Chất vấn Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm, đại biểu Nguyễn Thị Thủy - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Kạn nêu, hiện nay, tình trạng thông tin cá nhân đang được rao bán trên các hội, nhóm trên nền tảng mạng xã hội đang diễn biến phức tạp.
Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm trả lời chất vấn |
Mặc dù thời gian qua, công an các địa phương đã triệt phá nhiều đường dây mua bán thông tin cá nhân trên mạng xã hội. Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều đối tượng đang hoạt động và chưa bị phát hiện, xử lý.
Theo đó, đại biểu đề nghị Bộ trưởng Bộ Công an cho biết những giải pháp mà Bộ sẽ triển khai trong thời gian tới để phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý hiệu quả vấn đề này để cho người dân an tâm về thông tin cá nhân của mình sẽ không bị trôi nổi trên các nền tảng mạng xã hội?
Đại biểu Nguyễn Hoàng Uyên - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Long An chất vấn, hiện nay thông qua các trang mạng xã hội như Facebook, Zalo, Youtube, các thế lực thù địch đăng tải nhiều thông tin bịa đặt, mạo danh các cơ quan nhà nước, các cá nhân lãnh đạo Đảng và Nhà nước tung tin những nội dung không đúng sự thật, chưa được kiểm duyệt, gây hoang mang trong Đảng viên và quần chúng nhân dân. Nguy hiểm hơn, chúng cắt ghép logo, nhãn hiệu thể hiện như một bản tin thời sự của các đài truyền hình, gây ra sự hiểu nhầm cho người xem.
Mặc dù thời gian qua, Bộ Công an đã phối hợp với các bộ, ngành liên quan triển khai các biện pháp đấu tranh, xử lý các loại tội phạm này, tuy nhiên tình hình vẫn diễn biến phức tạp, gây hoang mang tâm lý cho người dân.
"Từ thực tế trên, yêu cầu Bộ trưởng cho biết những giải pháp để tăng cường đấu tranh, ngăn chặn và xử lý hiệu quả đối tượng tội phạm này, góp phần đảm bảo an ninh, an toàn thông tin trên môi trường mạng?" - đại biểu Nguyễn Hoàng Uyên đề nghị.
Trả lời chất vấn, Bộ trưởng Tô Lâm cho biết, thực trạng lộ lọt dữ liệu cá nhân ở Việt Nam và thế giới rất đáng báo động trong khi hành lang pháp lý chưa hoàn thiện, ý thức của người dân để bảo vệ thông tin chưa cao.
Để hạn chế tình trạng này, Bộ trưởng Bộ Công an cho biết, Bộ đã triển khai một số các giải pháp. Cụ thể, xây dựng và hoàn thiện hành lang pháp lý bảo vệ dữ liệu cá nhân thì đang tiến hành trình Chính phủ ban hành Nghị định về bảo vệ dữ liệu cá nhân. Bộ đã 10 lần trình rồi, tới đây sẽ ban hành Nghị định này để có căn cứ pháp lý nhằm bảo vệ dữ liệu cá nhân.
Dự kiến, năm 2024, sẽ nghiên cứu tham mưu cho Chính phủ trình ra Quốc hội để ban hành Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân. Trên thế giới có nhiều nước đã ban hành luật về bảo vệ dữ liệu cá nhân. Hiện nay, Nghị định về bảo vệ cá nhân trong thời gian tới sẽ được ban hành là căn cứ pháp lý, có cơ sở.
Tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân trong bảo vệ dữ liệu cá nhân, nhất là khi tham gia trên môi trường mạng. Điều tra xử lý nghiêm trường hợp làm lộ lọt, rao bán dữ liệu cá nhân theo quy định của pháp luật.
“Hiện chúng tôi đang điều tra vụ đối tượng rao bán 30 triệu dữ liệu cá nhân được cho là lấy nguồn gốc từ Bộ Giáo dục và Đào tạo, và một số cơ sở dữ liệu từ các ngành khác như y tế cũng có nguy cơ lộ lọt, sẽ tập trung xử lý những vụ việc này để hoàn thiện trong quá trình bảo vệ dữ liệu cá nhân” - Bộ trưởng Tô Lâm cho hay.
Bộ trưởng Tô Lâm cũng cho biết, Bộ Công an đã phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông triển khai nhiều giải pháp đấu tranh đồng bộ về pháp lý, kinh tế, kỹ thuật nhằm buộc các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ xuyên biên giới tuân thủ pháp luật Việt Nam. Qua đó, kiểm soát, hạn chế, ngăn chặn, gỡ bỏ kịp thời thông tin giả, xấu, độc hại, phản cảm trên mạng xã hội.
Bộ cũng đã đấu tranh, xử lý, xử phạt nghiêm minh với những hành vi cố tình đưa thông tin bịa đặt, sai sự thật lên mạng xã hội, hành vi xuyên tạc đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước, xuyên tạc lịch sử, bôi nhọ lãnh đạo Đảng, Nhà nước, phá hoại quan hệ quốc tế của đất nước; đồng thời tuyên truyền cảnh báo định hướng dư luận. Chủ động đấu tranh, ngăn chặn, gỡ bỏ, triệt phá, vô hiệu hóa thông tin xấu độc, tin giả, tin sai sự thật.
Bên cạnh đó, phát huy vai trò Ban Chỉ đạo 35 các cấp về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Ðảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch. Chủ động, kịp thời cung cấp thông tin chính thống một cách đầy đủ, toàn diện. Đồng thời, chỉ rõ những thủ đoạn, tính chất nguy hại của thông tin xấu độc đối với xã hội; trang bị kiến thức cần thiết để mỗi người có thể tự sàng lọc, tiếp nhận thông tin hữu ích, chính thống, đồng thời “miễn dịch” với những thông tin xấu, độc làm nhiễu loạn môi trường xã hội.