Bộ Ngoại giao tặng bằng khen cho kiều bào có đóng góp xuất sắc ASEAN: Luồng gió mới cho hợp tác kinh tế và phát triển |
Thông tin tại Họp báo thường kỳ chiều 17/8, trả lời câu hỏi của phóng viên về thông tin Việt Nam có ý định gia nhập nhóm các nền kinh tế mới nổi (BRICS) gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng cho biết: "Cũng như nhiều nước trên thế giới, Việt Nam quan tâm theo dõi tiến trình thảo luận về việc mở rộng thành viên của nhóm này".
Bà Hằng nhấn mạnh, là một thành viên tích cực, có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ đối ngoại, Việt Nam luôn sẵn sàng tham gia và đóng góp tích cực tại các cơ chế, tổ chức, diễn đàn đa phương toàn cầu và khu vực.
"Cũng như nhiều nước trên thế giới, chúng tôi quan tâm theo dõi tiến trình thảo luận về mở rộng thành viên của nhóm BRICS. Và trong hội nghị thượng đỉnh của nhóm BRICS tại Nam Phi sắp tới vào ngày 24/8, Việt Nam là một trong 71 nước được mời tham dự hội nghị" - Người phát ngôn Bộ Ngoại giao cho hay.
Đồng thời, người phát ngôn cho biết thêm, Việt Nam dự kiến sẽ cử đại diện tham dự các hội nghị thượng đỉnh BRICS và hội nghị đối thoại BRICS mở rộng.
Theo The Conversation, một số quốc gia, chủ yếu ở Nam bán cầu, đang tìm cách gia nhập BRICS. Được biết, Brazil, Nga, Ấn Độ và Trung Quốc thành lập BRIC vào năm 2001. Đến năm 2010, Nam Phi gia nhập, biến khối này thành BRICS. Hiện nay, BRICS chiếm khoảng 40% dân số và gần 1/4 tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu. Do đó, khối này có vai trò quan trọng đối với nền kinh tế thế giới. Các nhà quan sát cho rằng BRICS là một liên minh có thể đối trọng với Mỹ và châu Âu.
Thông tin khả năng BRICS mở rộng thành viên đã trở thành tiêu điểm trên nhiều phương tiện truyền thông trong bối cảnh khối này đang chuẩn bị tổ chức Hội nghị thượng đỉnh lần thứ 15 tại TP. Johannesburg (Nam Phi), dự kiến diễn ra từ ngày 22 đến 24/8 tới.