Nếu bỏ thanh tra huyện sẽ có “khoảng vắng”
Chiều ngày 26/5, Quốc hội thảo luận ở tổ về: Dự án Luật Thanh tra (sửa đổi). Đại biểu Quốc hội Lã Thanh Tân - đoàn Hải Phòng nhất trí việc cần thiết phải sửa đổi Luật cho phù hợp với điều kiện hiện nay.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại phiên họp tổ Quốc hội chiều ngày 26/5 |
Theo đại biểu đoàn Hải Phòng, việc tiếp tục duy trì mô hình tổ chức thanh tra huyện như Luật Thanh tra hiện hành là cần thiết, vì tổ chức thanh tra hành chính ở cấp huyện đã có quá trình hình thành và phát triển ổn định, lâu dài. Việc duy trì, củng cố cơ quan thanh tra hành chính ở cấp huyện để tham mưu, giúp Ủy ban nhân dân cùng cấp quản lý nhà nước về công tác thanh tra.
Đại biểu Quốc hội Đặng Bích Ngọc - đoàn Hoà Bình cho rằng, cấp huyện là nơi có nhiều lượng đơn thư khiếu nại tố cáo cơ sở. Vì vậy, nên có thanh tra huyện để tham mưu cho UBND huyện giải quyết khiếu nại tố cáo ngay tờ cơ sở. Nhất là thanh tra tỉnh không thể “bao phủ” hết việc giải quyết đơn thư từ cấp xã. Nếu không có thanh tra huyện sẽ khó khăn vì thế nên để thanh tra huyện nhằm đáp ứng yêu cầu hiện nay.
Các ý kiến cũng đồng tình việc giữ lại thanh tra cấp huyện vì cấp xã không tổ chức cơ quan thanh tra, nếu bỏ thanh tra huyện sẽ có “khoảng vắng” giữa cấp xã, phường và thanh tra tỉnh. Trong khi đó, công việc ở cơ sở, phường, xã ngày càng nhiều, càng phức tạp, thanh tra tỉnh khó thể bao quát được hết. Trong khi đó, hiện nay, theo quy định của Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo, trước khi đối thoại với dân, ban hành quyết định hành chính cũng phải có cơ quan thanh tra.
Đối với thanh tra cấp tỉnh, nhiều ý kiến cho rằng cần giao việc thành lập cho UBND cấp tỉnh theo đúng quy định của luật chuyên ngành và điều kiện của địa phương. Tuy nhiên, theo các đại biểu nếu chỉ dừng lại ở đó thì sẽ khó thực hiện mà cần tính đến việc thành lập bộ phận thanh tra ghép các lĩnh vực có tính chất tương đồng.
Xây dựng ngành thanh tra trong sạch, vững mạnh
Cho ý kiến về dự án Luật Thanh tra (sửa đổi), Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cơ bản tán thành với các nguyên tắc, quan điểm sửa đổi Luật như Tờ trình của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật của Quốc hội.
Đồng thời, đề nghị cơ quan tiếp tục rà soát để Luật lần này, quán triệt và cụ thể hóa tối đa chủ trương đường lối của Đảng về công tác thanh tra, tiếp tục cụ thể hóa Hiến pháp 2013 trong đó có chức năng, nhiệm vụ thanh tra, cũng như kiểm soát quyền lực nhà nước, bảo vệ quyền con người, quyền công dân và các tổ chức thuộc đối tượng thanh tra.
“Sau khi chúng ta sửa đổi luật, phải làm sao góp phần để nâng cao năng lực, hiệu lực và hiệu quả của ngành thanh tra và hoạt động thanh tra. Nói cách khác, phải xây dựng cho được ngành thanh tra trong sạch, vững mạnh, đáp ứng được yêu cầu trong công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng tiêu cực” - Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Theo Chủ tịch Quốc hội, phòng, chống tham nhũng tiêu cực không chỉ ở tác động của hoạt động thanh tra đến xã hội mà còn phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ngay trong chính hoạt động thanh tra như chỉ đạo của Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Do đó, hoạt động thanh tra phải bảo đảm công khai, minh bạch, đảm bảo các kết luận hay kiến nghị thanh tra được đưa ra trên cơ sở đánh giá khách quan, không ai có thể can thiệp, chi phối hoạt động này, cũng như giảm bớt phiền hà cho đối tượng thanh tra, tránh chồng chéo trùng lặp.
Về hệ thống cơ quan thanh tra theo cấp hành chính, dự thảo Luật kế thừa quy định về hệ thống tổ chức cơ quan thanh tra theo cấp hành chính như Luật Thanh tra hiện hành, gồm: Thanh tra Chính phủ, Thanh tra tỉnh và Thanh tra huyện. Trong quá trình thảo luận còn có 02 loại ý kiến. Loại ý kiến thứ nhất tán thành tiếp tục duy trì mô hình tổ chức Thanh tra huyện. Loại ý kiến thứ hai cho rằng cần nghiên cứu, có giải pháp đổi mới mạnh mẽ tổ chức và hoạt động của các cơ quan thanh tra, theo đó không tổ chức cơ quan thanh tra cấp huyện.
Cho ý kiến đối với nội dung này, Chủ tịch Quốc hội cho biết, ý kiến của các cơ quan của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và đa số ý kiến đại biểu Quốc hội cho thấy, không những cần tiếp tục giữ mô hình thanh tra 3 cấp gồm Trung ương, tỉnh và huyện mà còn cần tập trung tăng cường năng lực cho cấp huyện bởi cấp huyện là cấp cơ sở gần dân nhất, nhiều việc nhất.