Đối thoại với Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, giáo viên mong mỏi được tăng lương Hơn 200 ý kiến "nóng" từ trường đại học, cơ sở giáo dục gửi Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo |
Lắng nghe tâm can của các nhà giáo
Tại cuộc gặp gỡ, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn chia sẻ vui mừng vì các nhà giáo quan tâm đến cuộc gặp hôm nay; đồng thời cho rằng: Các thầy cô còn nêu vấn đề, còn trao đổi, còn hỏi là còn đáng mừng. Sợ nhất là sĩ phu ngoảnh mặt với vấn đề của quốc gia, vấn đề giáo dục. Vì vậy, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn bày tỏ: Xin sẵn sàng đón nhận ý kiến, sự quan tâm, tầm nhìn, trí tuệ của các thầy cô.
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn: Xin sẵn sàng đón nhận ý kiến của các nhà giáo |
Đến từ Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, TS. Đinh Minh Hằng chia sẻ: Cần tạo động lực, khuyến khích nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ trong các trường đại học. Vì thực tế hiện nay, đầu tư cho nghiên cứu khoa học ở các trường đại học, cao đẳng còn khá nhỏ lẻ. Do đó, cần có những đề xuất và giải pháp, tùy thuộc vào thực tế nhà trường và năng lực của mỗi nhà khoa học. Trường Đại học Sư phạm Hà Nội sẵn sàng cung cấp nguồn nhân lực nghiên cứu khoa học để đạt được hiệu quả nghiên cứu.
Vì vậy, TS. Đinh Minh Hằng mong muốn Bộ trưởng cho biết, thời gian tới Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ có các giải pháp, chính sách ra sao để tạo động lực, khuyến khích nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ trong các trường đại học?
Đại diện Đại học Thái Nguyên - PGS.TS Nguyễn Danh Nam đề xuất đến Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo: Cần tạo môi trường tự do học thuật trong các trường đại học thông qua cơ chế của Nhà nước, đặc biệt là qua môi trường tự chủ đại học. Đồng thời, có kinh phí hỗ trợ nghiên cứu khoa học, đặc biệt với giảng viên trẻ giảng dạy, nghiên cứu khoa học.
Đại học Thái Nguyên là đại học vùng, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần có cơ chế đặt hàng với các đại học vùng, góp phần phát triển chiến lược vùng và chiến lược đất nước.
Ngoài ra, PGS.TS Nguyễn Danh Nam cũng đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo chia sẻ quan điểm về hai vấn đề: Thông tin một số điểm nghẽn quan trọng nhất của đại học Việt Nam hiện nay; quan điểm, tư tưởng cốt lõi của Bộ Giáo dục và Đào tạo trong chiến lược phát triển giáo dục đại học, góp phần vào việc phát triển đất nước.
PGS.TS Phạm Ngọc Minh - Trường Đại học Y Hà Nội kiến nghị sửa đổi quy định về điều kiện có thể trở thành giảng viên trường y, thay vì quy định phải có bằng thạc sĩ. Nên chăng sửa thành giảng viên trường đại học y phải có bằng thạc sĩ hoặc tương đương để các trường có thể vận dụng được.
Bên cạnh đó còn nhiều ý kiến tập trung vào các nhóm vấn đề như: Tự chủ đại học và vai trò đội ngũ giảng viên trong thực hiện tự chủ đại học; nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ; chuyển đổi số trong giáo dục và thích ứng của các trường đại học với chuyển đổi số; cơ sở vật chất, quy hoạch mạng lưới; có chính sách nâng cao đời sống của nhà giáo…
Tiếp tục điều chỉnh các chính sách cho phù hợp
Ngoài hơn 200 ý kiến, câu hỏi, thư trao đổi của thầy cô gửi về Ban tổ chức, cá nhân Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng nhận được hàng chục ý kiến qua email, tin nhắn bày tỏ quan tâm, chia sẻ; cả ý kiến mang tính chất vấn, kiến nghị, song vì thời gian có hạn nên Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn chỉ có thể trao đổi trực tiếp một số ý kiến, còn lại sau đó sẽ có cách trả lời theo nhóm các câu hỏi phù hợp.
Đối với ý kiến liên quan đến nghiên cứu khoa học; giải pháp phát triển năng lực giảng dạy, nghiên cứu khoa học của đội ngũ; vấn đề đầu tư và chính sách khác có liên quan… Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo khẳng định đây là vấn đề quan trọng với hệ thống giáo dục đại học.
Trong quản lý của Bộ Giáo dục và Đào tạo, năm 2022, Bộ đã tham mưu Chính phủ ban hành Nghị định 109/2022/NĐ-CP quy định về hoạt hoạt động nghiên cứu khoa học trong cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng; trong đó có quy định cơ chế khuyến khích giảng viên tham gia nghiên cứu khoa học, chế độ khuyến khích phát triển các nhóm nghiên cứu, lĩnh vực nghiên cứu.
Về chi phí cho nghiên cứu khoa học, chi phí từ Nhà nước bao giờ cũng là phần quan trọng nhưng có hạn. Cùng chi phí từ Nhà nước còn nhiều nguồn như: Nguồn thu từ tự chủ của trường đại học, bằng đặt hàng của doanh nghiệp, địa phương.
Do kinh phí nghiên cứu có hạn nên Bộ Giáo dục và Đào tạo ưu tiên đặt hàng những nghiên cứu cơ bản hoặc liên quan đến giáo dục, đến việc quản lý nhà nước của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Nhà trường phải hướng tới có được đặt hàng từ doanh nghiệp, địa phương để giải quyết vấn đề thực tiễn.
Với khối trường sư phạm, khoa học cơ bản, cơ quan nhà nước phải tăng cường dưới dạng kinh phí đề tài, nhiệm vụ nghiên cứu nhưng cần quan tâm chú trọng đặt hàng từ doanh nghiệp, địa phương…
Về vấn đề tự chủ đại học: Việt Nam đã thực hiện hơn 30 năm với khởi đầu là sự ra đời của 2 Đại học Quốc gia. Hiện nay có nhiều trường đại học đã tự chủ cao, tuy nhiên việc triển khai tự chủ đại học có một điểm vướng hay được nhắc đến là thể chế. Thực tế, Quốc hội đã ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục Đại học (Luật số: 34/2018/QH14), Nghị định 99/2019/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật, quy định nhiều nội dung chi tiết để thực hiện tự chủ… nhưng vẫn có sự xung đột, chồng chéo, chưa đồng bộ với các bộ luật khác, khiến cho quyền tự chủ của giáo dục đại học khó thực hiện một cách đầy đủ.
Điều này cần có quá trình điều chỉnh. Dự kiến năm 2023, Quốc hội, Chính phủ sẽ giao Bộ Giáo dục và Đào tạo xem xét, sửa đổi Luật số 34, từ đó tiếp tục mở đường cho tự chủ đại học được đúng hướng, có chiều sâu, thuận lợi cho cơ sở giáo dục đại học hơn...
Một khó khăn khác của thực hiện tự chủ là sự hiểu về tự chủ: Có nơi hiểu chưa hết, không dám làm hết nhưng cũng có nơi hiểu tự chủ là thích làm gì thì làm. Cả hai cách hiểu này đều dẫn đến sai lệch trong quá trình thực hiện.