Nhiều nhà đầu tư quan tâm, tỉnh Lai Châu xin đầu tư sân bay 4.350 tỷ theo hình thức PPP Quảng Trị khảo sát lấy ý kiến dự án đầu tư sân bay |
Liên quan đến đề xuất của UBND tỉnh Sơn La về việc đề nghị bổ sung Cảng hàng không Mộc Châu vào Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Bộ Giao thông vận tải đã có văn bản trả lời ý kiến của UBND tỉnh Sơn La.
Theo đó, trong quy hoạch đường bộ đến năm 2030, tầm nhìn 2050, đã hoạch định tuyến cao tốc Hà Nội - Hòa Bình - Mộc Châu dài khoảng 145km, dự kiến đầu tư trước năm 2030. Tuyến cao tốc được đưa vào khai thác sẽ kết nối thuận lợi tới sân bay Nội Bài, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Trên địa bàn Sơn La, Bộ Giao thông vận tải đã đưa sân bay Nà Sản vào quy hoạch cảng hàng không giai đoạn 2021-2030. Ảnh: Minh Nguyễn |
Bên cạnh đó, trên địa bàn Sơn La, Bộ Giao thông vận tải đã đưa sân bay Nà Sản vào quy hoạch cảng hàng không giai đoạn 2021-2030, cho phép tỉnh là cơ quan có thẩm quyền thực hiện đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP). Vì thế, không đưa sân bay Mộc Châu vào quy hoạch.
Tuy nhiên, Bộ Giao thông vận tải ủng hộ tỉnh Sơn La có thể đầu tư sân bay chuyên dùng để phát triển du lịch, sau khi thống nhất với Bộ Quốc phòng, đồng thời chủ trì kêu gọi các nguồn lực để đầu tư.
Sân bay chuyên dùng để khai thác hàng không chung hoặc chuyên chở hành khách, hàng hóa mà không phải vận chuyển công cộng. Máy bay chuyên dùng là các loại trực thăng, thủy phi cơ, máy bay cánh bằng loại nhỏ, máy bay không người lái...
Trước đó, đầu tháng 9/2022, UBND tỉnh Sơn La đề xuất với Bộ Giao thông Vận tải bổ sung vào quy hoạch sân bay Mộc Châu.
Theo văn bản do Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La - Lê Hồng Minh ký, việc quy hoạch và đầu tư phát triển Cảng hàng không Mộc Châu là cần thiết, nhằm phục vụ mục đích an ninh quốc phòng và phát triển kinh tế trong thời gian tới.
Theo đó, Sơn La là tỉnh có nhiều tiềm năng về tự nhiên (cảnh quan đẹp, khí hậu tốt, địa hình phong phú), về xã hội (với 12 dân tộc giàu bản sắc truyền thống) và hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế du lịch phong phú, có nhiều lợi thế để phát triển du lịch.
Lượng khách đến với Sơn La đạt khoảng 2,5 triệu lượt người năm 2019; tăng trưởng nhanh, ổn định ở mức khoảng 23,2%/năm.