Những thanh âm đó cũng chính là khát vọng mà Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng mong muốn truyền cảm hứng đến tất cả cán bộ của Bộ KH&ĐT trong chương trình “Chia sẻ tầm nhìn 2019”, khẳng định chân lý “người khác làm được thì mình cũng làm được” ở tất cả các lĩnh vực đời sống, kinh tế - xã hội của đất nước.
Dàn hợp ca Hi Vọng |
Từ ý chí của người yếu thế
9 giờ sáng, Hội trường Bộ KH&ĐT đã đông kín, cùng với lãnh đạo các đơn vị trong bộ… Chương trình Chia sẻ tầm nhìn 2019 của Bộ Trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng còn có những vị khách mời là những con người đặc biệt - những người khuyến tật, yếu thế trong xã hội.
Chương trình được bắt đầu bằng những hình ảnh về những con người yếu thế, những nỗi đau của gia đình có con em rơi vào những hoàn cảnh đặc biệt này. Song những con người đó vẫn hằng ngày, hằng giờ khát khao được sống, vươn lên và được hòa nhập vào cộng đồng.
Một bản nhạc đầy ngẫu hứng vang lên khiến cả Hội trường lặng đi. Bản nhạc đó gần như đã chạm vào trái tim của tất cả những người có mặt trong hội trường, đâu đó có những giọt nước mặt lăn dài. Cậu bé 18 tuổi nhưng với tâm hồn của một đứa trẻ chỉ 5 – 6 tuổi đã truyền cảm hứng cho cả hội trường - đó là Nguyễn Trung Hiếu, đại diện cho cộng đồng tự kỷ Việt Nam, cũng là một trong những vị khách mời đặc biệt của chương trình.
Mặc dù bị tự kỷ nhưng Nguyễn Trung Hiếu biết chơi nhiều loại nhạc cụ và vẽ tranh |
Hiếu được biết đến là một trong những nhân vật điển hình về hành trình vượt lên chính mình trong cộng đồng những người tự kỷ. Chị Mai Anh (mẹ Hiếu) chia sẻ hành trình đưa con hòa nhập với cộng đồng đầy gian lao, có cả máu và nước mắt chỉ với một khát vọng mong Hiếu được hòa nhập với cuộc sống đời thường.
Những con người trong hội trường dường như xích lại gần nhau hơn khi Dàn hợp ca Hy vọng gồm 18 thành viên là những người khiếm thị, chạy thận… dưới sự dẫn dắt của GS. Tôn Thất Triêm - nghệ sỹ piano, xướng lên những ca khúc thể hiện khát vọng mãnh liệt, đã tạo nên điểm nhấn cho buổi gặp mặt Chia sẻ Tầm nhìn 2019 của Bộ trưởng Bộ KH&ĐT.
Đến khát vọng khơi thông sức mạnh con người
Chia sẻ về ý tưởng lấy người yếu thế làm trung tâm xuyên suốt khi chia sẻ về tầm nhìn năm 2019, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh rằng: “Những nghệ sĩ đặc biệt hôm nay - minh chứng cho niềm tin, cho sức mạnh và lòng quả cảm, vươn lên vượt qua chính mình, khẳng định chính mình, khẳng định chân lý “người khác làm được thì mình cũng làm được”.
Trước đó, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đã đi nhiều nơi, đến nhiều trung tâm, câu lạc bộ của những người khuyết tật, yếu thế… Nhìn những tấm thiệp, bông hoa hướng dương, những chiếc khăn, hay nhiều sản phẩm khác được làm nên bởi những người những đôi bàn tay khéo léo mới thấy được sức lao động, sáng tạo của họ dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào. Điều đó đã khẳng định họ là những người khuyết nhưng không yếu.
Mở đầu buổi chia sẻ, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng bày tỏ: “Chúng ta sẽ cùng nhau chia sẻ ước mơ và khát vọng về một nước Việt Nam thịnh vượng, hạnh phúc cho toàn dân. Năm Mậu Tuất sắp qua, năm Kỷ Hợi sắp tới, chúng ta không chỉ ước mơ và khát vọng về một năm phát triển bứt phá trên mọi lĩnh vực, mà còn về cả một chặng đường dài phía trước, vượt qua mọi chồng gai, khó khăn, thách thức; nắm bắt mọi cơ hội, giải phóng sức sản xuất, khơi thông nguồn lực, tìm kiếm những động lực đột phá mới của nền kinh tế, biến thách thức thành cơ hội và biến cơ hội thành hiện thực”.
Việt Nam được xem như là một quốc gia hình mẫu thành công trong công cuộc xóa đói giảm nghèo, đạt kết quả ấn tượng hoàn thành mục tiêu Thiên nhiên kỷ về xóa đói giảm nghèo trước thời hạn, tỷ lệ nghèo về thu nhập giảm liên tục, từ 58,1% vào năm 1993 (tương đương trên 40 triệu người nghèo) xuống còn 5,35% vào năm 2018 (tương đương gần 5 triệu người nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều). Đã có hàng chục triệu người thoát nghèo trong gần 30 năm qua. Đạt được kết quả này là nhờ có sự chung tay của nhà nước, của toàn dân, và nhất là nỗ lực vươn lên thoát nghèo bằng ý chí, quyết tâm của chính những người nghèo.
Bộ trưởng Bộ KH&ĐT khẳng định, kinh tế Việt Nam trong những năm gần đây đã đạt tốc độ tăng trưởng ấn tượng, ở mức cao so với các nước trong khu vực và thế giới. Đặc biệt, tốc độ tăng trưởng cao đó không phải đánh đổi bằng bất ổn vĩ mô, thâm dụng tài nguyên hay đẩy mạnh tín dụng.
Nền kinh tế đã đạt và vượt mục tiêu từ những nền tảng vững chắc trên hầu hết các lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp, xuất khẩu, đầu tư nước ngoài. Đó cũng chính là thành quả của quá trình tái cơ cấu kinh tế, hoàn thiện thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh và phát huy vai trò của Nhà nước kiến tạo. Chất lượng tăng trưởng kinh tế được nâng cao, dịch chuyển sang chiều sâu, hiệu quả sử dụng các yếu tố đầu vào cho nền kinh tế được cải thiện đáng kể. Hội nhập kinh tế ngày càng sâu rộng. Khu vực kinh tế tư nhân ngày càng phát triển và có sự đóng góp lớn hơn vào nền kinh tế…
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng nhấn mạnh, trong xu thế toàn cầu của Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc, phát triển đô thị thông minh được xem là phương thức phát triển tất yếu để giải quyết các vấn đề do tốc độ đô thị hóa nhanh, đồng thời là động lực giúp cải thiện môi trường kinh doanh, đem lại các cơ hội phát triển kinh tế nhanh và bền vững. Việt Nam đang phấn đấu đến năm 2025 có thể lựa chọn 6 đô thị thông minh đại diện cho 6 vùng kinh tế trọng điểm của cả nước.
Việt Nam đã xây dựng cách tiếp cận đúng đắn, lấy tăng trưởng kinh tế làm nền tảng, tạo nguồn lực để thực thi hiệu quả các chính sách xã hội, kết hợp giữa hỗ trợ của Nhà nước đối với người nghèo, các đối tượng yếu thế trong xã hội với tạo môi trường khuyến khích người nghèo, người yếu thế nỗ lực, tự vươn lên bằng chính sức của mình, hòa nhập với cộng đồng, xóa bỏ sự phân biệt trong xã hội nhằm tạo điều kiện để mọi người đều được hưởng lợi công bằng từ thành quả tăng trưởng kinh tế.
Song, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT cho rằng, số lượng người thiệt thòi, yếu thế vẫn còn nhiều trong xã hội. Do vậy, chúng ta không chỉ tập trung phát triển kinh tế mà còn phải chăm lo đến công tác xã hội để hướng tới mục tiêu lớn là phát triển xã hội công bằng, thực hiện thành công Chương trình nghị sự phát triển bền vững đến năm 2030, lấy con người làm trọng tâm của phát triển, phát triển bao trùm, không để ai bị bỏ lại phía sau.
Kết thúc về ý tưởng, tầm nhìn 2019, Bộ trưởng KH&ĐT khẳng định, mỗi con người Việt Nam đều có quyền vươn lên, có tinh thần dân tộc mãnh liệt, song điều cốt lõi phải khơi thông được niềm tự hào dân tộc, khơi thông được sức mạnh con người Việt Nam, từ đó khơi thông mọi nguồn lực trong xã hội.
Chia sẻ về sự nhân văn của chương trình Tầm nhìn 2019, một thành viên của dàn hợp ca Hi Vọng đã khẳng định: Chương trình đã chạm đến trái tim của mỗi con người, thôi thúc khát vọng và ý chí vươn lên, không chỉ của những người bình thường mà những người yếu thế cũng tự tin hơn trong xã hội. Mượn lời của vị Bộ trưởng để nhấn mạnh lại rằng: "Dù bạn là ai, bạn như thế nào, chỉ cần bạn có niềm tin, có kế hoạch và sự đầu tư, dám bước tới thì chắc chắn bạn sẽ thành công”.
Đúng, chỉ cần có niềm tin, có kế hoạch và sự đầu tư, cùng với tâm huyết của người đứng đầu và sự đoàn kết cả một tập thể, chắc chắn sẽ mang lại thành công.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: Cộng đồng người yếu thế là một phần của chúng ta. Tất cả các thành phần đều có quyền bình đẳng trong đóng góp vào sự phát triển cũng như bình đẳng trong hưởng lợi từ thành quả của sự phát triển, bảo đảm “không ai bị bỏ lại phía sau”. |