Bộ Công Thương sẵn sàng cùng địa phương, doanh nghiệp phát triển các ngành công nghiệp nền tảng
Tin hoạt động 28/06/2021 18:05
Chuỗi cung ứng xanh- doanh nghiệp đóng vai trò chủ động và quan trọng
Điểm đến đầu tiên của đoàn công tác của Bộ Công Thương là tỉnh Hải Dương. Tại đây, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, Thứ trưởng Đặng Hoàng An, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Văn Tùng và đoàn công tác đã cùng Bí thư Tỉnh ủy Phạm Xuân Thăng, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Dương Thái khảo sát mô hình doanh nghiệp của Tập đoàn An Phát Holdings tại Cụm công nghiệp An Đồng (Hải Dương).
Từ một xí nghiệp nhỏ sản xuất nhựa chủ yếu phục vụ trong nước, trải qua 19 năm, An Phát Holdings đã phát triển trở thành một tập đoàn lớn với 17 công ty thành viên, tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu tại hơn 50 thị trường xuất khẩu thông qua nắm bắt xu thế tất yếu là các sản phẩm sạch, sản phẩm tự hủy và thân thiện với môi trường.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên và lãnh đạo tỉnh Hải Dương thăm dây chuyền sản xuất của Tập đoàn An Phát Holdings |
Báo cáo với đoàn công tác Bộ Công Thương và lãnh đạo tỉnh Hải Dương, ông Đinh Xuân Cường - Phó Chủ tịch, Tổng Giám đốc Tập đoàn An Phát Holdings cho biết, năm 2021, đối diện với những tác động tiêu cực từ đại dịch Covid-19, An Phát Holdings vẫn đạt tốc độ tăng trưởng ổn định. Đặc biệt, với dự án nhà máy nguyên liệu sinh học phân hủy hoàn toàn PBAT An Phát đang được gấp rút chuẩn bị khởi công xây dựng, tập đoàn sẽ trở thành một trong số ít các nhà cung ứng nguyên liệu xanh trên toàn cầu, trực tiếp góp phần giảm giá sản phẩm xanh.
Song hành với việc sản xuất kinh doanh, trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp tại Việt Nam và với nguyên tắc hoạt động “an toàn cho sản xuất, an toàn cho người lao động”, An Phát Holdings đã quyết liệt trong công tác phòng, chống dịch bệnh. Nhờ đó, đến thời điểm hiện tại, toàn bộ hoạt động sản xuất kinh doanh của Tập đoàn và hơn 5.000 lao động đều an toàn.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đánh giá cao mô hình phát triển của An Phát Holdings |
An Phát Holdings đã thực hiện tốt trách nhiệm xã hội, đóng góp cho sự phát triển bền vững của các địa phương nơi đặt nhà máy, hỗ trợ các địa phương bị thiệt hại bởi thiên tai, bão lũ. Nhất là tại thời điểm dịch bệnh Covid-19, tập đoàn đã ủng hộ cho các địa phương có khu vực cách ly hàng chục tỷ đồng, đặc biệt hỗ trợ quỹ vaccine phòng chống Covid-19 tới 20 tỷ đồng.
Theo Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương Phạm Xuân Thăng, một trong những đột phá về tư duy và chiến lược phát triển của tỉnh trong thời gian tới sẽ là thúc đẩy tăng trưởng xanh. Đây là con đường tất yếu mà Hải Dương muốn tiên phong đi đầu trong cả nước, với vai trò đầu tàu của An Phát Holdings.
Trong đó, Hải Dương xác định trụ cột là phát triển công nghiệp công nghệ cao và công nghiệp hỗ trợ; quy hoạch sản xuất công nghiệp tập trung để thu hút đầu tư nước ngoài vào hai lĩnh vực này, qua đó tạo một hệ sinh thái với đầy đủ các tiện ích và hạ tầng cho doanh nghiệp tham gia phát triển.
Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đánh giá cao những kết quả mà doanh nghiệp đã đạt được, đồng thời nhấn mạnh: An Phát là một trong những đơn vị tiên phong trong thực hiện những định hướng chiến lược ngành Công Thương, tập trung phát triển công nghiệp nền tảng, công nghiệp hỗ trợ và tiến tới là công nghiệp vật liệu, công nghiệp hóa chất, công nghiệp chế tạo – 3 trong 6 ngành công nghiệp có tính chất nền tảng hiện nay.
Với tinh thần “lắng nghe thực tiễn để hoàn thiện chính sách”, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên chỉ rõ, trong bối cảnh Việt Nam cũng như các quốc gia đang thực hiện tốt chiến dịch vaccine, rõ ràng giai đoạn hậu Covid-19 mọi thứ sẽ thay đổi, trong đó có sự phục hồi của các nền kinh tế và nhu cầu cho chuỗi cung ứng. Để nắm bắt được cơ hội này, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh, trước hết, An Phát cần đẩy nhanh hơn nữa tiến độ của các dự án chiến lược, trong đó có nhà máy sản xuất nguyên liệu xanh đang chuẩn bị khởi công xây dựng, để đón đầu nhu cầu tăng trở lại của thị trường toàn cầu.
Thứ hai, doanh nghiệp cũng cần nhìn nhận lại để có được một chiến lược mới phù hợp hơn, tiếp tục tái cấu trúc mạnh mẽ thông qua đa dạng hóa sản phẩm, hướng đến phát triển các sản phẩm nguyên liệu, linh kiện cho ngành công nghiệp chế tạo, cơ khí, điện tử bên cạnh các sản phẩm tiêu dùng thế mạnh như hiện nay.
Đoàn công tác Bộ Công Thương và lãnh đạo tỉnh Hải Dương trồng cây trong khuôn viên của Tập đoàn |
Thứ ba, có sự kết nối, gắn kết chặt chẽ với các cơ quan quản lý nhà nước tại địa phương và Trung ương, từ cấp ủy, chính quyền tỉnh, ngành Công Thương địa phương, đến các Bộ ngành như Bộ Công Thương, Bộ Khoa học và Công nghệ,… để nhận được sự hỗ trợ, giúp đỡ kịp thời trong quá trình thực hiện ý tưởng và chiến lược phát triển của mình. Mặt khác, doanh nghiệp có thể phản hồi, kiến nghị lại về những cơ chế, chính sách cần thiết.
“Ngành Công Thương vừa qua đã ban hành chương trình hành động thực hiện Nghị quyết XIII của Đảng. Theo đó, bên cạnh việc tiếp tục khai thác, phát huy lợi thế của kinh tế đối ngoại thông qua các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (FTA) mà Việt Nam đã ký với các quốc gia và các vùng lãnh thổ, nhằm phát triển cân đối và nâng cao nội lực của nền kinh tế đất nước, ngành Công Thương xác định trọng tâm thời gian tới là thực hiện mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, và bước đi ban đầu chính là phát triển các ngành công nghiệp nền tảng”- Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh.
Bộ Công Thương cam kết phối hợp chặt chẽ với Tỉnh ủy, HĐND, UBND cũng như các ngành chức năng của địa phương để tiếp tục lắng nghe, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển thông qua công cụ điều hành chính sách. Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên hy vọng tỉnh Hải Dương sẽ xem An Phát như một trong những doanh nghiệp tiên phong, quan tâm tạo điều kiện để doanh nghiệp cũng như ngành Công Thương có thể triển khai thành công những định hướng phát triển bền vững mới trong thời gian tới.
Đồng hành đưa Quảng Ninh trở thành một cực tăng trưởng toàn diện phía Bắc
Điểm đến tiếp theo trong chuyến làm việc của Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên và đoàn công tác Bộ Công Thương là tỉnh Quảng Ninh. Cùng dự buổi làm việc trực tiếp từ điểm cầu UBND tỉnh Quảng Ninh kết hợp trực tuyến tới UBND các huyện, thị xã thành phố có Trưởng Ban Đối ngoại Trung ương Lê Hoài Trung, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Xuân Ký, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tường Văn cùng lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND, các sở ngành của Quảng Ninh.
Báo cáo của UBND tỉnh Quảng Ninh tại buổi làm việc do Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bùi Văn Khắng trình bày đã đi thẳng vào những đề xuất, kiến nghị của tỉnh với Bộ Công Thương nhằm tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, phát huy được các tiềm năng thế mạnh và hướng tới xây dựng tỉnh Quảng Ninh trở thành một cực tăng trưởng toàn diện phía Bắc.
Đoàn công tác Bộ Công Thương làm việc với UBND tỉnh Quảng Ninh |
Tỉnh Quảng Ninh đề nghị Bộ Công Thương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam điều chỉnh kế hoạch và tạo điều kiện cho các nhà máy nhiệt điện của tỉnh tăng công suất phát điện; đồng thời, chỉ đạo các nhà máy nhiệt điện trong nước thực hiện tiếp nhận than đúng với hợp đồng đã ký với ngành than và theo biểu đồ cấp than cho điện đã được Bộ Công Thương phê duyệt.
Quảng Ninh cũng đề xuất Bộ Công Thương hỗ trợ công tác xúc tiến đầu tư với các doanh nghiệp có kinh nghiệm, tiềm lực về lĩnh vực đầu tư xây dựng hạ tầng các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, qua đó thu hút các doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo đầu tư vào tỉnh.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nêu 6 nhiệm vụ Quảng Ninh cần thực hiện |
Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh Nguyễn Xuân Ký phát biểu tại buổi làm việc |
Tỉnh cũng đề nghị Bộ Công Thương, Ban Đối ngoại Trung ương quan tâm ủng hộ tỉnh Quảng Ninh tiếp tục thúc đẩy phát triển hoạt động xuất nhập khẩu, thương mại biên giới, quảng bá, xúc tiến, kết nối tiêu thụ sản phẩm vào thị trường trong nước và xuất khẩu; đồng thời điều chỉnh một số quy định pháp luật để phù hợp với thực tiễn quản lý và phát triển công nghiệp, thương mại.
Sau khi nghe lãnh đạo các đơn vị chức năng của Bộ làm rõ những nội dung liên quan đến các đề xuất, kiến nghị của Quảng Ninh, phát biểu kết luận buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên khẳng định, buổi làm việc của đoàn công tác Bộ Công Thương với UBND tỉnh thể hiện nỗ lực của Chính phủ và các bộ ngành trong việc cùng các địa phương duy trì sản xuất cũng như các chuỗi cung ứng.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Bùi Văn Khắng phát biểu tại buổi làm việc |
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nêu rõ, nhìn lại 5 năm qua, Quảng Ninh đã có được những kết quả rất tốt trong tăng trưởng kinh tế, bình quân GDP gần gấp đôi mức bình quân của cả nước. 6 tháng đầu năm 2021, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, tuy có tăng trưởng như cùng kỳ năm 2020 song lại thấp hơn mức bình quân của cả nước, nhất là dịch vụ du lịch và xuất nhập khẩu. Nghị quyết đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV cũng nhận định, kinh tế dịch vụ, du lịch tỉnh chưa đạt yêu cầu đề ra. Như công nghiệp, bán lẻ và một số lĩnh vực khác của Quảng Ninh trong 6 tháng đầu năm đều có mức tăng thấp hơn cả nước.
“Với vị trí, vai trò của một trong những mũi nhọn, đầu tàu kinh tế cả nước, một đỉnh của tam giác tăng trưởng Bắc bộ thì thực tế tăng trưởng như trên đòi hỏi phải có những giải pháp để giải quyết vấn đề. Do vậy những vấn đề Quảng Ninh đặt ra hôm nay, đặc biệt là những kiến nghị của tỉnh với ngành Công Thương rất đúng và trúng, rất cần được tháo gỡ. Tinh thần chung là Bộ tiếp thu tất cả những kiến nghị, đề xuất của tỉnh, và những gì thuộc thẩm quyền trách nhiệm của Bộ Công Thương thì Bộ sẽ xem xét sớm xử lý. Những vấn đề vượt thẩm quyền của Bộ thì Bộ Công Thương sẽ phối hợp cùng các Bộ để cùng tháo gỡ. Bộ đồng tình với quan điểm của tỉnh Quảng Ninh dựa trên tài nguyên, con người và văn hóa cũng như chiến lược phát triển từ nâu sang xanh, bền vững, xác định cơ cấu kinh tế của địa phương là dịch vụ - công nghiệp – nông nghiệp”- Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An phát biểu |
Để thực hiện được quan điểm, chiến lược phát triển của tỉnh, từ góc độ của ngành Công Thương, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nêu lên 6 nhiệm vụ Quảng Ninh cần tập trung thực hiện và triển khai.
Thứ nhất, Quảng Ninh cần sớm triển khai xây dựng chiến lược phát triển công nghiệp và thương mại của địa phương. Để có được những ngành công nghiệp phát triển trong tương lai, có cơ sở thu hút đầu tư phát triển công nghiệp thì vấn đề xây dựng chiến lược với những tầm nhìn chung bao gồm công nghiệp thương mại và dịch vụ là hết sức quan trọng.
“Chiến lược này cần dựa vào tiềm năng, lợi thế của địa phương, dựa vào xu thế phát triển của đất nước và đặc biệt là dựa vào chiến lược của quốc gia. Để từ chiến lược sẽ xây dựng những kế hoạch, đề án bảo đảm tính khả thi”- Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên chỉ rõ.
Lãnh đạo các đơn vị chức năng của Bộ Công Thương làm rõ các nội dung liên quan đến những kiến nghị, đề xuất của tỉnh Quảng Ninh |
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cũng chỉ rõ, trong nhiệm kỳ này và nhiệm kỳ tiếp theo phải quyết tâm xây dựng cho được những ngành công nghiệp có tính chất nền tảng để nhằm thực hiện mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Kinh nghiệm của các nước đã đi qua trong giai đoạn đầu cho thấy đều phải phát triển công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp vật liệu, hóa chất, công nghiệp chế biến chế tạo, cơ khí. Nếu như không có những ngành vừa nêu thì không thể có cơ sở công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Bộ Công Thương đề nghị tỉnh Quảng Ninh bám sát vào chiến lược quốc gia cũng như tiềm năng, thế mạnh của mình, trong đó, hai ngành than và điện vẫn sẽ tiếp tục phát triển nhưng dứt khoát phải phát triển trên nền tảng công nghệ mới. Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nêu vấn đề: “Công nghiệp vật liệu, hóa chất, chế tạo, cơ khí, hỗ trợ Quảng Ninh cũng hội đủ các điều kiện phát triển. Thử hình dung nếu Quảng Ninh hình thành một trung tâm về công nghiệp hỗ trợ, vùng sản xuất công nghiệp vật liệu công nghiệp hóa chất, công nghiệp chế tạo thì trong tương lại có thể khai thác được rất nhiều lợi thế của tỉnh. Vấn đề là chúng ta phát triển bằng công nghệ nào?”.
Về thương mại dịch vụ, tỉnh Quảng Ninh với đường biên giới dài hiện nay, nhất thiết phải phát triển kinh tế biên mậu, kinh tế ban đêm ở các khu du lịch nối các thành phố. Bên cạnh đó là dịch vụ cảng biển, logistics bởi Quảng Ninh có nhiều cảng biển, tuyến cao tốc, nên tỉnh cần quan tâm phát triển du lịch biển, du lịch sinh thái.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên và đoàn công tác khảo sát tại lối mở biên giới km3+4 thuộc phường Hải Yên, TP Móng Cái |
Thứ hai, từ chiến lược của ngành Công Thương, Quảng Ninh cần đẩy nhanh tiến độ lập và trình phê duyệt quy hoạch tỉnh trên cơ sở phù hợp Quy hoạch ngành, vùng và Quy hoạch quốc gia. Phải có chiến lược thì chúng ta mới tích hợp được những ngành công nghiệp thương mại và dịch vụ được xác định là trọng yếu nêu trong chiến lược phát triển của địa phương.
Thứ ba, đề nghị tỉnh khẩn trương trình cấp có thẩm quyền để triển khai quy hoạch và đầu tư hạ tầng khu kinh tế biên mậu tại Móng Cái, bao gồm hình thành khu kinh tế biên mậu tại Bắc Luân 2, Bắc Luân 3 với quy mô 1.300ha; hình thành chợ đầu mối nông sản tại khu vực cảng cạn ICD; xây dựng chợ đêm tại khu vực Bắc Luân 1; xây dựng hạ tầng du lịch, dịch vụ biển tại Trà Cổ, mũi Sa Vĩ; phát triển đô thị đáp ứng sự tăng dân số cơ học theo phát triển công nghiệp - dịch vụ; cùng với công nghiệp – dịch vụ phải hình thành các khu dân cư theo hướng đô thị. “Bộ Công Thương rất ủng hộ địa phương trong các dự án này, và sẵn sàng phối hợp hỗ trợ về quy hoạch, chính sách để Quảng Ninh có thể nhanh chóng tổ chức thực hiện” – Bộ trưởng khẳng định.
Khảo sát tại cửa khẩu Móng Cái |
Thứ tư, đề nghị tỉnh đẩy mạnh thực hiện cơ chế huy động vốn đầu tư về hạ tầng kinh tế xã hội theo hướng dùng nguồn vốn ngân sách nhà nước để kêu gọi vốn đầu tư tư nhân, đầu tư xã hội. Tiếp tục áp dụng những công thức quản trị mới mà Quảng Ninh đã từng có kinh nghiệm là đầu tư công - quản trị tư, đầu tư tư - quản trị công. Bây giờ Chính phủ cũng đang khuyến khích theo hướng này, đây là điều cực kỳ quan trọng. Cùng với đó, tiếp tục cải cách hành chính, đơn giản hóa các thủ tục để hấp dẫn nhà đầu tư.
Thứ năm, Quảng Ninh cần chú trọng phát triển thương mại nội địa. Bài học từ tiêu thụ nông sản thời gian qua cho thấy có lúc chúng ta “bỏ quên” thị trường nội địa. Khi Bộ Công Thương có chủ trương “xoay trục” trong việc tiêu thụ nông sản tới vụ của các địa phương bằng việc nâng năng lực tiêu thụ nội địa thông qua chính quyền địa phương, quản lý thị trường, thì năng lực tiêu thụ qua các chợ truyền thống, thông qua các siêu thị trên phạm vi toàn quốc là rất tốt, nâng năng lực tiêu thụ nội địa gấp hai lần so với mọi năm.
“Như trong tháng 4 và 5/2021 tiêu thụ gần 2 triệu tấn trái cây, trong khi đó xuất khẩu chỉ chiếm trên dưới 30%. Điều này chứng tỏ thị trường nội địa 100 triệu dân là cực kỳ quan trọng” - Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên thông tin.
Tiếp tục phát triển thương mại điện tử, kinh tế số. Kinh nghiệm vừa qua cho thấy tổ chức bán hàng online, qua các sàn giao dịch thương mại điện tử rất hiệu quả. Cần quan tâm để không xảy ra lừa đảo, hàng giả. Chợ truyền thống cũng cần quan tâm, theo đó cần huy động vốn xã hội đầu tư hạ tầng cho các chợ truyền thống là tốt nhất.
Thương mại biên giới cần tập trung vào các ngành hàng theo nhu cầu và dựa vào hiệp định thương mại tự do đã ký. Trong quá trình thu hút đầu tư, Quảng Ninh cần coi trọng, tạo điều kiện thu hút đầu tư trong nước về nguồn lực, về trí tuệ bằng những cơ chế ưu đãi, hấp dẫn.
Cần có lộ trình nội địa hóa trong quá trình thu hút đầu tư cũng như lộ trình để doanh nghiệp Việt Nam có thể tham gia vào chuỗi sản xuất và cung ứng hàng hóa. Đây cũng là tinh thần chỉ đạo mới của Bộ Công Thương.
Thứ sáu, liên quan đến quản lý thị trường, Quảng Ninh có biên giới rất dài cả trên đất liền và biển. Tỉnh cần quan tâm để lực lượng quản lý thị trường có thể phối hợp tốt với các lực lượng khác như công an, hải quan, thuế nhất là cấp ủy, chính quyền địa phương biên giới.
Trong phát biểu tại buổi làm việc, Bí thư Tinh ủy Quảng Ninh Nguyễn Xuân Ký nhấn mạnh, phát triển ngành công nghiệp vẫn được tỉnh xác định là nhiệm vụ hàng đầu, góp phần bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, giữ vững tỷ trọng phát triển kinh tế dựa trên nền tảng khoa học công nghệ để sản xuất sạch hơn. Những mỏ khai thác than lộ thiên sẽ được tỉnh Quảng Ninh đóng cửa theo đúng lộ trình; đồng thời sẽ đóng các mỏ khai thác đá quanh vịnh Hạ Long và các nhà máy sản xuất xi măng.
Đoàn xe làm thủ tục xuất nhập khẩu hàng hóa tại khu vực cửa khẩu Móng Cái |
Cùng đó thương mại, dịch vụ được tỉnh Quảng Ninh đặc biệt coi trọng, dựa trên tiềm năng, lợi thế có cảng hàng không, đường cao tốc, cảng biển, các cặp cửa khẩu quốc tế, thúc đẩy phát triển mạnh mẽ hoạt động thương mại biên mậu. Hiện nay, ngoài các cặp cửa khẩu được nhà nước đầu tư, nhiều doanh nghiệp, nhà đầu tư đã dành nguồn lực đầu tư, hình thành nên các kho ngoại quan, cầu phao tạm tại Km3+4. Nhờ đó, đã thu hút được lượng lớn doanh nghiệp tham gia hoạt động xuất nhập khẩu. Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy cũng đề nghị Bộ Công Thương ủng hộ, giải quyết những kiến nghị của ngành than, ngành điện và hỗ trợ phát triển liên kết vùng giữa Quảng Ninh - Hải Phòng - Thái Bình - Nam Định.
Trong chuyến công tác tại Quảng Ninh, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên và đoàn công tác Bộ Công Thương đã khảo sát thực tế hoạt động xuất, nhập khẩu tại Khu kinh tế cửa khẩu Móng Cái. Tại đây, Bộ trưởng yêu cầu các vụ, cục liên quan thuộc Bộ Công Thương hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho tỉnh Quảng Ninh cũng như các doanh nghiệp trên địa bàn đẩy mạnh hoạt động xuất, nhập khẩu.