Theo đó, Đại tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng các đồng chí thuộc đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.
Dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp, sau khi được Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ VI, Quốc hội khóa XV, đa số các ý kiến thống nhất với các nội dung tại dự thảo luật, nhất trí việc thành lập quỹ công nghiệp quốc phòng, an ninh và quy định về tổ hợp công nghiệp quốc phòng.
Đại tướng Phan Văn Giang dự và phát phát biểu tại Hội nghị tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp. Ảnh: Báo QĐND |
Phát biểu tại hội nghị, các cử tri nhất trí cao về tầm quan trọng, sự cần thiết của việc xây dựng Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp; đồng thời làm rõ sự một số vấn đề về cơ chế, chính sách đặc thù đối với lĩnh vực đặc biệt của công nghiệp quốc phòng, an ninh làm cơ sở để cơ quan chủ trì soạn thảo bổ sung, hoàn chỉnh dự thảo luật.
Ghi nhận, đánh giá cao ý kiến của các cử tri, Đại tướng Phan Văn Giang nhấn mạnh: Công nghiệp quốc phòng là lĩnh vực đặc thù. Để xây dựng, phát triển công nghiệp quốc phòng góp phần bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa, giữ nước từ khi nước chưa nguy, cần hoàn thiện hệ thống pháp luật về công nghiệp quốc phòng, động viên công nghiệp, trong đó phải có những cơ chế, chính sách vượt trội nhằm tạo cú hích, thúc đẩy sự phát triển của lĩnh vực đặc thù này.
Theo Đại tướng Phan Văn Giang, hiện nay, dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp gồm 7 chương, 86 điều có liên quan đến nhiều lĩnh vực, nhất là về nguồn lực tài chính, quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, đầu tư, khoa học, công nghệ, hệ thống tổ chức, động viên công nghiệp, xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao, chính sách đối với người lao động là chuyên gia, nhà khoa học đầu ngành, Tổng công trình sư... Đồng thời, thể chế quan điểm, đường lối, chủ trương của Đảng về xây dựng, phát triển công nghiệp quốc phòng, an ninh tự lực, tự cường, lưỡng dụng, hiện đại, trở thành mũi nhọn của công nghiệp quốc gia; tăng cường tiềm lực, tận dụng và phát triển liên kết công nghiệp quốc phòng, an ninh và công nghiệp dân sinh.
“Trong dự thảo luật đã đưa ra nhiều chính sách mới, đặc thù, có tính đột phá để thúc đẩy sự phát triển của công nghiệp quốc phòng, an ninh; theo thống kê, dự thảo luật quy định 37 chính sách đặc thù, vượt trội hơn so với các chế độ, chính sách hiện hành ở các luật có liên quan; bảo đảm xây dựng được nền công nghiệp quốc phòng chủ động, tự lực, tự cường, lưỡng dụng, hiện đại trở thành mũi nhọn của công nghiệp quốc gia”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Đại tướng Phan Văn Giang và các đại biểu tặng quà cán bộ, công nhân viên, người lao động Nhà máy Z131 - Tổng cục Công nghiệp quốc phòng. Ảnh: Báo QĐND |
Tại hội nghị tiếp xúc cử tri, Đại tướng Phan Văn Giang mong muốn cấp ủy, chính quyền các cấp và cử tri tỉnh Thái Nguyên tích cực phối hợp, hỗ trợ, giúp đỡ các đơn vị Quân đội đóng quân trên địa bàn trong thực hiện nhiệm vụ; tuyên truyền, phổ biến, triển khai thi hành luật trong thực tiễn khi dự thảo luật được Quốc hội thông qua.
Chiều cùng ngày, thay mặt Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, Đại tướng Phan Văn Giang đã trao 50 suất quà tặng cán bộ, công nhân viên, người lao động là gia đình chính sách, bệnh nghề nghiệp và hoàn cảnh khó khăn của Nhà máy Z131 (Tổng cục Công nghiệp quốc phòng).