Sắp ban hành Thông tư về Khung giá phát điện Ban hành phương pháp xây dựng khung giá phát điện nhà máy điện mặt trời và điện gió chuyển tiếp |
Tiếp tục kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, sáng 22/10, Quốc hội thảo luận ở tổ về: Kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên phát biểu tại phiên họp tổ |
Tại phiên họp tổ, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, liên quan lĩnh vực điện năng vừa qua, có ý kiến cho rằng Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn tới năm 2045 (Quy hoạch điện VIII) vẫn còn chậm. Việc chậm là có lý do.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên chia sẻ, mặc dù ở vị trí này được 1,5 năm nhưng ông đã ít nhất 3 lần trình quy hoạch điện VIII trên cơ sở quán triệt các Nghị quyết của Đảng, nhất là Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11/2/2020 của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Tuy nhiên, gần đây Việt Nam có những cam kết tại COP26, phấn đấu đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 nhằm xây dựng một nền kinh tế các-bon thấp bằng chuyển đổi sang năng lượng sạch. Theo đó cần phải có điều chỉnh theo cam kết.
“Quy hoạch điện VIII hiện nay giống như đang vẽ tranh trên nền bức tranh đã có, nên làm sao phải cho nó hài hòa giữa cơ cấu các nguồn điện, cơ cấu các vùng miền, bảo đảm giữa nguồn và truyền tải; quy hoạch”- Bộ trưởng nói và nhấn mạnh, quy hoạch thế nào để giải quyết vấn đề trước mắt cũng như lâu dài không bị lâm vào hậu quả pháp lý, đặc biệt là chuyển đổi năng lượng nhưng phải bảo đảm sau chuyển đổi giá thành điện năng phải phù hợp với khả năng tiêu dùng của người dân.
Người đứng đầu ngành Công Thương cho hay, sau 3 lần điều chỉnh, Quy hoạch điện VIII đã cơ bản đáp ứng được các mục tiêu, yêu cầu, các nghị quyết của Đảng đáp ứng được yêu cầu, khắc phục được những hạn chế của Quy hoạch của điện VII điều chỉnh và dần khắc phục những thách thức đối với cam kết của Việt Nam ở COP26.
Bộ trưởng cho hay, về việc ban hành cơ chế giá FIT đã giao cho Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các ngành xây dựng cơ chế giá cho những dự án điện chuyển tiếp, nhưng 3 năm đầu không ra được cách tính, bởi vì làm cách gì cũng mâu thuẫn.
Bởi vì trong quyết định nói nếu như dự án không được hưởng giá FIT thì giá chuyển tiếp phải có giá cạnh tranh, mà đã cạnh tranh phải đấu thầu, đấu giá nhưng nếu mở hai luật: Luật Giá và Luật Điện lực đem ra đấu giá sẽ vi phạm. Trong khi đó, bây giờ đấu giá là 1-2 năm, mà chính sách về giá FIT ổn định là 20 năm, việc đấu giá trong 1-2 năm, ngân hàng cho vay sẽ khó khẳng định được phương án tài chính.
"Cho nên muốn xây dựng cơ chế giá cho dự án điện chuyển tiếp phải thống nhất vừa đáp ứng được Luật giá và Luật điện lực" - Bộ trưởng nói.
Hiện Bộ Công Thương đã ban hành thông tư hướng dẫn xây dựng khung giá phát điện của nhà máy điện mặt trời, điện gió chuyển tiếp. Tập đoàn điện lực Việt Nam đã xây dựng xong đề xuất khung giá điện, Bộ sẽ thẩm định trong tuần này, dự kiến trong tháng 10 sẽ có khung giá theo đúng quy Luật Giá và đúng Luật Điện lực.
Đến ngày 18/11/2022 là thời điểm Thông tư của Bộ Công Thương quy định về khung giá có hiệu lực thì cũng là ngày có khung giá cho các dự án chuyển tiếp cũng như giá cho các dự án điện, năng lượng tái tạo tương lai.