Bộ Nội vụ đề xuất 5 trường hợp cho cán bộ lãnh đạo từ chức Bộ Nội vụ mở rộng tiêu chí tạm đình chỉ công tác với công chức Bộ Nội vụ bãi bỏ 20 văn bản quy phạm pháp luật về công tác cán bộ |
Trước Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Thuận phản ánh lực lượng cán bộ thôn, khu phố hiện nay phải đảm nhận khối lượng công việc rất lớn, nhất là làm cầu nối đưa các Nghị quyết, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước đến cử tri.
Tuy nhiên, lực lượng này mặc dù công việc nhiều, đôi lúc chiếm cả thời gian làm các công việc lao động chính nhưng mức chi phí, phụ cấp thì rất thấp. Các chức danh cấp phó hoặc chức danh hội, đoàn thể hầu như không có phụ cấp. Do đó, cử tri kiến nghị Bộ Nội vụ cần quan tâm đến phụ cấp của lực lượng này.
Ghi nhận phản ánh kể trên, Bộ Nội vụ thông tin rằng theo Điều 34 Nghị định số 33/2023/NĐ-CP ngày 10/6/2023 của Chính phủ quy định về cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố đã giao thẩm quyền cho chính quyền địa phương cấp tỉnh quy định cụ thể mức phụ cấp của từng chức danh người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố.
Theo đó, mức hỗ trợ hàng tháng đối với người trực tiếp tham gia hoạt động ở thôn, tổ dân phố và mức phụ cấp kiêm nhiệm người trực tiếp tham gia hoạt động ở thôn, tổ dân phố sẽ phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương. Bộ Nội vụ cho biết việc quy định cụ thể mức phụ cấp và mức hỗ trợ đối với người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố và người trực tiếp tham gia hoạt động ở thôn, tổ dân phố (trong đó có các chức danh cấp phó hoặc chức danh hội, đoàn thể ở thôn, tổ dân phố) thuộc thẩm quyền quyết định của Hội đồng Nhân dân cấp tỉnh.
Như vậy, cử tri tỉnh Bình Thuận hoàn toàn có thể ý kiến với Hội đồng Nhân dân tỉnh để cán bộ thôn có mức phụ cấp phù hợp với bối cảnh hiện nay.