Bộ Nội vụ nói gì về kiến nghị mở rộng đối tượng tinh giản biên chế Bộ Nội vụ thanh tra công tác cán bộ hơn 30 đơn vị tại Lâm Đồng Công bố điểm sàn ngành đào tạo giáo viên năm 2024 |
Trước kỳ họp thứ 7, Quốc hội khoá XV, liên quan đến chính sách lương cho giáo viên phổ thông, Bộ Nội vụ nhận được kiến nghị của Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng như sau: ''Đề nghị khi điều chỉnh chính sách lương mới cần đảm bảo các chế độ cho giáo viên như phụ cấp ưu đãi, phụ cấp thâm niên,… để đảm bảo trang trải cuộc sống, an tâm công tác, hạn chế tình trạng giáo viên bỏ nghề như thời gian qua''.
Về vấn đề trên, Bộ Nội vụ phản hồi, căn cứ Kết luận số 83-KL/TW của Bộ Chính trị về cải cách tiền lương và Nghị quyết Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV, từ ngày 1/7/2024 đã thực hiện điều chỉnh tiền lương khu vực công từ 1.800.000 đồng/tháng lên 2.340.000 đồng/tháng (tăng 30%).
Đồng thời, chế độ tiền thưởng đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang vẫn tiếp tục thực hiện các chế độ phụ cấp hiện hành. Trong đó có phụ cấp ưu đãi và phụ cấp thâm niên đối với nhà giáo. Do đó, trong quá trình thực hiện các chế độ phụ cấp, nhất là chế độ phụ cấp thâm niên nghề, nếu phát sinh bất hợp lý, Bộ Nội vụ sẽ phối hợp với các bộ, cơ quan quản lý ngành, lĩnh vực nghiên cứu trình cấp có thẩm quyền xem xét sửa đổi, bổ sung cho phù hợp.
Bên cạnh đó, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Lắk cũng có kiến nghị, khi thực hiện cải cách tiền lương theo Nghị quyết 27-NQ/TW, cần xem xét việc cải tiến tiền lương đối với cán bộ, công chức, người lao động đối với ngành y tế, giáo dục cho phù hợp, tương thích với đặc thù về đào tạo và trách nhiệm của ngành.
Đối với kiến nghị của tỉnh Đắk Lắk, Bộ Nội vụ cho biết căn cứ Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 21/5/2018 của Hội nghị Trung ương 7 khóa XII về cải cách chính sách tiền lương, Kết luận số 64-KL/TW của Hội nghị Trung ương 8 khóa XIII về kinh tế - xã hội năm 2023-2024 và Nghị quyết số 104/2023/QH15 của Quốc hội khóa XV của Quốc hội về dự toán ngân sách nhà nước năm 2024, Bộ Nội vụ đã chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan xây dựng và báo cáo Chính phủ, Bộ Chính trị, Quốc hội những vướng mắc, bất cập nếu thực hiện các bảng lương mới.
Theo đó, Bộ Chính trị đã có Kết luận số 83-KL/TW ngày 21/6/2024 và Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 142/2024/QH15 chỉ đạo thực hiện cải cách chính sách tiền lương khu vực công theo lộ trình, bảo đảm phù hợp với khả năng nền kinh tế, ngân sách nhà nước và sự đồng thuận của xã hội.
Căn cứ Kết luận của Bộ Chính trị và Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 73/2024/NĐ-CP quy định mức lương cơ sở và chế độ tiền thưởng đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang, gồm các nội dung sau:
Một là, điều chỉnh mức lương cơ sở từ 1.800.000 đồng/tháng lên 2.340.000 đồng/tháng từ ngày 01/7/2024 (tăng thêm 30%).
Hai là, thực hiện tiền lương và thu nhập đối với các cơ quan, đơn vị đang được áp dụng các cơ chế tài chính, thu nhập đặc thù ở Trung ương.
Ba là, thực hiện chế độ tiền thưởng trên cơ sở thành tích công tác đột xuất và kết quả đánh giá, xếp loại mức độ hoàn thành nhiệm vụ hằng năm của các đối tượng hưởng lương từ ngân sách nhà nước (quỹ tiền thưởng bằng 10% tổng quỹ tiền lương, không bao gồm phụ cấp). Đồng thời, giao trách nhiệm cho người đứng đầu cơ quan, đơn vị xây dựng Quy chế cụ thể để thực hiện chế độ tiền thưởng áp dụng đối với các đối tượng trong danh sách trả lương của cơ quan, đơn vị.
Bốn là, quy định rõ nguồn kinh phí để thực hiện tăng thêm 30% mức lương cơ sở và chế độ tiền thưởng từ ngày 1/7/2024.