Bộ Quốc phòng vừa có phản hồi chính thức đối với kiến nghị của cử tri tỉnh Bình Thuận về việc quản lý, sử dụng pháo hoa trong các dịp lễ, Tết và lo ngại về tính độc quyền trong cung cấp sản phẩm này.
Theo văn bản từ Văn phòng Chính phủ, cử tri đã đặt câu hỏi về tính phù hợp của việc cho phép người dân sử dụng pháo hoa do Bộ Quốc phòng cung cấp với chỉ thị cấm đốt pháo từ năm 1990, cũng như những lo ngại về việc độc quyền cung cấp pháo hoa có thể dẫn đến các tiêu cực trong quản lý, mua bán.
Bộ Quốc phòng vừa có phản hồi chính thức đối với kiến nghị của cử tri tỉnh Bình Thuận về việc quản lý, sử dụng pháo hoa trong các dịp lễ, tết - Ảnh minh hoạ bởi iscan.vn |
Cụ thể cử tri kiến nghị như sau: "Cử tri phản ánh, từ năm 1990, Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ thị về cấm đốt pháo hoa và được cả nước ủng hộ vì các tác hại của việc đốt pháo gây ra. Tuy nhiên, vài năm gần đây, người dân được phép mua và sử dụng một số loại pháo hoa trong dịp lễ, tết do Bộ Quốc phòng cung cấp. Cử tri đặt câu hỏi việc này có phù hợp với chỉ thị của Thủ tướng không? Bên cạnh đó, cử tri lo ngại việc độc quyền cung cấp sản phẩm pháo hoa có thể dẫn đến các tiêu cực trong quản lý, mua bán sản phẩm này" .
Trả lời về vấn đề này, Bộ Quốc phòng dẫn chiếu Nghị định số 137/2020/NĐ-CP ban hành ngày 27/11/2020, quy định rõ ràng về việc quản lý và sử dụng pháo. Cụ thể, cơ quan, tổ chức và cá nhân có đầy đủ năng lực hành vi dân sự được phép sử dụng pháo hoa trong các dịp như lễ, tết, sinh nhật, cưới hỏi và nhiều sự kiện khác.
Việc người dân mua pháo hoa trong các dịp này chỉ được phép thực hiện thông qua các doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng, đảm bảo đúng quy định pháp luật. Như vậy, Bộ Quốc phòng khẳng định việc cho phép người dân sử dụng một số loại pháo hoa hiện nay hoàn toàn không trái với chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ ban hành từ năm 1990.
Đối với lo ngại về việc độc quyền cung cấp pháo hoa có thể dẫn đến các tiêu cực, Bộ Quốc phòng giải thích rõ, pháo hoa thuộc danh mục hàng hóa và dịch vụ thực hiện độc quyền nhà nước theo Nghị định số 94/2017/NĐ-CP.
Việc chỉ các tổ chức, doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng được phép sản xuất và kinh doanh pháo hoa là nhằm đảm bảo quản lý chặt chẽ hoạt động này, ngăn ngừa các vi phạm liên quan đến an ninh, trật tự và an toàn xã hội.
Ngoài ra Bộ cùng nêu thêm: "Nghị định số 137/2020/NĐ-CP của Chính phủ đã có quy định cụ thể về nguyên tắc quản lý, sử dụng pháo, thuốc pháo (Điều 4), các hành vi bị nghiêm cấm (Điều 5); đồng thời quy định cụ thể về trách nhiệm của các bộ, ngành và Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong việc quản lý, sử dụng pháo, gồm: Bộ Công an (Điều 20), Bộ Quốc phòng (Điều 21), Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (Điều 22), các bộ, ngành có liên quan (Điều 23), Ủy ban nhân dân các cấp (Điều 24)".
Bên cạnh đó, các hành vi bị nghiêm cấm trong việc quản lý, sử dụng pháo hoa đã được quy định cụ thể tại Nghị định số 137/2020/NĐ-CP, và việc xử lý vi phạm trong lĩnh vực này cũng được điều chỉnh bởi Nghị định số 144/2021/NĐ-CP về xử phạt hành chính trong các lĩnh vực an ninh, trật tự, phòng chống cháy nổ và bạo lực gia đình.
Bộ Quốc phòng nhấn mạnh rằng, hệ thống các quy định này nhằm ngăn chặn các tiêu cực trong quản lý và sử dụng pháo hoa, đồng thời bảo đảm trật tự và an toàn xã hội.
Với phản hồi này, Bộ Quốc phòng mong muốn giải tỏa lo ngại của cử tri về tính minh bạch và chặt chẽ trong quản lý pháo hoa, đồng thời khẳng định rằng việc quản lý này đã được xây dựng dựa trên nguyên tắc bảo vệ an ninh quốc gia và lợi ích công cộng.
Qua đó, việc độc quyền cung cấp pháo hoa thuộc quyền hạn của nhà nước, được thực hiện nghiêm ngặt theo pháp luật nhằm đảm bảo an toàn cho người dân và xã hội.