Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự số 100/2015/QH13, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga cho biết, ngay sau kỳ họp, Ủy ban thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã chỉ đạo Ủy ban Tư pháp phối hợp cùng Cơ quan chủ trì soạn thảo, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Công an và các cơ quan hữu quan tích cực nghiên cứu tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội (ĐBQH); tổ chức nhiều cuộc tọa đàm, hội thảo; lấy ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học.
Dự thảo Luật đã được thảo luận tại Hội nghị ĐBQH hoạt động chuyên trách, gửi xin ý kiến các Đoàn ĐBQH, các bộ, ngành hữu quan và UBTVQH đã cho ý kiến tại 3 phiên họp gần đây. Quá trình tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật được thực hiện trên các quan điểm đã được Quốc hội thống nhất là việc sửa đổi, bổ sung không làm thay đổi những chính sách hình sự lớn đã được cơ quan có thẩm quyền cho ý kiến và Quốc hội khóa XIII quyết định; không dẫn đến phải sửa đổi, bổ sung các đạo luật đang lùi hiệu lực thi hành cùng với Bộ luật hình sự năm 2015 (BLHS năm 2015).
Để đảm bảo tính thống nhất, hiệu quả phù hợp sẽ tiếp tục rà soát, sửa đổi những sai sót về kỹ thuật, những quy định chưa thật sự hợp lý. Đồng thời bổ sung một số vấn đề mới phát sinh trong thực tiễn sau khi BLHS năm 2015 được thông qua để đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm trong tình hình mới.
Đặc biệt, trong kỳ họp lần này bên cạnh việc thảo luận về vấn đề phạm vi chịu trách nhiệm hình sự của người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi đối với Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác, Tội hiếp dâm và Tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản; sửa đổi một số điều luật có quy định tình tiết định lượng thành quy định tình tiết định tính liên quy định tại các điều 283, 284, 301, 304, 305, 306, 363 và 377 của BLHS năm 2015; các điều luật có khoản quy định nhắc lại cấu thành cơ bản... Quốc hội sẽ thảo luận cho ý kiến thêm về việc bổ sung Tội vi phạm quy định về kinh doanh theo phương thức đa cấp; Tội gây ô nhiễm môi trường và Tội vi phạm quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm.
Bổ sung điều luật về kinh doanh đa cấp
Cụ thể về tội vi phạm quy định về kinh doanh theo phương thức đa cấp (Điều 217a của dự thảo Luật), bà Nga cho biết, đa số ý kiến ĐBQH đề nghị bổ sung 01 điều luật mới về Tội vi phạm quy định về kinh doanh theo phương thức đa cấp để xử lý hình sự hành vi kinh doanh đa cấp trái phép, tránh để xảy ra hậu quả rồi mới xử lý về Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản như một số vụ án liên quan đến kinh doanh đa cấp vừa qua. Nhưng cũng có một số ý kiến đề nghị không bổ sung vào BLHS.
Tuy nhiên, UBTVQH nhận thấy, kinh doanh đa cấp là phương thức kinh doanh hiện đại, nếu tuân thủ đúng pháp luật thì sẽ phát huy hiệu quả. Ngược lại nếu kinh doanh theo phương thức đa cấp mà vi phạm quy định của pháp luật thì sẽ tiềm ẩn nguy cơ gây ra hậu quả rất lớn. Trên thực tế trong thời gian vừa qua, nhiều vụ kinh doanh đa cấp vi phạm quy định của pháp luật đã gây thiệt hại cho hàng chục nghìn người, chủ yếu là người dân nghèo ở các vùng nông thôn.
Do đó, trên cơ sở đa số ý kiến và theo đề nghị của Chính phủ, dự thảo Luật đã bổ sung Điều 217a - Tội vi phạm quy định về kinh doanh theo phương thức đa cấp.
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga |
Tăng định lượng đối với hành vi gây ô nhiễm môi trường (Điều 235 của BLHS năm 2015)
Việc sửa đổi điều 182 của BLHS năm 1999 về Tội gây ô nhiễm môi trường chỉ quy định mang tính định tính: gây hậu quả nghiêm trọng, hậu quả rất nghiêm trọng, hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, dẫn đến thực tiễn thi hành gặp nhiều khó khăn. Khắc phục hạn chế này, BLHS năm 2015 đã quy định chi tiết về hành vi và định lượng cụ thể về hậu quả gây ô nhiễm môi trường trên cơ sở đề xuất của các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành. Việc định lượng này là phù hợp nhằm đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm về môi trường đang diễn biến nghiêm trọng, phức tạp hiện nay.
Đồng thời với quan điểm nhất quán của Nhà nước ta là không chấp nhận đánh đổi môi trường vì lợi ích kinh tế trước mắt và phải bảo đảm phát triển bền vững. Do đó trên cơ sở đa số ý kiến đồng thuận, dự thảo Luật đã chỉnh lý theo hướng: hạ định lượng về mức xả thải và hạ số lần vượt quá quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường. Việc hạ xuống đến mức độ nào thì cần phải bảo đảm: mức định lượng vừa không quá cao để đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm về môi trường, vừa không quá thấp để tránh xử lý hình sự tràn lan; phù hợp với cơ sở khoa học và thực tiễn; đồng thời, cân đối với chính sách xử phạt hành chính hiện hành đối với các vi phạm về môi trường.
Đối với nước thải: Theo điểm c khoản 3 Điều 235 của BLHS năm 2015 quy định mức định lượng từ 1.000 mét khối (m3)/ngày đến dưới 10.000 mét khối (m3)/ngày nước thải có thông số môi trường nguy hại vượt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường từ 10 lần trở lên gắn với điều kiện “đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm” thì mới xử lý hình sự.
Dự thảo mới hạ mức định lượng xuống còn từ 500 mét khối (m3)/ngày đến dưới 5.000 mét khối (m3)/ngày nước thải có thông số môi trường nguy hại vượt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường từ 05 lần đến 10 lần hoặc từ 300 mét khối (m3)/ngày đến dưới 500 mét khối (m3)/ngày nước thải có thông số môi trường nguy hại vượt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia 10 lần trở lên. Đồng thời, trong một số trường hợp (điểm c khoản 1 Điều 235 của dự thảo Luật) lượng nước thải hoặc số lần vượt quá quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường dưới các mức định lượng như trên thì phải gắn với điều kiện đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm thì mới xử lý hình sự.
Đối với khí thải: điểm d và đ khoản 1 Điều 235 của dự thảo Luật cũng được sửa đổi tương tự theo hướng hạ mức định lượng về lượng khí thải và số lần vượt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường.
Xử lý nghiêm vi phạm về an toàn thực phẩm
Tội vi phạm quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm (Điều 317 của BLHS năm 2015), đa số ý kiến ĐBQH cho rằng, cần bổ sung định lượng nhằm tránh việc xử lý hình sự quá rộng, tuy nhiên cần có sự phân hóa giữa việc sử dụng chất cấm và sử dụng chất chưa được phép lưu hành, chưa được phép sử dụng tại Việt Nam. Tuy niên cũng có ý kiến đề nghị không sửa Điều này để xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm đang xảy ra phổ biến hiện nay.
UBTVQH nhận thấy, việc định lượng để làm căn cứ xử lý hình sự đối với hành vi vi phạm quy định về an toàn thực phẩm là cần thiết, khả thi, tránh việc mở rộng phạm vi về đối tượng xử lý hình sự, trong đó có nhiều hộ nông dân, cá nhân sản xuất nông nghiệp, chế biến và kinh doanh thực phẩm nhỏ, lẻ. BLHS chỉ nên xử lý các trường hợp vi phạm quy định về an toàn thực phẩm mà thực phẩm có giá trị lớn, thu lợi bất chính lớn, hậu quả gây ngộ độc cho nhiều người, gây tổn hại nghiêm trọng cho sức khỏe của người khác… Các trường hợp khác chưa đến mức xử lý hình sự thì cần tăng cường công tác quản lý nhà nước, nhất là xử lý hành chính nghiêm cũng đủ răn đe, phòng ngừa và hạn chế đáng kể tình trạng vi phạm về an toàn thực phẩm.
Trong sáng nay, ngoài các nội dung trên, nhiều đại biểu Quốc hội đã phát biểu ý kiến và tranh luận về các vấn đề như quy định trách nhiệm hình sự của pháp nhân và việc mở rộng trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại; quy định về hành vi buôn lậu thuốc lá; hành vi bạo loạn...
Chiều nay, Quốc hội tiếp tục làm việc tại Hội trường.