Ông Phi bên giàn cà chua ngọt đã cho ra quả.
CôngThương - Thập niên 1990, ông Phi phân phối dâu tây Đà Lạt cho các siêu thị, nhà hàng ở TP HCM. Có thời điểm, chỉ mình ông đã gom hết một nửa sản lượng mỗi ngày, phân phối đi cần Thơ, Vũng Tàu, Hà Nội. Hơn 10 năm sau, khi đã có chút tích lũy, ông trở về quê nhà làm vườn theo mô hình rau sạch (một hướng mới được đề cao vào thời đó) để thực hiện nốt ước mơ còn dang dở thời trai trẻ.
Về vùng Đạ Nghịt, huyện Lạc Dương, ông mua một lúc mấy ha đất để mở vườn và rủ thêm bạn bè ở Sài Gòn đầu tư. Chính vì sử dụng nhiều đất khiến dòng vốn nhanh chóng cạn kiệt, ông Phi phải vay mượn thêm để san ủi, cải tạo dần diện tích đã gom.
Vườn dâu tây công nghệ cao của ông Phi. |
Vào năm 2002 , một số công ty nước ngoài ký hợp đồng trồng rau bó xôi xuất khẩu với nhà vườn Đà Lạt. Nắm trong tay diện tích canh tác lớn và có khả năng liên kết với những nông hộ khác nên ông có thể đáp ứng đủ số lượng theo yêu cầu của đối tác ngoại. Sau thời gian ngắn trở thành đầu mối cung cấp rau cho doanh nghiệp ngoại, ông nhận thấy mô hình này chưa hiệu quả khi nhân lực thiếu, vốn hạn chế. Có lúc ông cho thuê đất, chỉ làm trên diện tích nhỏ và tạm ngừng ý tưởng kinh doanh rau, dâu tây sạch của mình
Gần 2 năm nay, khi người vợ từ Sài Gòn quyết định lên Đà Lạt làm vườn cùng, ông mới mạnh dạn bán một số đất đã đầu tư ở vùng Lạc Dương để mua 3.000 m2 tại một thung lũng gần sát với khu du lịch Đồi Mộng Mơ của Đà Lạt trồng dâu tây theo công nghệ cao và rau cao cấp.
Xây dựng 1.000 m2 nhà kính theo công nghệ cao tốn 170 triệu đồng (cao hơn nhà kính bình thường 30%), chưa kể hàng loạt hạng mục khác phải làm cùng lúc như: khoan giếng để lấy nguồn nước sạch, máy móc, hệ thống tưới nhỏ giọt… "Đó chỉ là đầu tư cơ bản, để canh tác còn phải mua giống và vật tư cũng cần rất nhiều tiền nên không còn cách nào khác là tiếp tục vay vốn", ông nhớ lại.
Gần một năm san ủi mặt bằng, dựng nhà kính và lắp đặt các thiết bị, hiện khu vườn 3000 m2 này bắt đầu cho thu hoạch. Phần lớn diện tích dành cho trồng dâu tây, một phần dùng để phối hợp cùng Trung tâm khuyến nông Lâm Đồng thử nghiệm trồng rau hữu cơ bằng phương pháp thủy canh hồi lưu và cà chua ngọt cao cấp.
Với cây dây tây, ông Phi có thuận lợi lớn về giống, vì trước đây ông cho một doanh nghiệp Nhật thuê 1000 m2 đất để trồng thử nghiệm dâu tây. Sau quá trình trồng thử nghiệm, doanh nghiệp này sang lại cho ông vườn giống. Từ đó, ông tiếp tục nhân giống bằng phương pháp thủ công và cho vào ống nghiệm.
Toàn bộ vườn dâu của ông Phi được làm giàn cách mặt đất một mét, phủ bạt ni lông và trồng trên giá thể sơ dừa kết hợp với các loại dinh dưỡng khác. Giống dâu tây này ở Đà Lạt rất hiếm và được thị trường ưa chuộng vì trái mềm, thơm và ngọt hơn giống dâu Mỹ đá mà đa số nhà vườn Đà Lạt đang canh tác.
Do đó, một ký dâu tây của ông Phi hiện tại được thu mua với giá 150.000 đồng, trong khi giá dâu bình thường tại Đà Lạt chỉ 25.000 đồng. Chênh lệch lớn nhưng hàng của ông vẫn rất đắt khách, nhất là những người có thu nhập cao, coi trọng chất lượng sản phẩm. Trung bình mỗi ngày ông tiêu thụ khoảng 30 kg, thu về 4,5 triệu đồng.
Thời gian xuống giống và làm các hệ thống phục vụ canh tác phải thuê khá nhiều lao động phổ thông, nhưng hiện tại ngoài hai vợ chồng ông Phi chỉ có 2 nhân viên nữ vừa lo khâu kỹ thuật và trực tiếp chăm sóc, một nhân viên nam phụ trách hệ thống điện, nước.
Khu vườn này được canh tác bằng phương pháp hữu cơ kết hợp vô cơ. Để cây phát triển tốt, hàng ngày phải đo độ ẩm và nhiệt độ không khí. Nếu nhiệt độ trong nhà kính từ 30 độ C trở lên sẽ dùng mái che lưới đen hoặc phun nước, khi độ ẩm cao trên 95% (tức thích hợp cho nấm bệnh phát triển) sẽ có sự can thiệp kịp thời.
Hiện vườn dâu bắt đầu cho thu hoạch nhiều và người con gái lớn của ông về Sài Gòn mở rộng thêm thị trường tiêu thụ.
Ông Vương Đình Phi tiết lộ đang hợp tác với một người ở TP HCM để phát triển 8.000 m2 dâu tây ở vùng đất Đạ Nghịt đã mua trước đây. Còn vườn dâu tây 3.000 m2 này, với vị trí thuận lợi, ông đang ấp ủ để làm mô hình vườn tham quan du lịch.
Trong vườn cũng đã thử nghiệp thành công giống cà chua ngọt của Nhật theo quy trình hữu cơ. Kích cỡ trái cà chua này nhỉnh hơn trái nho Mỹ và người ta vẫn thường dùng ăn tươi, tráng miệng sau bữa chính. Hiện ông Phi vận động những hộ xung quanh cùng theo mô hình của ông và sẵn sàng hướng dẫn về kỹ thuật để đón đầu xu hướng thị trường.