Sáng 19/10, tại Nam Định, Ban Chỉ đạo Trung ương các Chương trình Mục tiêu Quốc gia tổ chức Hội nghị Toàn quốc Tổng kết 10 năm Chương trình Mục tiêu Quốc gia Xây dựng NTM giai đoạn 2010 – 2020, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị.
Xây dựng và phát triển kết cấu hạ tầng là một trong những động lực quan trọng thúc đẩy sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá, đó cũng là yếu tố cơ bản để phát triển xã hội, tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững. Căn cứ thực trạng kinh tế của nước ta cũng như yêu cầu đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước trong thời kỳ mới, đòi hỏi phải không ngừng phát triển kết cấu hạ tầng, nhất là kết cấu hạ tầng ở nông thôn làm yếu tố cơ bản cho sự phát triển nhanh và bền vững, qua đó thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, bảo vệ môi trường.
Xác định đầu tư, phát triển hạ tầng điện và cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn là một trong những tiêu chí quan trọng trong xây dựng hạ tầng nông thôn mới (NTM), trong thời gian qua, Bộ Công Thương đã tích cực, chủ động triển khai thực hiện Tiêu chí số 4 về Điện và Tiêu chí số 7 về Cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn trong Bộ tiêu chí quốc gia về NTM.
Trải qua chặng đường gần 9 năm (từ năm 2010-2019), mặc dù trong quá trình triển khai thực hiện đã gặp không ít khó khăn, thách thức, nhưng với sự quyết tâm của Lãnh đạo Bộ Công Thương, các đơn vị thuộc Bộ, Sở Công Thương các tỉnh, thành phố và sự chung tay đồng thuận từ người dân, cộng đồng, Chương trình đã đạt được những kết quả rất đáng ghi nhận.
Hội nghị Tổng kết 10 năm Chương trình xây dựng nông thôn mới |
Đối với Tiêu chí số 4, trong hơn 9 năm qua, ngành điện đã xây dựng mới và cải tạo, nâng cấp lưới điện trung hạ thế nông thôn, mở rộng diện cấp điện. Đến nay, Tập đoàn Điện lực EVN đã cung cấp điện cho 100% số xã và 99,1% số hộ nông thôn. Chất lượng điện ở nông thôn ngày càng được nâng cao, ổn định, tổn thất điện ngày càng giảm, cơ bản đáp ứng đủ, kịp thời nhu cầu phát triển sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy hải sản theo hướng hỗ trợ mạnh cho việc tái cơ cấu ngành nông nghiệp và tạo điều kiện thuận lợi cho ứng dụng công nghệ, nhất là công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp kể cả những huyện vùng cao; phục vụ nhu cầu sinh hoạt và đảm bảo vận hành an toàn ổn định lưới điện của dân cư. Đặc biệt, là chú trọng đầu tư cấp điện cho các hộ dân chưa có điện tại các khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn và biên giới, các xã đảo, huyện đảo nhằm góp phần giữ vững chủ quyền quốc gia và đảm bảo an ninh trật tự xã hội cũng như góp phần mang đến ánh sáng và thông tin của Đảng và Nhà nước đến với người dân.
Đến nay, Tập đoàn điện lực EVN đã hoàn thành việc tiếp nhận quản lý và bán điện tại 11/12 huyện đảo: gồm Vân Đồn, Cô Tô (Quảng Ninh), Cát Hải, Bạch Long Vĩ (Hải Phòng), Cồn Cỏ (Quảng Trị), Lý Sơn (Quảng Ngãi), Phú Quý (Bình Thuận), Trường Sa (Khánh Hoá), Côn Đảo (Bà Rịa Vũng Tàu), Phú Quốc, Kiên Hải (Kiên Giang) đảm bảo cấp điện ổn định, liên tục 24/24h. Kết quả huy động nguồn lực thực hiện tiêu chí số 4 giai đoạn 2016-2019 đạt 81.700 tỷ đồng, gấp 1,6 lần so với vốn đầu tư giai đoạn 2011-2015 (giai đoạn 2011-2015 là 50.100 tỷ đồng).
Qua rà soát, đánh giá, tổng hợp tình hình thực hiện tiêu chí số 4 của các địa phương, đến nay, cả nước có 8.072 xã đạt Tiêu chí số 4, đạt 90,7%, tăng 45,94% so với năm 2010 và tăng 8,32% so với năm 2015. Các tỉnh/thành phố có 100% số xã trên địa bàn đạt chuẩn NTM về tiêu chí điện, gồm: Thái Nguyên, Hòa Bình, Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Hải Dương, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Hà Nam, Nam Định,…
Đối với Tiêu chí số 7, để thúc đẩy phát triển cơ sở hạ tầng thương mại, trong thời gian qua, Bộ Công Thương đã xây dựng và triển khai nhiều quy hoạch quan trọng như: Quy hoạch tổng thể phát triển thương mại Việt Nam giai đoạn 2011-2020 và định hướng đến năm 2030; Quy hoạch phát triển mạng lưới siêu thị, trung tâm thương mại cả nước đến 2020 và tầm nhìn đến 2030;…. Các Sở Công Thương đã chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành, địa phương tham mưu cho UBND cấp tỉnh ban hành các quy hoạch phù hợp với từng thời kỳ, nhằm định hướng phát triển cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn một cách đồng bộ.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị Tổng kết 10 năm Chương trình xây dựng NTM |
Hệ thống cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn đã có bước phát triển cả về số lượng và quy mô, đa dạng về loại hình và cấp độ chợ từng bước đáp ứng được nhu cầu của người dân nông thôn. Đến nay, hầu hết các tỉnh đã có quy hoạch phát triển chợ nông thôn, một số tỉnh có quy hoạch trung tâm thương mại hiện đại, có 35 tỉnh, thành phố đã ban hành cơ chế chính sách ưu đãi đầu tư xây dựng chợ. Mạng lưới chợ nông thôn từng bước phát triển theo quy hoach, hạn chế được trình trạng tự phát. Với hình thức xã hội hóa, nhiều địa phương đã huy động được nhiều nguồn lực từ doanh nghiệp và người dân để đầu tư xây dựng phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn.
Trong giai đoạn từ 2011 - 2018, cả nước đã xây mới trên 860 chợ; cải tạo nâng cấp trên 1.600 chợ. Đến nay, cả nước có 6.387 chợ nông thôn, trong đó có 223 chợ hạng I chiếm 3,5%; 683 chợ hạng II chiếm 10,7% và 5.428 chợ hạng III và có 61 chợ đầu mối nông sản cấp vùng và cấp tỉnh. Mô hình chợ an toàn vệ sinh thực phẩm ở nông thôn được đầu tư từ các dự án của Ngân hàng Thế giới (WB) cùng từng bước được nhận rộng. Nhìn chung, các chợ có hình thành Ban/Tổ quản lý đã đi vào nềp nếp trong thực hiện việc sắp xếp hoạt động kinh doanh của các hộ bán buôn có trật tự, từng bước nâng cao điều kiện đảm bảo vệ sinh môi trường, đảm bảo phòng cháy chữa cháy. Ở nhiều vùng nông thôn, các hình thức hạ tầng bán lẻ hiện đại như siêu thị, trung tâm thương mại, trung tâm tiện ích đã bắt đầu phát triển. Đến nay, chợ truyền thống vẫn là kênh thương mại lớn nhất ở nông thôn với lưu lượng hàng hoá bình quân chiếm từ 50-70%.
Qua rà soát, đánh giá, tổng hợp tình hình thực hiện của các địa phương, đến nay, cả nước 7.867 xã đạt Tiêu chí số 7, đạt 88,4%, tăng 75,7% so với năm 2010 và tăng 30,45% so với năm 2015. Các tỉnh/thành phố có 100% số xã đạt chuẩn NTM về tiêu chí Cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn, gồm: Hải Phòng, Hưng Yên, Bắc Ninh, Hà Nam, Nam Định, Thái Bình, Đà Nẵng, Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Cần Thơ.
Chung sức vì mục tiêu đảm bảo có điện phục vụ sinh hoạt - sản xuất cũng như phát triển hạ tầng thương mại nông thôn là bước đi rất quan trọng và là tiền đề trong việc nâng cao đời sống vật chất và tinh thần, thu hẹp khoảng cách về phát triển kinh tế giữa các vùng miền, thực hiện Chương trình Mục tiêu Quốc gia Xây dựng NTM, tăng cường và góp phần đảm bảo an ninh trật tự - quốc phòng vững mạnh, góp phần xây dựng đất nước Việt Nam giàu mạnh.