Tại cuộc họp báo chiều 20/6, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, ngày 19/6, Bộ Chính trị đã kết luận về cải cách tiền lương; điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp ưu đãi người có công và trợ cấp xã hội từ ngày 1/7/2024.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà |
Chưa bỏ mức lương cơ sở và hệ số lương
Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà cho biết, ngày 19/6, Bộ Chính trị quyết định chủ trương về cải cách tiền lương. Đây là vấn đề hệ trọng, lớn, phức tạp, tác động tới hàng chục triệu đội ngũ trong khu vực công, tác động tới khoảng 50 triệu đối tượng hưởng cơ chế chính sách gắn với lương cơ sở.
Do đó, việc tính toán điều chỉnh mức lương phải đảm bảo nguyên tắc thận trọng, chắc chắn, kỹ lưỡng, toàn diện, đồng bộ, cụ thể, không thể nóng vội.
"Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo cải cách tiền lương trong những năm qua đã có 21 cuộc họp bàn để cân nhắc, thận trọng ra được phương án tốt nhất có thể. Chúng tôi cũng thực hiện trên tinh thần chung, làm từng bước và theo lộ trình, cái gì khó khăn, vướng mắc, bất cập thì không nôn nóng, phải thận trọng, nếu chưa rõ tiếp tục báo cáo các cấp có thẩm quyền", bà Trà khẳng định.
Bộ trưởng chia sẻ khi cải cách tiền lương phải tăng lương và nếu cải cách tiền lương mà không đạt được mục tiêu tăng lương thì không có ý nghĩa gì nữa. Do đó, phải bám sát Nghị quyết 27 nghiên cứu, đưa ra phương án phù hợp, để tất cả các đối tượng liên quan phải được tăng lương.
Theo Bộ trưởng Bộ Nội vụ, sau nhiều lần họp Ban Chỉ đạo cải cách tiền lương và Thường trực Chính phủ, các ban, bộ, ngành liên quan; trên cơ sở Kết luận của Bộ Chính trị tại cuộc họp ngày 19/6, Chính phủ đề xuất giải pháp thực hiện Nghị quyết số 27 đối với khu vực công theo lộ trình, từng bước, hợp lý, thận trọng, khả thi.
Theo đó, thực hiện 4/6 nội dung cải cách tiền lương khu vực công của Nghị quyết số 27 đã rõ, đủ điều kiện thực hiện. Còn 2 nội dung chưa thực hiện gồm các bảng lương mới (bỏ mức lương cơ sở và hệ số lương); cơ cấu lại và sắp xếp thành 9 chế độ phụ cấp mới, do phát sinh nhiều bất cập, cần phải tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện từng bước, thận trọng; đồng thời phải rà soát trình cấp có thẩm quyền xem xét sửa đổi hoặc bãi bỏ các quy định liên quan đến mức lương cơ sở.
Giải quyết thủ tục hành chính cho người dân tại bộ phận "một cửa" UBND huyện Mỹ Đức. Ảnh: Quang Thái |
Tăng lương cơ sở 30%
Người đứng đầu Bộ Nội vụ cũng cho biết, theo phương án cải cách tiền lương, từ ngày 1/7 tới đây, tiền lương bình quân chung của tất cả cán bộ, công chức, viên chức sẽ được tăng khoảng 30%, trên cơ sở giữ mức lương cơ sở.
Như vậy, mức lương cơ sở 1,8 triệu đồng/tháng đang được áp dụng đối với cán bộ, công chức, viên chức hiện nay sẽ được tăng lên 2,34 triệu đồng/tháng.
"Mức tăng lương cơ sở từ 1,8 triệu đồng hiện nay lên 2,34 triệu đồng/tháng (30%) là mức tăng cao nhất từ trước đến nay, góp phần cải thiện đời sống người hưởng lương và các đối tượng hưởng chế độ phụ cấp, trợ cấp và các chính sách hỗ trợ gắn với mức lương cơ sở", Bộ trưởng Nội vụ nhấn mạnh.
Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà khẳng định việc này tạo động lực nâng cao năng suất và hiệu quả làm việc, góp phần ổn định xã hội, thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đối với đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và các đối tượng hưởng chế độ, chính sách trợ cấp, phụ cấp trong bối cảnh đất nước còn nhiều khó khăn.
Việc tăng lương cơ sở cũng giúp cải thiện đời sống người hưởng lương và trợ cấp; đồng thời góp phần thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, bảo đảm ổn định chính trị xã hội.
Việc thực hiện các nội dung của cải cách chính sách tiền lương và tăng mức lương cơ sở 30% nêu trên góp phần thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế - xã hội.
Phương án này cũng bảo đảm khả năng chi trả của ngân sách nhà nước giai đoạn 2024 - 2026. Theo tính toán của Bộ Tài chính, tổng nhu cầu kinh phí điều chỉnh lương cơ sở tăng 30%, thực hiện tiền thưởng 10% quỹ lương cơ bản, điều chỉnh lương hưu và trợ cấp lũy kế 3 năm 2024 - 2026 tăng thêm là hơn 900.000 tỷ đồng. Với số tiền này, Chính phủ bảo đảm đủ nguồn để thực hiện.
Đây là những nỗ lực rất lớn của Chính phủ trong việc triển khai Nghị quyết 27 của Trung ương để góp phần cải thiện đời sống người hưởng lương và các đối tượng hưởng chế độ phụ cấp, trợ cấp và các chính sách hỗ trợ gắn với mức lương cơ sở.
Trong những tháng cuối năm, Bộ Nội vụ ưu tiên nguồn lực để tập trung xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách; tổ chức triển khai thực hiện các nội dung cải cách tiền lương; điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp ưu đãi người có công và trợ cấp xã hội để thực hiện từ ngày 1/7/2024.
Cùng với đó, tập trung hoàn thành việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2025 xong trong năm 2024 để các địa phương tập trung tổ chức đại hội đảng ở cơ sở vào năm 2025.