Bộ Công Thương tạo thuận lợi cho phát triển logistics
Tin hoạt động 17/07/2019 08:22
Hội tụ “thiên thời, địa lợi, nhân hòa”
Nhận định về những cơ hội trong phát triển dịch vụ logistics, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho rằng, hiện nay, nền kinh tế nước ta có độ mở rất lớn, đồng thời đứng trước nhiều cơ hội thông qua hàng loạt các hiệp định thương mại tự do đã được ký kết và đang triển khai thực hiện, trong đó có những hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như CPTPP, EVFTA… Theo đó, trong thời gian tới đây, quy mô, tốc độ tăng trưởng và sự bền vững của nền kinh tế sẽ được nâng lên ở tầm cao mới.
Tuy nhiên, chúng ta cũng thấy rất rõ có những yếu tố rất quan trọng và then chốt để đảm bảo cho việc khai thác thực thi có hiệu quả những cam kết hội nhập và những cơ hội của các hiệp định thương mại tự do này cũng như tiếp tục để phát triển đất nước theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập sâu rộng. Đó là những vấn đề sẽ đi cùng cả quá trình mà chúng ta mở cửa.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh (bên phải) trả lời phỏng vấn báo chí (Ảnh Cấn Dũng) |
Chẳng hạn như hệ thống logistics cũng như các dịch vụ trong phát triển kinh tế và thương mại. Logistis là ngành có đóng góp tỷ trọng rất quan trọng trong kinh tế, thương mại dịch vụ, nhưng ngược lại nếu logistics còn có hạn chế và không phát huy được vai trò thì bản thân chi phí logistics cũng trở thành một gánh nặng cho nền kinh tế và sự phát triển bền vững, đặc biệt là cho cộng đồng doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp của Việt Nam phần lớn là doanh nghiệp vừa và nhỏ.
“Nếu kinh tế ngày càng phát triển, đặc biệt thương mại, dịch vụ của nước ta đang ngày càng kết nối mạnh mẽ vào thị trường thế giới, thì logistics gần như là một điều kiện tiên quyết để chúng ta có thể phát huy có hiệu quả và cho phép phát triển bền vững, như cách ví von đã được trích dẫn nhiều lần, logistics là “mạch máu” để nuôi sống cơ thể kinh tế phát triển” - Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhấn mạnh và cho hay, nhận thức rõ vai trò của logistics, Chính phủ đã có những quyết sách, thể hiện quan điểm, chủ trương phát triển như Quyết định số 200/QĐ-TTg về việc phê duyệt Kế hoạch hành động nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2025.
Đặc biệt, đối với thành phố Hải Phòng, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh khẳng định, thời điểm này, Hải Phòng đã hội tụ đủ tất cả những điều kiện thiên thời, địa lợi, nhân hòa để thúc đẩy và tạo ra sự phát triển đột biến mạnh mẽ của logistics. Từ đó, đóng góp cho sự phát triển bền vững của chiến lược hội nhập cũng như chiến lược công nghiệp hóa của Hải Phòng thành công. Cụ thể, Hải Phòng có các cơ sở kinh tế, công nghiệp và các ngành kinh tế quan trọng đã được đầu tư tương đối đồng bộ và đang tạo ra những tiền đề cho tương lai, công nghiệp hóa và hội nhập quốc tế như hiện nay.
Bên cạnh đó, hệ thống giao thông và hệ thống hạ tầng trong các lĩnh vực của Hải Phòng đã được thiết lập, đầu tư xây dựng tương đối đồng bộ, bao gồm cả đường bộ, đường sắt, đường hàng không, đường thủy, thậm chí là vận chuyển bằng đường ống của một số sản phẩm đặc thù. Đặc biệt, có tính đầu tư đồng bộ, liên kết với các địa phương khác trong khu vực, trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ… Đây đều là những nền tảng rất quan trọng để phát huy được vai trò của logistics trong phát triển kinh tế - xã hội.
Hơn nữa, Hải Phòng có quan điểm, chủ trương phát triển cũng như kế hoạch hành động cụ thể cho phép phát huy, khai thác được không chỉ những cơ chế chính sách chung của Trung ương mà còn vận dụng được những điều kiện đặc thù của địa phương. Nghị quyết số 45-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Hải Phòng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 cũng đã định hướng rất rõ nét vai trò phát triển của thành phố như là một trung tâm kinh tế công nghiệp hiện đại của cả vùng.
Đặc biệt, trên cơ sở đón đầu những xu thế phát triển chung của thế giới, nhất là cách mạng công nghiệp 4.0 và kinh tế số, thì vai trò của Hải Phòng như một thành phố, đô thị thông minh và một nền công nghiệp thông minh, chắc chắn sẽ tiếp tục tạo ra sự lan tỏa cũng như tác động mạnh trong tất cả khía cạnh của kinh tế - xã hội.
Chính vì vậy, cùng với những nỗ lực trong cải cách của Chính phủ, Trung ương cũng như các bộ, ngành, những nỗ lực của Hải Phòng sẽ tiếp tục tạo thuận lợi cho môi trường kinh doanh, môi trường hoạt động của doanh nghiệp nói chung trong đầu tư, kinh tế, thương mại cũng như trong lĩnh vực logistics. “Hải Phòng có đủ điều kiện tốt để bứt lên, trở thành hình mẫu cho phát triển logistics, đóng góp cho phát triển của địa phương về kinh tế - xã hội” - Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhận định.
Tạo sức bật cho logistics
Để tạo điều kiện phát triển cho logistics trong thời gian tới, từ góc độ của Bộ Công Thương, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh chia sẻ, trước tiên, trong quản lý nhà nước chung trong các lĩnh vực công nghiệp, thương mại, dịch vụ…, Bộ Công Thương đang và sẽ tiếp tục làm tốt, nỗ lực thực hiện những cải cách về mặt thể chế cũng như trong các khuôn khổ pháp luật và công tác quản lý nhà nước, từ đó tạo ra sự phân cấp theo hướng thông thoáng, minh bạch, công khai, rõ ràng, ổn định, để không chỉ môi trường đầu tư kinh doanh của các doanh nghiệp nói chung, mà các hoạt động của doanh nghiệp trong lĩnh vực logistics cũng sẽ được thuận lợi.
Đi cùng với đó, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục đào tạo và hỗ trợ cho địa phương về nguồn nhân lực cũng như quản lý nhà nước trong các lĩnh vực về logistics để từ đó các địa phương, đặc biệt thành phố Hải Phòng sẽ có điều kiện để thực hiện một cách đầy đủ và toàn diện không chỉ Nghị quyết số 45-NQ/TW của Bộ Chính trị mà cả Quyết định số 200/QĐ-TTg của Thủ tướng cũng như các chương trình hành động trong các nghị quyết mới của Chính phủ về phát triển logistics.
Đồng thời, từ thực tiễn trong quá trình điều hành hoạt động, Bộ Công Thương nhận thấy cần tiếp tục phát huy và thể hiện tốt vai trò của mình, nhất là trong phối hợp với các bộ, ngành để xử lý các vấn đề mà địa phương đang vướng mắc, đối mặt hay đang có nhu cầu. Ví dụ, làm sao để có một cơ chế điều hành thống nhất của Chính phủ để có sự kết nối, phối hợp chặt chẽ tất cả các hoạt động của các bộ, ngành trong các lĩnh vực có liên quan đến hoạt động phát triển logistics, trong đó bao gồm cả về môi trường, hạ tầng phục vụ cho logistics...
Hay có định hướng và kế hoạch cụ thể để đào tạo nguồn nhân lực đảm bảo yêu cầu cho phát triển logistics cả nước nhưng đặc biệt phải tập trung cho những địa bàn trọng điểm như Hải Phòng - “hạt nhân” của cả vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ; những vấn đề liên quan đến chính sách đất đai, chính sách thuế và các chính sách khác liên quan đến giải phóng mặt bằng, những cơ chế đặc thù để phát triển hệ thống hạ tầng liên quan đến logistics, như hệ thống các kho lạnh, kho CFS, kho ngoại quan…
“Những điều này đòi hỏi phải có vai trò của các bộ, ngành Trung ương. Bộ Công Thương chắc chắn sẽ tham mưu cho Chính phủ để có những cơ chế chính sách mang tính đồng bộ, toàn diện, kịp thời” - Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nói và cho biết thêm, Bộ Giao thông Vận tải và Bộ Công Thương cần phải có sự phối hợp chặt chẽ để thống nhất những quy hoạch chung cho logistics trên nền tảng của kết nối về hạ tầng giao thông cũng như là trong chiến lược, quy hoạch về thương mại, trong đó bao gồm cả các hoạt động thương mại quốc tế và thương mại tại thị trường nội địa…
Cuối cùng, là các cơ chế chính sách hỗ trợ cho cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, nhất là doanh nghiệp logistics có điều kiện để phát triển, liên quan đến công nghệ, tín dụng, nguồn nhân lực… Dựa trên nền tảng khuôn khổ và cơ sở pháp lý mới được điều chỉnh và bổ sung để tạo điều kiện cho doanh nghiệp, nhưng mặt khác, những cơ chế khác của pháp luật và các điều hành của Chính phủ đảm bảo sự kết nối mạnh mẽ hơn và tương tác tốt hơn giữa cộng đồng doanh nghiệp logistics, giữa các chủ hàng với các hãng vận tải và các cơ quan công quyền để tạo ra một môi trường làm việc thuận lợi để phát triển logistics…