Bộ Giao thông Vận tải: Lên kế hoạch khởi công 3 cao tốc, 2 đường vành đai trọng điểm Bộ Giao thông Vận tải nhận trách nhiệm về sai phạm trong hoạt động đăng kiểm |
Đối với nguồn vốn lập nghiên cứu tiền khả thi Dự án đầu tư khu bến cảng Trần Đề, Bộ Giao thông Vận tải cho biết, theo Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, quan điểm thu hút nguồn lực là “huy động mọi nguồn lực, đặc biệt là nguồn lực ngoài ngân sách để đầu tư đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm hệ thống kết cấu hạ tầng hàng hải; ưu tiên nguồn lực Nhà nước đầu tư kết cấu hạ tầng hàng hải công cộng”.
Bộ Giao thông Vận tải ủng hộ đầu tư khu bến cảng ngoài khơi Trần Đề. Ảnh minh họa |
Khu bến Trần Đề được định hướng "phát triển theo định hướng xã hội hóa phù hợp với nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội và năng lực của nhà đầu tư”.
Do đó, Bộ Giao thông Vận tải ủng hộ sự cần thiết thực hiện nghiên cứu tiền khả thi Dự án Đầu tư khu bến cảng Trần Đề, làm cơ sở kêu gọi đầu tư theo định hướng quy hoạch cảng biển được duyệt.
Từ đây, lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải đề nghị UBND tỉnh Sóc Trăng nghiên cứu nguồn vốn (có thể từ nguồn ngoài ngân sách hoặc nguồn ngân sách) để tổ chức thực hiện theo quy định.
Trước đó, UBND tỉnh Sóc Trăng đã có công văn gửi Bộ Giao thông Vận tải về chủ trương lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án Đầu tư xây dựng cảng biển Trần Đề. Trong đó, kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải xem xét, chấp thuận việc cho phép nhà đầu tư đề xuất dự án theo quy định pháp luật về đầu tư hoặc theo phương thức PPP, phù hợp với nhu cầu, năng lực của nhà đầu tư hoặc cơ quan nhà nước đề xuất dự án.
Theo quy hoạch, cảng Trần Đề có thể tiếp nhận tàu tổng hợp, tàu chuyên container tải trọng 100.000 DWT hoặc lớn hơn, tàu hàng rời 160.000 DWT… đóng vai trò đảm nhận một phần hàng hóa xuất nhập khẩu trực tiếp của vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Đồng thời, khu cảng Trần Đề đóng vai trò thu hút đầu tư vào các khu, cụm công nghiệp, khu chế xuất trong vùng; đẩy mạnh hoạt động vận chuyển hàng hóa nội địa bằng đường biển; đảm nhận vai trò trung chuyển than cho các trung tâm nhiệt điện khu vực Đồng bằng sông Cửu Long; thu hút hàng trung chuyển đi Campuchia qua tuyến đường thủy sông Mekong, đặc biệt tuyến sông Hậu, một trong hai nhánh chính (cùng với nhánh sông Tiền) của sông Mekong chảy vào Việt Nam.