại những vùng có nguy cơ cao xảy ra lũ quét. Xây dựng bản đồ rủi ro thiên tai chi tiết đến các không gian bị chia cắt, các vùng ngập trong đô thị. Lấy mực nước cao nhất để làm cơ sở quy hoạch đô thị và nông thôn, quy hoạch hệ thống đê điều, thuỷ lợi. Xây dựng các tiêu chuẩn, quy chuẩn về quy hoạch và xây dựng cho vùng rủi ro thiên tai.
Tu bổ, nâng cấp, cải tạo hệ thống đê điều, hồ chứa thuỷ lợi, nhất là các trọng điểm đê điều xung yếu; củng cố, nâng cấp các tuyến đê sông, đê biển đảm bảo chống chịu được với các trận bão rất mạnh như bão số 3, lũ trên sông vượt lịch sử.
Tu bổ, nâng cấp công trình cơ sở hạ tầng đảm bảo sức chống chịu với thiên tai như đợt bão số 3, nhất là hạ tầng điện, viễn thông.
Quản lý chặt chẽ việc xây dựng nhà ở, cơ sở hạ tầng lấn chiếm lòng sông, suối, bạt sườn dốc làm gia tăng rủi ro thiên tai.
Rà soát, đánh giá hiện trạng hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông, trong đó tập trung các cầu yếu trên tuyến đường bộ, đường sắt huyết mạch để có phương án đầu tư sửa chữa, gia cố, nâng cấp, cải tạo, xây dựng mới đảm bảo yêu cầu phòng chống, ứng phó với các tình huống thiên tai, bão lũ xảy ra trong thời gian tới. Mở rộng khẩu độ thoát lũ các công trình qua sông, suối không đảm bảo khả năng thoát lũ.
Về nhân lực, kiện toàn Ban Chỉ đạo phòng thủ dân sự quốc gia, Ban Chỉ huy phòng thủ dân sự các cấp bảo đảm công tác phòng, chống thiên tai được vận hành thông suốt, hiệu lực, hiệu quả, kịp thời hơn và kế thừa, phát huy những điểm mạnh của tổ chức hiện có trong công tác tham mưu, chỉ đạo, điều hành.
Huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ trung ương tới cơ sở, của toàn hệ thống, các ngành, các cấp, các tổ chức, cá nhân trong phòng, chống thiên tai đảm bảo hoạt động hiệu lực, kịp thời.
Xây dựng, đào tạo lực lượng phòng, chống thiên tai, cứu hộ, cứu nạn chuyên nghiệp để triển khai trong các tình huống thiên tai lớn.
Huy động sự tham gia của các nhà khoa học, chuyên gia trong nghiên cứu, xây dựng chính sách, tiêu chuẩn, quy chuẩn, ứng dụng khoa học công nghệ trong phòng, chống thiên tai.
Các địa phương khẩn trương, rà soát thống kê đánh giá thiệt hại và thực hiện hỗ trợ ngay cho nhân dân, trước mắt áp dụng theo quy định tại Nghị định 02/2017/NĐ-CP cho đến khi ban hành Nghị định mới.
Tổ chức triển khai các văn bản chỉ đạo về khôi phục sản xuất nông nghiệp do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành.
Tích cực giải quyết các thủ tục hành chính khi doanh nghiệp, hợp tác xã, trang trại, chủ hộ sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp đề xuất, đầu tư các dự án mới tại địa phương. Thời gian giải quyết thủ tục hành chính không quá 1/2 thời gian tối đa được quy định tại pháp luật hiện hành.
Phối hợp, chỉ đạo các cơ quan quan thuế, cơ quan ngân hàng, tổ chức tín dụng trên thực hiện khoanh nợ, giãn nợ, giảm 100% thuế các khoản thuế phải nộp đến hết ngày 31/12/2025 đối với các doanh nghiệp, hợp tác xã, chủ hộ sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp bị thiệt hại do thiên tai gây ra. Tiếp tục cho vay với quy trình thủ tục rút gọn để sớm phục hồi sản xuất.